Thực hiện quy chế dân chủ ở địa bàn thôn, khu phố

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”, lời Bác dạy năm nào vẫn còn nguyên giá trị. Thấm nhuần tinh thần lời Bác dạy, đồng thời thực hiện chủ trương, đường lối, chỉ đạo của cấp trên, thời gian qua, nhất là 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Hàm Thuận Bắc đã nổ lực, đẩy mạnh thực hiện vận động Nhân dân cùng chung tay tham gia đóng góp, xây dựng huyện nhà khang trang, tươi đẹp hơn.

(Ảnh: Tuyến đường bê tông xi măng ở Thuận Hòa được đầu tư từ ngân sách và huy động sức dân).

Để đông đảo Nhân dân huyện cùng tham gia xây dựng quê hương, huyện đã thực hiện đúng tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” theo Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH, ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”. Đây là cơ sở pháp lý để cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo niềm tin của dân trong tham gia vào quá trình đóng góp, xây dựng quê hương.

Trong chỉ đạo, triển khai thực hiện, huyện luôn gắn chặt việc thực hiện dân chủ ở thôn, khu phố với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hàng năm, huyện xây dựng văn bản chỉ đạo thực hiện các nội dung có liên quan đến thực hiện dân chủ, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở của huyện và ban chỉ đạo các xã, thị trấn thì công tác chỉ đạo triển khai thực hiện sâu rộng hơn, hiệu quả hơn. Các cấp, ngành huyện bám sát cơ sở để nắm tình hình, tháo gỡ vướng mắt, khó khăn, tổ chức kiểm tra, giám sát cơ sở, lấy ý kiến nhân dân nên việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đạt kết quả.

Chính quyền phối hợp với mặt trận, đoàn thể cùng cấp bằng nhiều hình thức để tổ chức tuyên truyền, phổ biến, công khai các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật, các văn bản về thực hiện dân chủ đến dân. Các thủ tục hành chính, các khoản thu - chi, các loại quỹ, các khoản huy động dân đóng góp xây dựng đường bê tông, công trình phúc lợi tại các thôn, khu phố… được công khai để dân biết, bàn và quyết định theo sự đồng thuận hoặc theo nguyên tắc dân chủ. Công khai số điện thoại của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị huyện và UBND các xã, thị trấn để tổ chức, cá nhân biết, tiện việc liên hệ, phản ảnh. Công khai cho dân biết góp ý các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, chủ trương đền bù, giải phóng mặt bằng, gần đây nhất có: Nâng cấp sửa chửa, mở rộng các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 28, đường Sara -Tầm Hưng, đường Ma Lâm - Hội Nhơn... ; giải tỏa, đền bù, di dời phục vụ cao tốc Bắc Nam, chỉnh trang vỉa hè đường 8/4 tại Ma Lâm, xây dựng tuyến kè ở Sông Cái Ma Lâm, khơi thông dòng chảy sông suối tự nhiên và nước thải sinh hoạt trong khu dân cư… Các ý kiến xác đáng, phù hợp với luật pháp và các quy định sẽ được các cấp chính quyền tiếp thu, thực hiện. Qua các hình thức trực tiếp và gián tiếp, mặt trận, các đoàn thể xã, thị trấn tiếp tục triển khai giám sát và phản biện xã hội đối với: hoạt động của chính quyền; việc thực hiện nghị quyết của đảng bộ; hoạt động của ban điều hành thôn, khu phố … Ban giám sát đầu tư cộng đồng tiếp tục giám sát việc thi công các công trình trên địa bàn dân cư mình như nạo vét kênh mương, làm đường bê tông nông thôn… Nhờ đó, đông đảo người dân tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận để thực hiện, đóng góp các khoản tiền, góp công sức, hiến ruộng, đất để thực hiện. Đồng thời cũng chính nhân dân tham gia giám sát, góp ý, chỉ ra nhiều thiếu sót để kịp thời khắc phục, nâng chất lượng công trình, phục vụ chính người dân.

