Tin tức

Bệnh binh Đoàn Văn Đê vượt khó làm giàu

  • /
  • 28.7.2012 - 8:55

Là người lính từng vào sinh ra tử, ông Đoàn Văn Đê ở thôn Dân Hòa xã Thuận Hòa hiểu rất rõ giá trị cuộc sống. Khi rời quân ngũ trở về, trên người chỉ có chiếc ba lô, đời sống vất vã, thiếu thốn, nhưng với quyết tâm không chùn bước trước khó khăn, ông Đê đã vượt qua tất cả, vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu trên mãnh đất của mình, nhiều năm liền là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương.

Năm 18 tuổi như nhiều thanh niên trong làng, ông tham gia vào đội du kích xã Hàm Chính, đầu tháng 4/1973 chuyển sang B độc lập thuộc quyền chỉ huy của Huyện đội, cuối năm 1974 được xác nhập vào Đại đội 430 Hàm Thuận. Khi xác nhập Đại đội có 2 trung đội, ông được phân công làm trung đội trưởng trung đội 2, lúc đó ông Nguyễn Ngọc Thất là đại đội trưởng, ông Trần Ngọc Mười là chính trị viên.

Trong cuộc tiến công giải phóng chi khu Thiện giáo vào đêm ngày 7/4/1975, cùng với các lực lượng chính qui, trung đội của ông Đê được chỉ đạo đánh mãng phía tây, bằng cách phải chiếm cho được look 17, đây là một vị trí vệ tinh của địch để bảo vệ khu vực trung tâm. Khi chiếm được look 17, địch cho ném bom phá look để hủy diệt, nhưng may mắn 2 lần địch thả bom đều không trúng look, chỉ trượt ra ngoài, vì thế mà trung đội của ông Đê thoát chết. Ông tâm sự, trong kháng chiến, giữa cái sống và cái chết rất gần, tuy nhiên anh em không ai bận tâm, mình chiến đấu để bảo vệ tổ quốc. Vừa nói ông vừa chỉ lên trán, nơi mà mãnh đạn thời chiến tranh vẫn còn ghim chặt vào da thịt. Ông nói không biết mãnh đạn nó trúng mình lúc nào, tình cờ thấy nó đau, đụng vào mới biết, nếu mãng đạn lớn chắc là đi theo đồng chí, đồng đội rồi. Do mãng đạn nằm ở phần mềm, không ảnh hưởng đến sức khỏe, nên ông cũng quên chuyện phẫu thuật lấy nó ra, tuy nhiên thời tiết thay đổi thỉnh thoảng nó cũng đau nhức.

ông Đoàn Văn Đê.

Sau khi đất nước thống nhất, ông Đê được tổ chức cử đi học lớp cán bộ quân chính tại Phan Rang, sau đó làm huấn luyện tân binh, rồi lên Buôn mê Thuộc làm thủy lợi. Năm 1983 ông được ra quân phục viên. Về lại quê hương Hàm Chính trên người vỏn vẹn chỉ có chiếc ba lô và phiếu nhận lương thực 6 tháng(mỗi tháng 18 kg gạo). Ở nhà được vài tháng, không việc làm, không nghề nghiệp, đất đai không sản xuất được vì khô hạn, cuộc sống khó khổ, ông Đê để vợ ở lại, một mình lên xã Thuận Hòa ở nhờ nhà bà con để dọn rẫy lấy đất sản xuất. Dọn được 3 sào ở khu 33, thôn Dân Hiệp, ông Đê đưa vợ lên dựng chòi tiếp tục mở rộng diện tích, mục đích là lập nghiệp tại đây. Thời điểm này có người bán mãnh vườn và ngôi nhà ở thôn Dân Hòa, ông mua lại với giá 2 chỉ vàng, trong đó 1 chỉ ông mượn của họ hàng, 1 chỉ dùng đôi bông cưới của vợ.

