Cách mạng Tháng Tám - Suy nghĩ và cảm nhận

Cách mạng tháng Tám là sự kiện lịch sử trọng đại, trang sử vàng chói lọi của dân tộc, là đỉnh cao thiên tài trí tuệ của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đấu tranh giải phóng dân tộc, là biểu tượng sức mạnh tổng hợp của mọi tầng lớp nhân dân vì mục tiêu độc lập dân tộc.

Thời điểm bấy giờ, đất nước ta còn muôn vàn khó khăn. Chế độ thực dân, phong kiến làm cho nhân dân ta khắp mọi miền cùng cực điêu đứng, trong nạn đói kinh hoàng. Việt Nam một nước nhỏ bé, lạc hậu hầu như thế giới ít biết đến.

Thế nhưng dưới sự lãnh đạo của một chính Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện gồm một số đảng viên nhỏ bé nhưng ý chí cách mạng kiên cường, nghị lực cách mạng vô song, không ngại hy sinh gian khổ, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng và của dân tộc đã đứng lên dương cao ngọn cờ đoàn kết tập hợp lực lượng của cả dân tộc không kể giàu nghèo, tôn giáo, dân tộc, già trẻ, trai gái quây tụ trong Mặt trận Việt Minh - thành quả của sự sáng tạo, nhạy bén của Đảng trên nền tảng tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” lấy mục tiêu “độc lập dân tộc là trên hết” thực tế đã thành điểm tập hợp mọi tầng lớp nhân dân đứng trong các tổ chức “cứu quốc” sẵn sàng vùng lên tổng khởi nghĩa giành độc lập khi thời cơ cứu nước đã đến.

Thời cơ ấy là đầu năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bước vào giai đoạn kết thức. Ở châu Âu, phát xít Đức - Italia đang bị các lực lượng đồng minh truy đuổi tới tận sào huyệt. Tại châu Á, phát xít Nhật liên tiếp thất bại trước quân Mỹ và các lực lượng kháng chiến của các quốc gia tại khu vực này.

Ở Đông Dương, mâu thuẫn giữa Nhật và Pháp trở nên gay gắt. Và đúng như dự kiến của Đảng ta, ngày 9/3/1945, Nhật nổ súng lật đổ Pháp. Quân Pháp ở Đông Dương chống cự yếu ớt và nhanh chóng đầu hàng. Phát xít Nhật độc chiếm thống trị Đông Dương, bày trò “trả độc lập” cho Bảo Đại và dựng lên chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.

Trước tình hình đó, ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị xác định “Đế quốc phát xít Nhật là kẻ thù chính - kẻ thù cụ thể trước mắt - duy nhất của nhân dân Đông Dương”. Ban Thường vụ quyết định thay đổi khẩu hiệu: “Đánh đuổi Nhật - Pháp” bằng khẩu hiệu đánh đuổi phát xít Nhật” và đưa ra khẩu hiệu “Chính quyền cách mạng của nhân dân” để chống lại chính quyền Nhật và chính phủ bù nhìn thân Nhật. Cũng tại hội nghị này, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định phát động cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Để chuẩn bị tích cực cho Tổng khởi nghĩa Đảng ta chú ý mở rộng Mặt trận Việt Minh, tranh thủ mọi lực lượng yêu nước, thực hiện chính sách đoàn kết, phân hóa hàng ngũ kẻ thù. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận, phong trào  “Kháng Nhật cứu nước” phát triển mạnh mẽ trong cả nước thu hút mọi tầng lớp, đảng phái tham gia mà tiêu biểu là phong trào “thanh niên xung phong”.

Trong thời gian này, Đảng và Mặt trận có một chủ trương đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân là: “phá kho thóc của Nhật, giải quyết nạn đói” đáp ứng nguyện vọng bức thiết của nhân dân tiếp thêm sức mạnh để đánh đổ ách thống trị của bọn phát xít.

Ngày 11-8-1945, Chính phủ Nhật chấp nhận đầu hàng Đồng Minh không điều kiện và đúng như dự kiến của Đảng ta thời cơ  “ngàn năm có một” để giành độc lập cho dân tộc đã đến.

Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân Tân Trào đã quyết định Tổng khởi nghĩa và kêu gọi nhân dân toàn quốc hãy đứng lên “giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập”. Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam tức Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch đã kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Chỉ trong gần hai tuần lễ, Tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước. Ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.

Thời điểm này chúng ta mới có 5.000 đảng viên nhưng nhờ chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Mặt trận Việt Nam, dân tộc ta đã lập nên một chiến tích vang dội, để lại những bài học lớn trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền và giữ chính quyền, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Giang sơn thu về một mối. Cả nước cùng đi lên theo con đường mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn.

Vì vậy, có thể khẳng định, sự chuẩn bị nội lực đủ mạnh và dự đoán chính xác thời cơ, đó chính là một bí quyết lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cách mạng tháng Tám năm 1945..

Cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu. Một trong những bài học đó là dự đoán chính xác thời cơ, kịp thời nắm bắt và tận dụng được thời cơ trong bước ngoặc lịch sử của cách mạng.

Đến nay, đã 74 năm trôi qua, kể từ Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những thành tựu đó đã tạo cho đất nước thế và lực, sức mạnh tổng hợp lớn hơn nhiều so với trước, mở ra những cơ hội và thuận lợi mới để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh vững mạnh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ xã hội chủ nghĩa, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Với nhận thức thời cơ là lực lượng, Đảng ta đang tập trung lãnh đạo toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng để bức phá, vượt lên giành những thành tựu to lớn hơn nữa, đưa đất nước phát triển vững chắc theo con đường XHCN, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.


Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO