Hàm Thuận Bắc: Mặt trận phối hợp xây dựng các mô hình “tự phòng, tự quản” đảm bảo an ninh, trật tự

Năm qua, thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các văn bản liên tịch giữa Công an với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, trong đó có nội dung xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến và hoạt động tự quản về an ninh- trật tự trên địa bàn huyện. Từ những văn bản trên Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tập trung phối hợp với Chính quyền, Công an và các tổ chức thành viên ban hành một số văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận và đoàn thể ở xã, thị trấn phối hợp với Chính quyền cùng cấp duy trì, rà soát và xây dựng mô hình “tự phòng, tự quản” trong phong trào bảo vệ ANTQ ở địa bàn thôn, khu phố. Kết quả hiện nay, trên địa bàn toàn huyện có 73 mô hình về an ninh - trật tự, được triển khai, thực hiện tại địa bàn thôn, khu phố. Riêng năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hàm Đức xây dựng mô hình điểm cấp huyện “Tổ Nhân dân xung kích phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh - trật tự” tại tổ 4, thôn 7, xã Hàm Đức, gồm 15 thành viên và bước đầu hoạt động có hiệu quả. Mô hình "Quỹ giúp đỡ người hoàn lương tái hoà nhập cộng đồng đảm bảo an ninh- trật tự" của xã Hồng Sơn; có 15 thành viên do Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã làm Tổ trưởng, qua 2 năm hoạt động mô hình phát huy được hiệu quả, đã vận động được một số đối tượng hoàn lương và BCĐ xã cũng đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm góp trên 50 triệu cho 02 người mượn để sản xuất đến nay họ đã hoàn vốn. BCĐ đánh giá kết quả mô hình này đang hoạt động rất hiệu quả và rất nhân văn; nếu chúng ta duy trì thường xuyên và BCĐ có tâm huyết với mô hình thì nó giúp đỡ những người bị lầm lỗi vi phạm pháp luật sớm tái hoà nhập cộng đồng một cách nhanh nhất; họ không còn mặt cảm với xã hội. Thông qua giúp vốn cho họ chúng ta có điều kiện trực tiếp gần họ và hiểu họ nhiều hơn; để hướng họ từ bỏ những lầm lỗi trong thời gian qua hoà nhập vào cộng đồng sớm nhất.

Xã Hồng Sơn ra mắt Mô hình “ giúp đỡ người hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng, đảm bảo ANTT”

Ngoài các mô hình nói trên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cấp uỷ đảng các cấp; UBMTTQVN cùng các tổ chức thành viên của Mặt trận hàng năm đều có chỉ đạo rà soát các mô hình hoạt động không còn hiệu quả cần phải loại bỏ và xem xét mô hình nào hoạt động còn hiệu quả thì tiếp tục duy trì và nhân rộng, các mô hình hiệu quả hiện nay như: Hội Cựu Chiến binh tham gia phòng ngừa tội phạm; Tổ nông dân tự quản, tự phòng; Trường học an toàn về an ninh trật tự; Câu lạc bộ Phụ nữ với Pháp luật và cuộc sống; Câu lạc bộ Phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật; Tổ, Câu lạc bộ phòng chống lây lan ma túy; Tổ Nhân dân tự quản, tự phòng ở khu dân cư; mô hình camera an ninh; đặc biệt là tiếp tục duy trì khá tốt mô hình trong cộng đồng tôn giáo như mô hình “An toàn- đoàn kết- văn hóa” tại giáo xứ Phương Lạc và Giáo xứ Tầm Hưng, thị trấn Ma Lâm; mô hình“khu dân cư đảm bảo an ninh- trật tự” tại giáo xứ Kim Ngọc- xã Hàm Thắng; mô hình “chức sắc, tôn giáo bảo đảm an ninh- trật tự” tại thôn Lâm Giang-xã Hàm Trí,…Thông qua việc duy trì, xây dựng, nhân rộng các mô hình đảm bảo ANTT đã góp phần nâng cao ý thức cảnh giác, tự quản, tự phòng trong gia đình, cộng đồng và chủ động, tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm trong các tầng lớp Nhân dân; nhiều mô hình được xây dựng, nhân rộng phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương và từng bước đi vào thực chất, đã cổ vũ, động viên mạnh mẽ ý thức, trách nhiệm của Nhân dân trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Xã Hàm Trí ra mắt Mô hình “Chức sắc tham gia bảo vệ ANTT”

Qua quá trình triển khai thực hiện xây dựng các mô hình “tự phòng, tự quản” đảm bảo an ninh, trật tự trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các thành viên của Ban chỉ đạo các cấp phải xác định việc xây dựng các mô hình “tự phòng, tự quản” phải có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, vai trò tham mưu của Công an, sự chủ động phối hợp của Mặt trận, đoàn thể, hội quần chúng các cấp, mà đặc biệt là sự thống nhất, tự giác, tích cực tham gia của các tầng lớp Nhân dân tại cộng đồng; xây dựng mô hình phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân để chọn, xây dựng mô hình sát thực với điều kiện, hoàn cảnh ở từng địa bàn cụ thể; qua đó, tập trung chỉ đạo thực hiện gắn với thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nổi lên để nâng chất lượng hoạt động của mô hình. Xây dựng các mô hình “tự phòng, tự quản” phải nghiên cứu lồng ghép với chương trình phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng an ninh như chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình hành động về phòng, chống tội phạm; phòng chống ma túy; phòng chống tệ nạn xã hội; chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và các cuộc vận động khác ở địa phương và cuối cùng cần làm tốt công tác tổng kết, sơ kết đánh giá hiệu quả của mô hình để rút kinh nghiệm gắn biểu dương, khen thưởng những mô hình, tổ chức, cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong thực hiện mô hình; kịp thời nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả, các mô hình hoạt động không hiệu quả của các tổ chức thành viên nên loại bỏ dần. Có làm tốt như vậy thì các mô hình mới hoạt động có hiệu quả, góp phần làm giảm được các tệ nạn trong cộng đồng, tạo điều kiện cho kinh tế địa phương phát triển.


Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO