Đến cuối năm 2019, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên,…trên địa bàn huyện hơn 300 tỷ đồng, giúp cho 12.487 khách hàng vay từ 17 chương trình tín dụng. Kết quả trên tạo “đòn bảy” quan trọng giúp các địa phương trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc nói chung, xã Thuận Minh nói riêng giảm nghèo bền vững, hoàn thành mục tiêu đạt 19/19 tiêu chí, về đích xã nông thôn nông mới vào tháng 9/2019.
Chị Nguyễn Thị Xuân Trang ở thôn 1-xã Thuận Minh-huyện Hàm Thuận Bắc chia sẻ: “ Hơn 10 năm trước, gia đình hết sức khó khăn; chồng thường đau yếu, hai con đang còn tuổi ăn, tuổi học. Việc lo cái ăn, cái mặt cho cuộc sống hàng ngày còn chưa đủ nói gì có tích lũy bạc triệu để đầu tư phát triển sản xuất. Trong thời điểm khó khăn đó, Hội LHPN xã đã làm chỗ dựa, giúp chị vay 5 triệu đồng vốn tính dụng chính sách xã hội. Số tiền hết sức có ý nghĩa này, là “đòn bẩy” quan trọng để chị Trang phát triển kinh tế hộ. Bước đầu chị đầu tư mua một bò cái giống. Hàng ngày sớm hôm chăm sóc bò, cung cấp đầy đủ thức ăn cùng áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mà loài vật nuôi truyền thống này đã nhanh chống sinh lợi. Chỉ sau 5 năm có thu nhập khá từ bán bò, cuộc sống gia đình ổn định, có tích lũy, chị Trang tiếp tục đầu tư trồng 400 trụ thanh long. Phương thức sản xuất thanh long, kết hợp nghề chăn nuôi bò đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, cuộc sống gia đình chị Trang đã nhanh chóng vươn lên, có thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm từ nghề trồng thanh long và chăn nuôi bò sinh sản. Hai con của chị cũng lần lược tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định…”
Trồng trọt, chăn nuôi là ngành nghề truyền thống của nông dân Hàm Thuận Bắc. Vốn là “đòn bẩy” giúp họ phát huy, tiềm năng đất đai, sức lao động vào sản xuất cây trồng, vật nuôi lợi thế mang lại hiệu quả. Nhất là những gia đình trẻ bước đầu khởi nghiệp luôn gặp khó khăn về vốn. Chị Nguyễn Thị Xa, sinh năm 1974 tại thôn 2-xã Thuận Minh phấn khởi chia sẻ: “ Những năm đầu lập nghiệp, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Mặc dù hàng ngày hai vợ chồng luôn chăm chỉ làm nghề phụ hồ nhưng gia đình vẫn thiếu trước, hụt sau. Bắt đầu từ năm 2010, chị được Hội phụ nữ giúp đỡ vay 15 triệu vốn tín dụng chính sách xã hội. Có vốn chị đầu tư mua 2 bò cái giống. Nhờ kết hợp nghề làm phụ hồ của hai vợ chồng với nghề nuôi bò mà gia đình bắt đầu có tích lũy. Sau 10 năm, cuộc sống gia đình vươn lên khá, năm 2019 chị bán hết đàn bò, xây dựng ngôi nhà mới khang trang và mua một máy cày, phục vụ gia đình và nhân dân trong vùng vận chuyển lúa, thanh long…”
Chị Nguyễn Thị Lan – Trưởng thôn 1-xã Thuận Minh-huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: “Hơn 10 năm trước, hộ nghèo ở thôn nói riêng, xã Thuận Minh nói chung luôn ở mức cao, nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất của nông dân rất lớn. Do vậy, hàng năm, trên cơ sở nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng chính sách, Ban điều hành thôn, khảo sát, nắm bắt nhu cầu vốn của nông dân để tạo điều kiện, giúp họ tiếp cận vốn vay từ các chương trình để đầu tư, sản xuất cây trồng, vật nuôi lợi thế…”
Ông Phan Duy Tiến – Giám đốc PGD NHCSXH huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: “Chỉ tính từ 2014 đến nay, toàn huyện Hàm Thuận Bắc có 19.231 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn vay tín dụng chính sách xã hội. Nhờ phát huy hiệu quả vốn vay, có 2.982 hộ đã vươn lên thoát nghèo; trong đó, hộ nghèo ở xã Thuận Minh từ 148 hộ, giảm còn 61 hộ chiếm tỷ lệ 3,38%. Riêng hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ giảm còn 38 hộ. Mặc dù thời điểm này mức vay tín dụng chính sách xã hội của mỗi hộ không cao, nhưng nhờ sử dụng vốn đúng mục đích nên đã mang lại hiệu quả. Do vậy, kết quả trên là tiền đề quan trọng để Ngân hàng chính sách xã hội huyện Hàm Thuận Bắc tăng cường triển khai vốn tín dụng chính sách xã hội với mức vay cao hơn trong thời gian đến.
Chị Mai Thị Hoài Vân – chủ tịch Hội LHPN xã Thuận Minh huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: “Những năm qua, ngoài thực hiện tốt công tác ủy thác vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, Hội LHPN xã Thuận Minh huyện Hàm Thuận Bắc tích cực phối hợp các ngành chuyên môn tổ chức nhiều hoạt động khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên phụ nữ. Được trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật mới, kết hợp vốn vay tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho chị em phụ nữ xã Thuận Minh phát huy bản chất cần cù, đảm đang xây dựng cuộc sống gia đình no ấm, hạnh phúc. Bà Trần Thị Tính ở thôn 2-xã Thuận Minh là một điển hình trong hội viên phụ nữ làm chủ hộ vươn lên từ nghèo khó là một minh chứng. Bởi thời điểm năm 2007, chồng bà Tính mất sau thời gian bạo bệnh, 3 người con còn thơ dại, bao khó khăn chồng chất. Nhờ Hội LHPN xã giúp đỡ, bà vay 3 triệu đồng vốn tín dụng chính sách xã hội. Có vốn bà Tính liền áp dụng, phát huy ngành nghề truyền thống trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ đó, cuộc sống gia đình vươn lên có của ăn, của để, 3 người con đã lập gia đình riêng…”
Bà Tính chia sẻ, năm 2019, bà đã 57 tuổi nhưng sức khỏe vẫn còn tốt, hàng ngày vẫn hay lam, hay làm, phụ giúp con cháu chăm sóc bò, heo, gà, vịt,…duy trì cái nghề đã giúp bà vươn lên từ nghèo khó.
Với những kết quả nêu trên, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Hàm Thuận Bắc thật sự đồng hành cùng người nghèo trong hành trình vươn lên thoát nghèo, tạo được sự tin tưởng với người nghèo và các đối tượng vay vốn khác; giúp họ vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, góp phần tích cực làm thay đổi đời sống của người dân xã Thuận Minh nói riêng và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện nói chung./.