Qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ, Hàm Thuận Bắc đã ghi vào lịch sử những địa danh bất tử: “Khu Lê bất khuất, Tam giác kiên cường, Nam Sơn trung dũng”, gắn liền những chiến công oanh liệt, rất đổi tự hào và cũng đầy mất mát, đau thương, hơn 6.000 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào hy sinh, gần 5.000 người bị tù đày, tra tấn và nhà cửa ruộng vườn tan hoang. Dân và quân Hàm Thuận Bắc đã góp phần xứng đáng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và vinh sự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: huyện Hàm Thuận, C430, C450, Ban an ninh, 12/17 xã, thị trấn, 9 cá nhân và 329 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Sau chiến tranh, với những bộn bề lo toan trong cuộc sống mới, lòng vẫn canh cánh nỗi tiếc thương. Không nói, nhưng ai cũng hiểu, chuyện không chỉ là việc trả nghĩa ân tình mà lòng tiếc thương phải được chuyển hóa, sao cho mỗi người con của quê hương Hàm Thuận Bắc hôm nay, phải sống xứng đáng đối với những người đã không tiếc máu xương vì quê hương anh hùng.
Đất nước thống nhất, vận hội mới đã mở ra cho những người dân Hàm Thuận Bắc vốn đã chịu nhiều mất mát hy sinh, bắt tay vào xây dựng quê hương thân yêu.
Xác định tầm quan trọng của mạng lưới giao thông trong việc giao lưu, phát triển kinh tế của địa phương. Với thuận lợi của Quốc lộ I và 28 đi qua, Hàm Thuận Bắc đã có nhiều cố gắng huy động sức dân, cùng với nguồn vốn của nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng và trải dài những con đường bảo đảm giao thông đến từng thôn, xóm. Núi rừng quê hương thức dậy, những con đường nối vùng cao miền núi với đồng bằng dần dược trãi nhựa. Cầu qua sông được làm kiên cố, những con đường nghĩa tình sâu nặng, vừa thể hiện đạo lý thuỷ chung đối với đồng bào, vừa tạo cơ sở quan trọng phát triển kinh tề ở vùng đất màu mỡ, còn ẩn chứa nhiều tiềm năng to lớn này.
Là vùng đất nhiều nắng, ít mưa, từ xưa nông dân Hàm Thuận Bắc thấm thía câu “trăm sự nhờ trời”. Toàn huyện chỉ có 7 đập nhỏ, sức tưới năm cao nhất khoảng 5 ngàn mẫu. Đất đai cằn khô, ruộng làm không đủ ăn, năm được năm thất. Trong những năm qua với nỗ lực lớn, nhiều công trình thủy lợi quan trọng đã được xây dựng và hoàn thành, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Toàn huyện hiện có 103 hạng mục công trình thủy lợi lớn, nhỏ, với năng lực tưới trên 30 nghìn ha, đặc biệt công trình “đền ơn đáp nghĩa” Sông Quao và gần đây là kênh tiếp nước thủy điện Đại Ninh đã làm nên sự hồi sinh diệu kỳ của bao vùng đất khô cằn,tạo nên những mùa màng bội thu.
Một trong những tiềm năng quan trọng của Hàm Thuận Bắc trên bước đường xây dựng và phát triển quê hương là nguồn nhân lực trẻ dồi dào và phần lớn đã tốt nghiệp trung học phổ thông, điều này sẽ hết sức thuận lợi trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật hay các công nhân lành nghề, theo yêu cầu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đầu tư xây dựng các nhà máy, xí nghiệp trên đia bàn huyện. Cũng như bao miền quê khác, ngưòi dân Hàm Thuận Bắc giàu lòng nhân ái, tương thân tương trợ, cần mẫn và hiếu học, tôn trọng truyền thống dân tộc. Những giá trị tinh thần này là cơ sở để nhân dân Hàm Thuận Bắc phát huy truyền thống tốt đẹp vốn có, và càng có ý nghĩa đặc biệt trên bước đường xây dựng quê hương.