10 năm qua, cùng với nguồn ngân sách nhà nước, huyện vận động Nhân dân đóng góp tiền, công lao động, hiến đất để làm các công trình phục vụ chính người dân trị giá hơn trăm tỷ đồng. Riêng năm 2019, Nhân dân các xã, thị trấn đóng góp: Hơn 11,8 tỷ đồng để làm 39,6/25 km đường bê tông xi măng; phát dọn khơi thông dòng chảy các tuyến kênh tiêu, thoát lũ sông suối tự nhiên được 46,7/44,9 km (vượt chỉ tiêu đề ra); đóng góp 318,34/265,1 triệu đồng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” (vượt kế hoạch đề ra); hơn 867/800 triệu đồng Quỹ “Vì người nghèo” và 1,568 tỷ đồng Quỹ thôn, xóm và 4,69 tỷ đồng để xây dựng các công trình, phần việc phục vụ dân.

Trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở, các cấp, ngành, mặt trận, đoàn thể đã thực hiện, duy trì các mô hình, phong trào hay, sáng tạo được nhân rộng hay biểu dương. Hàng nghìn hộ dân ngoài đóng góp tiền làm giao thông nông thôn, bê tông xi măng... còn hiến đất làm đường, lắp đặt điện chiếu sáng, lắp nước sạch, kênh mượng nội đồng, tự đầu tư lắp camera an ninh, góp phần hạn chế trộm cắp; Hội Cựu chiến binh có mô hình “Đội dân phòng tự quản tự phòng” do hội viên cựu chiến binh ở các thôn (Hàm Phú, Hàm Trí) tham gia góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương; Hội phụ nữ đã và đang triển khai 18 mô hình với 28 câu lạc bộ và 481 tổ thu hút hơn 9.000 hội viên tham gia, tiêu biểu như: “Tổ tuyên truyền, phòng chống ma túy”, “tổ tự quản, tự phòng”, “bếp ăn từ thiện”, “hủ gạo tình thương”, “Tổ góp vốn” giúp phụ nữ nghèo ...vv; Ban điều hành thôn Dân Trí xã Thuận Hòa đã vận động dân ở 2 tổ tự quản 5 và 6 đóng góp gần 2 tỷ đồng lắp đặt hệ thống đường ống nước dài 3,5 km đưa nguồn nước từ kênh Châu Tá 812 về sinh hoạt trong dân (90 hộ) và tưới 75 ha thanh long, lúa nước....Đoàn thanh niên xã Hàm Hiệp phối hợp dân quân xã tham gia thi công một số tuyến bê tông xi măng trên địa bàn để tạo việc làm, gây quỹ hoạt động và góp phần tham gia xây dựng nông thôn mới...vv.

Chính quyền từng bước mở rộng quyền làm chủ của người dân. Nhờ đó nội lực của nhân dân được phát huy, nhất là qua phòng trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”. Nhân dân đã tích cực đóng góp các loại quỹ hoạt động thôn, xóm và góp phần quan trọng để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh hàng năm đã đề ra.

Dù đạt được những kết quả nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục như hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng chưa đồng bộ; việc nắm bắt và phản ảnh, kiến nghị những vấn đề bức xúc của nhân dân để cấp uỷ, chính quyền giải quyết có nơi chưa được chú ý đúng mức. Công tác quán triệt, tuyên truyền phổ biến các nội dung thực hiện dân chủ ở nhiều nơi chưa được thực hiện thường xuyên, sâu kỹ; việc tổ chức họp dân để triển khai ở các xã, thị trấn gặp khó khăn. Do vậy, trong thời gian đến cần đổi mới hình thức, nâng chất lượng tổ chức quán triệt, tuyên truyền Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo các cấp sau đại hội đảng bộ năm 2020. UBND huyện cần tiếp tục chỉ đạo việc công khai cho nhân dân biết những vấn đề lớn có liên quan đến dân, nhất là kế hoạch quy hoạch, sử dụng đất, các dự án xây dựng hạ tầng...; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ sở, tạo điều kiện cho các ban giám sát đầu tư cộng đồng xã, thị trấn giám sát các công trình do huyện, xã làm chủ đầu tư. Mặt trận, đoàn thể các cấp tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, tập trung vào các hoạt động có liên quan đến quyền và lợi ích của đoàn viên, hội viên.

Việc dù khó, khó đến mấy đi chăng nữa nếu dân đồng thuận ắt sẽ thực hiện thành công. Kháng chiến trường kỳ 45 năm trước, dù chịu muôn vàng gian khổ, hy sinh tưởng chừng như không thể thắng lợi nhưng khi ý Đảng lòng dân một hướng chúng ta đã thành công. Việc huy động sức dân trong xây dựng quê hương nhất thiết phải công khai cho dân biết, dân bàn, dân quyết, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng.


Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO