Vận dụng tư tưởng hồ chí minh tự phê bình và phê bình hiện nay

Là Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mac – Lênin vào thực tiễn, đảm bảo cho Đảng luôn luôn lớn mạnh, trưởng thành. Một trong những vấn đề mà Bác Hồ hết sức quan tâm, nhắc nhở cán bộ, đảng viên, đó là nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Người chỉ rõ: “Mục đích của phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, cốt để sửa chữa cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”.

Quán triệt tư tưởng đó của Bác, Đảng ta coi tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc, là một trong những chế độ trong sinh hoạt Đảng, là quy luật phát triển của Đảng, đồng thời cũng là phương pháp cơ bản đảm bảo cho Đảng là một khối đại đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, là vũ khí sắc bén giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, luôn tiến bộ, trưởng thành.

Xét về bản chất, tự phê bình và phê bình vừa là nguyên tắc, vừa là quy định bắt buộc mọi đảng viên phải chấp hành nghiêm túc; đồng thời, cũng là một hình thức sinh hoạt dân chủ trong Đảng, mọi đảng viên đều bình đẳng, đều trung thực tự phê bình và phê bình gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình không phải mọi đảng viên, mọi tổ chức Đảng đều thực hiện đúng như vậy, mà còn có biểu hiện hình thức, qua loa chiếu lệ, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu. Bởi vì, dù là hình thức dân chủ trong đảng nhưng tự phê bình và phê bình thường đụng chạm đến “lợi ích”, tác động đến tư tưởng, tình cảm, tâm lý, đến những vấn đề riêng tư của mỗi đảng viên, dễ làm “tổn thương” đến tình cảm, quan hệ lợi ích vốn rất phức tạp trong cuộc sống. Vì vậy, trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình không tránh khỏi sự đấu tranh trong nhận thức, tư tưởng của mỗi người, giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa lý trí và tình cảm, giữa cái mới và cái tích cực, cái tiến bộ với cái cũ, cái tiêu cực, lạc hậu, giữa đạo đức cách mạng, chí công vô tư với những toan tính nhỏ nhen, thực dụng….

­Để tự phê bình và phê bình có hiệu quả, Người căn dặn mỗi đảng viên phải nêu cao dũng khí đấu tranh, giữ vững nguyên tắc, thẳng thắn, thật thà trong tự phê bình và phê bình; đồng thời phải có tấm lòng bao dung, độ lượng, tình thân ái giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Người chỉ rõ: “Người đời ai cũng có khuyết điểm, có làm việc thì có sai lầm”… Trừ những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, mà chủ yếu sai lầm vì không hiểu, không biết, cho nên, phải dùng thái độ thân thiết giúp cho họ hiểu rõ sai lầm, biết cách sửa chữa, vui lòng sửa chữa. Sửa chữa khuyết điểm là một phần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đó, đồng thời là một phần trách nhiệm của tổ chức Đảng và lãnh đạo. Sửa chữa sai lầm khuyết điểm phải giải thích, phải thuyết phục, cảm hóa, không phải dùng xử phạt. Vì vậy, cần phân tích rõ ràng sự việc sai lầm, khuyết điểm, phải xét kỹ lưỡng tác hại của nó để xử lý cho đúng. Mục đích của tự phê bình và phê bình phải nhằm thúc đẩy công tác, nâng cao ý chí chiến đấu, phẩm chất cách mạng cho cán bộ, đảng viên, tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng. Do đó, phải lấy lòng nhân ái mà phê bình đồng chí mình. Việc phê bình người khác phải nhớ lời Bác dạy: Nghiêm túc nhưng phải có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau. Trái lại, người được phê bình, đóng góp phải vui lòng nhận khuyết điểm để sửa chữa, không nên vì bị phê bình mà nản chí hoặc mang lòng oán ghét, phải chân thành nhận thấy để sửa chữa.

Khi đã làm rõ ưu điểm, khuyết điểm rồi thì phải có thái độ thân thiết giúp cho mỗi người nhận thức rõ vì khuyết điểm của mình mà tự giác sửa chữa.

Như vậy, theo Bác hồ, để tự phê bình và phê bình đúng nguyên tắc của Đảng, đúng mục đích, mỗi đảng viên phải nhận thức rõ, vận dụng linh hoạt nội dung, hình thức, biện pháp tự phê bình và phê bình, đảm bảo tính đảng, tính nhân văn thống nhất trong từng lời nói và việc làm.

Tư tưởng Hồ chí Minh về tự phê bình và phê bình thật sâu sắc nhưng không phải mọi đảng viên, tổ chức đảng đều nhận thức đầy đủ và thực hiện nghiêm túc. Hiện tượng trung bình chủ nghĩa, nể nang, né tránh, ngại va chạm, a dua, không dám nói hết chính kiến của mình, tính toán được mất, thiệt hơn trong tự phê bình và phê bình đang có chiều hướng gia tăng, cần phải đấu tranh khắc phục.

Chúng ta đang tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Người; mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng cần phải quán triệt và vận dụng sâu sắc hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình; suy ngẫm lại mình để tự điều chỉnh nhận thức và hành động sẽ ngăn chặn được hiện tượng mất đoàn kết, vô tổ chức, kỷ luật, nguyên tắc tập trung dân chủ được phát huy; ngăn ngừa tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, góp phần xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch vững mạnh, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.


Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO