Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã khẳng định sức mạnh to lớn của quần chúng Nhân dân - người làm nên lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân; “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại được”. Đó là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, triệu người như một, quyết chí, đồng lòng đứng lên giải phóng dân tộc khỏi chế độ áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến. Sức mạnh đó là truyền thống quý báu được hun đúc từ hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, không chịu khuất phục trước bất cứ thế lực xâm lược, áp bức nào. Sáng ngày 19-8-1945, Hà Nội chìm trong màu sắc đỏ của cờ cách mạng. Theo kế hoạch đã định, hàng vạn nông dân và dân nghèo được tập hợp thành đội ngũ kéo về trung tâm thành phố. Sau đó, cuộc mít tinh khổng lồ của gần 20 vạn người chuyển thành biểu tình thị uy của quần chúng, có các đơn vị tự vệ, tuyên truyền xung phong dẫn đầu, chia thành hai khối lớn chiếm các vị trí theo kế hoạch đã định. Một khối quần chúng chiếm phủ Khâm sai, một khối chiếm trại bảo an, lực lượng tự vệ nhanh chóng chiếm các vị trí quan trọng trong trại. Chúng ta thực hiện đấu tranh vừa kiên quyết vừa mềm dẻo và trước áp lực của quần chúng, đến 5 giờ chiều ngày 19-8-1945, quân Nhật buộc phải rút lui khỏi Hà Nội. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội giành được thắng lợi và nhanh chóng lan rộng ra khắp cả nước và cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8 năm 1945 đã thành công. Qua đó chứng minh chân lý đã được chủ nghĩa Mác – Lênin khẳng định: “quần chúng là người làm nên lịch sử”.
Nhìn lại 79 năm trôi qua, nhưng trong tâm khảm của nhiều thế hệ người dân Việt Nam ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền 19/8 trong cao trào Cách mạng tháng Tám 1945 vẫn còn âm vang hào khí sôi nổi và niềm tự hào dân tộc lớn lao. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đã để lại nhiều bài học lịch sử vô giá, trong đó, có bài học về công tác vận động quần chúng của Đảng.