Có đất, có nhà, vợ chồng ông cả ngày cặm cụi hết ngoài vườn rồi lên rẫy, trồng đủ loại hoa màu. Đất vườn thì ông trồng bắp, đất rẫy thì trồng mè, mì nhưng cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày, vì không chủ động được nguồn nước. Không nản chí, ông tiếp tục khai hoang thêm 1ha đất cát ở thôn Dân Trí, rồi trồng dưa lấy hạt. Ông tâm sự, vợ chồng mình làm tối mặt tối mày nhưng chẳng đủ đâu vào đâu, có năm công sức, tiền của bỏ ra cuối cùng mất trắng vì hạn hán, vì thế mình phải nghĩ ra nhiều cách để làm kinh tế sao cho có hiệu quả. Đầu tiên ông dành tiền mua cặp bò nghé rồi rèn cho nó kéo cày, kéo xe, khi nó làm thuần thục ai mua thì ông bán, rồi mua lại con khác rẻ hơn để nuôi dưỡng. Có thời điểm ông sử dụng 1 con bò cái và 1 con bò đực để đi cày, kéo xe. Việc làm khác biệt của ông đã mang lại nhiều kết quả, con bò cái giúp ông tiết kiệm được tiền đầu tư thay vì mua bò đực đắt tiền hơn, mà hàng năm bò cái còn đẻ con, giúp gia đình ông có thêm nguồn thu nhập. Tuy vậy cuộc sống gia đình ông vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, mọi sự chỉ thay đổi khi ông đem cây thanh long về trồng. Khoảng năm 1986-1987 tình cờ thấy ở nhà hàng xóm có giàn thanh long, ông xin về trồng 10 trụ, khi thanh  long có trái ông cho hàng xóm ăn thử, sau đó thấy có người đi mua dạo ông tỉa cành trồng thêm 30 trụ, rồi phát triển dần dần vườn thanh long hơn 300 trụ. Năm 2000 ông  bắt đầu chông đèn trái vụ, do chưa có điện lưới, ông dồn tiền được hơn 13 triệu đồng mua máy nổ chông mỗi pha được 100 trụ. Chỉ sau một vụ chông đèn gặp giá cao ông không những thu hồi tiền mua máy nổ mà còn mua được chiếc xe máy hơn 20 triệu đồng.\

Nhận thấy cây thanh long có nhiều triển vọng, ông tiếp tục đầu tư trồng thêm 300 trụ nữa. Chông đèn bằng máy nổ được 5 năm, thấy nguồn điện lưới dư công suất, ông bán máy nổ dồn hết tiền mua 300 bóng compax và chuyển sang dùng điện sinh hoạt để chông. Vừa đầu tư cho thanh long, diện tích đất rẫy hơn 1,6 ha, ông trồng mía, mì, mè, thu nhập gia đình ngày càng được nâng lên, ông xây được nhà mới khang trang, có điều kiện nuôi con ăn học. Năm 2010, ông cùng 1 người ở xóm đầu tư 120 triệu đồng hạ 1 bình biến thế điện 50 KVA. Hiện nay vườn thanh long nhà ông Đê trên 750 trụ, trong đó có 600 trụ cho thu hoạch, kết hợp với sản xuất 4 sào lúa nước và đất rẫy, trung bình mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 50 triệu đồng. Riêng vụ chông đèn năm 2012 này ông thu lãi gần 200 triệu đồng.

Ông Đê có 5 người con, 2 người đã có gia đình, 1 người đang là sinh viên, 2 người còn lại đều có việc làm ổn định. Là bệnh binh 61% nhưng ông Đê ít khi đề cập đến chế độ chính sách, ông cho biết, sức khỏe mình còn, mình có thể làm ra của cải cho gia đình và xã hội, khi nào  làm không nổi nữa rồi mới tính. Hiện có nhiều người còn khổ hơn mình, chính sách cần ưu tiên cho họ.

Với một diện tích thanh long và đất rẫy khá lớn, nhưng ông vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động của hội Cựu chiến binh và phong trào ở địa phương. Hiện ông làm tổ trưởng tổ thanh long VietGap Dân Hòa 1, định kì phải đi kiểm tra, nhắc nhở thành viên sản xuất phải tuân thủ qui trình để bảo vệ thương hiệu cho quả thanh long Bình Thuận. Ông Đê khẳng định, thanh long hiện là cây trồng số 1 của địa phương, nên sẽ quyết tâm đầu tư phát triển nó, nhất là sản xuất theo đúng qui trình VietGap để đảm bảo sự bền vững, lâu dài. Ông Đê bộc bạch, mình làm chủ yếu là để cho con, lo cho chúng nó đầy đủ rồi mới an tâm. Ông cũng mong muốn sao thế hệ trẻ hôm nay biết nghĩ về lịch sử, về truyền thống, để có cái nhìn tích cực, sống sao cho xứng đáng với những người đã không tiếc máu xương, chiến đấu, hy sinh để có được cuộc sống thanh bình hôm nay./.

                                                                                      Thành Khoa


  • |
  • 735
  • |

Các tin khác