Đến giữa tháng 8/1945, khắp phủ Hàm Thuận từ Tân Xuân đến Ma Lâm, từ Mũi Né đến Long Thạnh đều có tổ chức Mặt trận Việt Minh và đoàn thể Cứu quốc.
Khi quân Nhật đầu hàng quân Đồng Minh ngày 15/8/1945, bộ máy tay sai của địch ở Phan Thiết, Hàm Thuận đều hoang mang, rệu rã... Trong những ngày giữa tháng 8/1945, cùng khí thế khởi nghĩa chung cả nước, toàn thể hội viên Cứu Quốc ở Hàm Thuận rãi tuyền đơn, dán khẩu hiệu... kêu gọi toàn dân giành chính quyền.
Phủ lỵ (trung tâm hành chính - chính trị) của Hàm Thuận nằm tại Trinh Tường - Đối diện Sân vận động Phan Thiết ngày nay, nên khi bộ máy Ngụy quyền tỉnh tan rã thì Ngụy quyền Hàm Thuận cũng tan rã theo. Do đó phủ Hàm Thuận đã giành chính quyền cùng ngày với Tỉnh ngày 24/8/1945. Chiều hôm đó, nhân dân từng làng tổ chức mít tinh gây áp lực với địch, ủng hộ Việt Minh tỉnh.
Cùng hàng nghìn người khắp Tỉnh, rạng sáng ngày 25/8/1945, đồng bào Hàm Thuận hàng ngủ chỉnh tề từ các nẻo đường hiên ngang tiến về Sân vận động Phan Thiết dự mitting mừng Cách mạng thành công. Đồng bào hô khẩu hiệu vang rền:
- Đả đảo phát xít Nhật!
- Việt Nam hoàn toàn độc lập!
- Việt Minh muôn năm!...
Những ngày sau, bộ máy tay sai của địch từ Phủ, Tổng đến Xã lần lượt ra trình diện, giao nộp hồ sơ, đồng triện cho Cách mạng. Các nhà làng trong Phủ trở thành nơi hội họp của nhân dân. Ủy Ban Nhân Dân Cách mạng lâm thời và Mặt trận Việt Minh từng xã làm mít tinh, tuyên bố trước đồng bào: “Giải tán hội tề, xóa nợ, bỏ thuế”. Tiếp đó, sau ngày 02/9/1945, từng làng lại tưng bừng tổ chức mít tinh chào mừng ngày đất nước độc lập và phổ biến bản Tuyên ngôn độc lập.