Công tác tuyên truyền, giáo dục được quan tâm chỉ đạo nên nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức người lao động và nhân dân về Quy chế dân chủ được nâng lên, góp phần phát huy dân chủ trong hoạt động cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa bàn dân cư; dân chủ ở các loại hình cơ sở tiếp tục phát huy. Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước trong huyện có chuyển biến, dân chủ trong hoạt động quản lý Nhà nước từng bước mở rộng; Quyền làm chủ của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được phát huy, nội lực của nhân dân được khai thác tốt hơn, nhất là qua phòng trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, nhân dân đã tích cực đóng góp các loại quỹ hoạt động thôn, xóm và góp để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Cụ thể: Các xã, thị trấn đã vận động nhân dân hiến 30.522,2m2 đất để làm đường giao thông; đóng góp 09 tỷ đồng để làm 30 km đường bê tông xi măng; góp trên 876,6/680 triệu đồng Quỹ “đền ơn đáp nghĩa”; 925,6/700 triệu đồng Quỹ “vì người nghèo” và 1,4 tỷ đồng Quỹ hoạt động thôn, xóm; ngoài ra, các xã, thị trấn còn vận động nhân dân góp 12,7 tỷ đồng để xây dựng các công trình, phần việc phục vụ cho nhân dân.
Tuy nhiên, so với yêu cầu vẫn còn những mặt hạn chế: Vai trò kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, người đứng đầu Mặt trận, các đoàn thể còn hạn chế; việc rà soát điều chỉnh, bổ sung Quy ước thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở còn chậm, có nơi còn chung chung. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thường xuyên. Việc nắm bắt và phản ảnh, kiến nghị những vấn đề bức xúc của nhân dân để cấp uỷ, chính quyền giải quyết chưa được chú ý đúng mức. Việc công khai một số chính sách liên quan trực tiếp đến người dân nhìn chung có mặt còn chậm, chưa thường xuyên; nhân dân ít tham gia hội họp nên triển khai các vấn đề để nhân dân bàn, quyết định khó khăn.
Thời gian đến đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền và đôn đốc triển khai thực hiện QCDC theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; gắn với phong trào “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, phong trào “xây dựng đô thị văn minh” để tạo sự chuyển biến hơn nữa về thực hiện Quy chế dân chủ. Tăng cường công tác nắm bắt tư tưởng, tâm trạng của nhân dân và vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tập trung lãnh đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 30-CT/BCT, của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; Kết luận số 120-KL/ BCT, của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước theo Chỉ thị 03-CT/TU ngày 26/11/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 45-KH/HU, ngày 11/12/2015 của Ban Thường vụ Huyện uỷ về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan Nhà nuớc các cấp trong tình hình mới; Kế hoạch số 17-KH/HU, ngày 16/12/2015, của Ban Thường vụ Huyện uỷ về công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh phong trào “thi đua dân vận khéo”; Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”; Chỉ thị số 26/CT-TTg, ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước”. Các đồng chí cấp ủy cơ sở, những người đứng đầu phải nhận thức đầy đủ về Quy chế dân chủ, thường xuyên nghiên cứu, nắm kỷ các nội dung, quy trình thực hiện Quy chế dân chủ; thường xuyên chỉ đạo kiểm tra tình hình thực hiện Quy chế dân chủ tại các loại hình thực hiện, cần công khai, minh bạch toàn bộ hoạt động của cả hệ thống chính trị.
Phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng với phương châm nơi nào có công trình thì nơi đó phải thực hiện thanh tra và giám sát về chủ trương đầu tư, quy trình, chất lượng và giá cả vật tư để thi công. Mặt trận và Liên đoàn lao động huyện chủ trì hướng dẫn hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng, thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình, đánh giá hoạt động của các ban và báo cáo kết quả để tham mưu cho BCĐ Quy chế dân chủ. UBND huyện chỉ đạo UBND xã, thị trấn người đứng đầu phải thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm công khai, minh bạch toàn bộ những dự án, công trình đầu tư trên địa bàn cho Mặt trận và của các ngành được giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho cấp xã, trong đó có UBND xã và Mặt trận. Triển khai ngay chủ trương thực hiện các công trình có sự góp vốn của nhân dân thì áp dụng phương pháp nhân dân tự làm, trên cơ sở huyện đứng ra bảo lãnh vật tư. Tạo điều kiện để Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng phát huy vai trò giám sát theo luật định; đồng thời phát huy hơn nữa dân chủ nội bộ, động viên cán bộ, viên chức, nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có như vậy, việc thực hiện Quy chế dân chủ trong thời gian đến mới được phát huy trên các lĩnh vực và đời sống của nhân dân.