Từ xa xưa, Hàm Thuận Bắc đã có những làng nghề nổi tiếng khắp vùng, lưu truyền qua nhiều đời mà đến nay, nhiều người vẫn còn nhớ mãi. Những nghệ nhân tài hoa đã truyền lại những phẩm chất khéo léo, thông minh và nhiều sáng tạo cho lớp lớp con cháu. Đáng tiếc thời gian và những biến động về kinh tế đã làm mai một một số làng nghề truyền thống. Thực hiện việc khôi phục các làng nghề truyền thống và xây dựng các cụm làng tiểu thủ công nghiệp mới, huyện Hàm Thuận Bắc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư khôi phục và phát triển các làng nghề bánh tráng, làng nghề mộc cao cấp và dân dụng ở xã Hàm Thắng, thị trấn Phú Long. Nghề dệt thổ cẩm, đan tre lát mây tre lá ở Thuận Minh, Đông Giang, Hàm Trí, Ma Lâm và La Dạ. Cơ sở điêu khắc mỹ nghệ ở Đa Mi, Hàm Thắng. Nghề tạo hình hoa viên cây cảnh ở Hàm Hiệp, Đa Mi.
Tài nguyên quan trọng và quý giá nhất của Hàm Thuận Bắc là quĩ đất đai khá đa dạng và được phân bố trên nhiều miền khác nhau. Vừa thích hợp cho phát triển nông nghiệp vừa có thể đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch.
Do đặc điểm địa hình, Hàm Thuận Bắc có hệ thống sống ngòi với lưu lượng nước khá lớn, hơn 300 mét khối/ năm; các công trình thủy điện, thủy lợi lớn của Quốc gia như công trình thủy điện Đa Mi, hồ thủy lợi Sông Quao, hồ chứa nước Suối Đá, Sụng Khỏn là những điều kiện hết sức thuận lợi, mở ra triển vọng phát triển nông nghiệp, thủy điện và du lịch.
Ngoài các hồ chứa nước lớn, Hàm Thuận Bắc còn có các hệ thống ao bàu rãi rác trải khắp ở các xã. Tổng diện tích mặt nước của toàn huyện có đủ điều kiện để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên 4.500 ha. Cũng từ nguồn nước của hệ thống thủy lợi, ao hồ, đã tạo nên độ ẩm toàn vùng và mở ra khả năng tưới tiêu chủ động cho các vùng đất tiềm năng, thuận lợi cho các vùng chuyên canh cây trồng hàng hóa lớn phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, trồng các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày như: cao su, cà phê, mì. bông vải... Khí hậu ôn hòa, thời tiết thuận lợi cho các loại cây ăn quả: Thanh long, xoài, nhãn, sầu riêng... Từ đó đã hình thành các nhà máy chế biến, bảo quản các loại nông sản, thực phẩm tiêu thụ trong nước và đóng hộp xuất khẩu.
Hồ Hàm Thuận - Đa Mi.
Hàm Thuận Bắc có hơn 62 nghìn hécta rừng, trong đó có trên 58 heta rừng tự nhiên, trữ lượng gỗ gần 1,5 triện mét khối. Nghề mộc dân dụng và cao cấp của địa phương đang được khôi phục, sản xuất nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, có giá trị cao. Đây là cơ sở thuận lợi cho hướng tổ chức hợp tác để thành lập các làng nghề, theo hướng đầu tư đúng mức để sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường và sản phẩm có khả năng đi xa trong tiêu thụ. Cũng chính từ sự phong phú về hệ thực vật rừng của Hàm Thuận Bắc, nhiều năm qua, nghề tạo hình hoa viên, trồng cây cảnh đã phát triển khá mạnh. Ngoài các hộ chuyên trồng hoa mai để bán, nhiều nghệ nhân đã có công sưu tầm, tuyển chọn và nhân giống các loại thực vật rừng hiếm quý, cung cấp cho thị trường cây cảnh, đem lại mức thu nhập khá cho gia đình.
Không chỉ có thế mạnh cây gỗ từ rừng, Hàm Thuận Bắc còn hơn 10 ngàn hecta đất trống, đồi rừng, đất nông nghiệp có đủ điều kiện và thích hợp cho việc trồng rừng nguyên liệu, nhất là trồng tre lấy măng, làm đũa, làm giấy... Các cơ sở chế biến sản phẩm từ tre vẫn còn thô sơ, nếu đựơc đầu tư đúng mức, sản phẩm được tinh chế ngay tại vùng nguyên liệu, sử dụng nguồn nhân công tại chỗ giá thành sản phẩm sẽ hạ, giá trị hàng hóa sẽ cao hơn.
Tiềm năng về khoáng sản của Hàm Thuận Bắc không nhiều, nhưng cũng mang lại nguồn thu không nhỏ cho địa phương. Về sản xuất vật liệu xây dựng, có các loại đá Gra - nít và Riolte với trữ lượng lớn ở Tà Dôn – Hàm Đức, Núi Ách- Hàm Liêm, núi Xả Thô - Hàm Trí; mỏ đá ốp lát ở núi đá Già, xã Thuận Hòa với trữ lượng lớn, chất lượng tốt, mỏ lộ thiên trên diện rộng, thuận lợi cho khai thác; mỏ cát thủy tinh với tổng trữ lượng ước trên 20 triệu tấn, tập trung ở Hàm Liêm, Hàm Đức, Hồng Sơn, thị trấn Phú Long và 9 khu vực đã được quy hoạch khai thác đá chẻ với diện tích 627 ha ở các xã Hàm Trí, Thuận Hòa, Thuận Minh, Hàm Trí, La Dạ.
Hàm Thuận Bắc có nhiều dân tộc anh em chung sống chan hòa lâu đời với những nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt. Nếu có dịp bạn làm một chuyến du hành về quê hương Hàm Thuận Bắc cùng khám phá những điều mới lạ, cùng trãi lòng mình với con người và thiên nhiên. Trước hết vào buổi sáng đẹp trời, hãy ghé vào làng văn hóa ẩm thực Phú Long thưởng thức món “bánh hỏi, lòng heo” nổi tiếng xưa nay; qua Hàm Đức nhớ về nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn thị Hòa, đội viên du kích Xa Ra, đã anh dũng chiến đấu hi sinh khi vừa tròn 17 tuổi, nêu gương sáng cho tuổi trẻ trong những năm tháng kiên cường đánh giặc Mỹ; sau thẳng về các làng Chăm-thị trấn Ma Lâm, Giang Mâu-Hàm Trí, Lâm Thuận-Hàm Phú có dịp hiểu biết thêm về một nền văn hóa Chăm Pa cổ xưa và gần gũi với những lễ hội Ka tê, Cha bun tưng bừng và rực rỡ sắc màu. Từ giã các làng Chăm, đến với vùng cao sau những chặng vượt đèo thật thích, bạn càng thú vị hơn với những nét văn hóa cổ truyền của các dân tộc K’ho, Rắclây biểu hiện trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày. Nếu may mắn đến vào dịp tết đầu lúa, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến cảnh cô gái K’ho giã gạo chày đôi, ủ men nấu rượu cần, lắng nghe tiếng Mã la vang vọng khắp núi rừng. Những mẹ già dạy các cô gái dệt thổ cẩm, làm những chiếc chăn cho đồ sính lễ bắt chồng. Những ngôi nhà sàn cũ có, mới có, mang mang vẻ đẹp hoang sơ, tạo dáng cam sẫm cho buổi chiều tà, hay vàng rượi trong ban mai rực rỡ. Sau khi thăm thú và tìm hiểu các làng Chăm, K’ho, Rắc lây... hành trình của bạn tiến lên vùng đất cao hơn, tham quan Nhà máy thủy điện Đa Mi, được hưởng không khí trong lành của núi rừng hoang sơ, cảm nhận cái se se lạnh khi đến ngắm những dòng thác bạc như treo lơ lững giữa thinh không.
Những vườn quả xum xuê cây trái sẽ làm dịu đi cái nắng ban trưa. Vị ngọt lành của thiên nhiên sẽ đẩy cảm giác thư giãn của bạn đi đến tột cùng, trong những ngày nghỉ dưỡng.
Sau những tháng ngày bộn bề lo toan vì cuộc mưu sinh. Mạnh mẽ hơn, hấp dẫn hơn và pha chút mạo hiểm, bạn có thể lướt nhanh trên mặt nước hồ Hàm Thuận-Đa Mi, tận hưởng hết những gì thiên nhiên ban tặng qua vòng lượn ngoạn mục, kết thúc chuyến đi bằng bữa ăn với những sản vật sông nước vùng cao.
Đến với Hàm Thuận Bắc, bạn có thể đi từ Bảo Lộc qua đường 28 thông với Di Linh, từ QL1 rẽ vào Thuận Hòa, và QL 55 đang chuẩn bị khởi công sẽ nối liền từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Bình Thuận và Lâm Đồng. Đường sắt thống nhất Bắc - Nam chạy dài trên địa bàn huyện. Hàm Thuận Bắc trở thành cửa ngõ của vùng Đông Nam bộ và Tây nguyên.
Tấm lòng người Hàm Thuận Bắc trải ra, chân thực mời gọi bạn hữu gần xa, đến thăm cộng tác và hiệp lực với mình để đánh thức những tiềm lực to lớn của miền quê yêu thương này./.