Bà con ở Khu phố Lâm Giáo trở nên quen thuộc với hình ảnh một phụ nữ dáng cao gầy, đội nón lá, đi chiếc xe đạp Thống nhất còn lại thời bao cấp. Cô Soa len lõi khắp ngõ ngách của khu phố, bất kể giờ trưa hay chiều muộn, để làm công việc mà họ gọi là “bao đồng”. Hôm đến nhà cô, tôi cũng thật sự ngỡ ngàng, khi thấy cô tất bật cùng con dâu chăm sóc cho đàn bò gần 15 con.
Một mình nuôi 5 con ăn học thành đạt.
Chồng mất, khi đó cô mới 41 tuổi, để lại 5 đứa con, lớn 14 tuổi, nhỏ 5 tuổi. Công việc trường lớp, gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai gầy của cô giáo Phạm Thị Kim Soa. Nhìn đàn con đang tuổi ăn, tuổi học và vô tư chơi đùa, cô tự động viên mình, phải có trách nhiệm để nuôi dạy chúng thành người. Ngoài thời gian dành cho trường, cho lớp, cô dồn hết tâm sức chỉ dạy con học hành. Đồng lương ít ỏi của nghề giáo không đủ trang trải 6 miệng ăn, cô tận dụng đất quanh nhà, trồng rau, nuôi gà, nuôi heo, bò để cải thiện thu nhập. Cuộc sống khó khăn, để đảm bảo được công việc của trường và gia đình, đêm nào cũng vậy, cô phải thức dậy lúc 3-4 giờ sáng để lo cho đàn gà, đàn heo và cơm nước cho con. Cô âm thầm, chịu đựng, không nghĩ chuyện riêng tư, dành hết tình yêu cho công việc, gia đình. Rồi ngày hái quả cũng đã đến, năm 2004, cô nghỉ hưu theo chế độ, cũng là lúc các con lần lượt trưởng thành. 5 người con của cô, thì 2 người công tác trong ngành Công an, 2 người theo nghề mẹ, 1 người trong ngành y tế.
Nghỉ hưu nhưng không nghỉ ngơi.
Những tưởng bao năm vất vã, khổ cực đã qua, con cái thành đạt, giờ là lúc nghỉ ngơi thư giãn tuổi già, nhưng cô có suy nghĩ riêng. Khi đứng vào hàng ngũ của Đảng mình đã tuyên thề sẽ phục vụ cho Đảng suốt đời, mình còn sức khỏe thì không thể cho phép nghỉ ngơi, cô nói. Khi chuyển sinh hoạt Đảng về địa bàn dân cư, với sự năng nổ, nhiệt tình trong công việc, mạnh dạn trong đóng góp xây dựng tập thể, cô trở thành đảng viên nòng cốt của chi bộ khu phố Lâm Giáo. Sau 1 tháng đến sinh hoạt, cô được cơ cấu vào chi ủy, sau đó chỉ định làm phó bí thư, rồi bí thư chi bộ. Ở cương vị công tác nào, cô cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được đảng viên chi bộ và quần chúng quý mến. Chi bộ do cô làm bí thư đã mạnh dạn đưa ra bàn bạc thảo luận những việc khó khăn, bức xúc mà trước đó chưa làm được, như vấn đề an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, giao thông xuống cấp. Khi có nghị quyết của chi bộ, cô thường xuyên cùng ban điều hành khu phố tổ chức họp dân theo quy chế dân chủ để vận động đóng góp kinh phí làm đường bê tông xi măng; khôi phục, sửa chữa một số tuyến đường phục vụ sản xuất; vận động sự đóng góp của xã hội chăm lo cho hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong khu phố; trực tiếp xuống địa bàn dân cư thu các nguồn quỹ cấp trên giao. Những năm làm bí thư chi bộ, khu phố Lâm Giáo luôn dẫn đầu thị trấn về phong trào thi đua, chi bộ nhiều năm liền được cấp trên công nhận trong sạch, vững mạnh.
Tại 4 kỳ đại hội chi bộ gần đây (nhiệm kỳ 2010-2013; 2013-2015; 2015-2017 và 2017-2020) cô tiếp tục được chi bộ tín nhiệm bầu vào chi ủy, nhưng chủ động xin không làm bí thư chi bộ vì muốn để những đảng viên trẻ kế nhiệm. Không làm việc này, cô lại nhận làm công việc khác, năm 2010 là phó chủ tịch, năm 2011 đến nay là chủ tịch Hội Khuyến học, kiêm phó chủ tịch Hội người cao tuổi thị trấn Ma Lâm. Năm 2017 kiêm luôn Chủ nhiệm câu lạc bộ Hưu trí thị trấn; là tổ trưởng của 3 tổ tự quản, phụ trách trên 230 hộ dân, là chi hội trưởng Phụ nữ, chi hội trưởng Nông dân khu phố.
Giao việc là hoàn thành trước thời hạn.
Đồng chí Đỗ Thị Ngọc Hà, Bí thư chi bộ khu phố Lâm Giáo cho biết, Cô Soa là đảng viên mẫu mực của chi bộ, luôn hết lòng vì công việc; là người gần dân, sát dân và làm việc rất hiệu quả. Thành tích mà cô đóng góp cho khu phố thì không kể hết; tìm được người như Cô Soa là rất khó. Hiện nay, Cô Soa phụ trách 3 tổ tự quản, các chỉ tiêu khu phố giao năm 2018, đều đã hoàn thành trong quý I. Các năm trước cũng vậy, chi bộ giao việc bao giờ cũng hoàn thành trước thời hạn. Đồng chí bí thư chi bộ khẳng định, nếu không có Cô Soa thì Ban điều hành khu phố khó hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao.
Trước đây cô phụ trách Tổ tự quản số 3, số 8, nhưng khi khu phố triển khai thu tiền đóng góp của dân để bê tông xi măng tuyến đường từ Quốc lộ 28 đi xứ đồng Lẫm, vì không tin tưởng cán bộ phụ trách Tổ 4, chi bộ giao việc này cho cô Soa. Thế là trong khoảng thời gian 1 tháng, cô đã thu đủ 80% trên tổng số tiền dân đóng góp, giúp khu phố triển khai thi công công trình. Đầu năm 2018, cán bộ Tổ tự quản số 4 tự bỏ việc, cô đảm nhận luôn việc phụ trách Tổ.
Dân hẹn là không thất lời.
Cô có trí nhớ rất tốt, có thể đọc vanh vách số hộ dân mình quản lý, nhưng không bao giờ chủ quan, mỗi công việc đều có một sổ ghi chép riêng, thể hiện cụ thể những gì đã làm. Thời gian cô ở địa bàn dân cư có lẽ nhiều hơn ở nhà, hôm thì đi gửi giấy mời; hôm thì đi thu quỹ tự quản, quỹ phòng tránh thiên tai, quỹ quỹ làm đường bê tông xi măng, hôm đi vận động kế hoạch hóa gia đình, vận động nhân dân mua bảo hiểm y tế hộ gia đình... có khi một công việc cô đi hai, ba bận, thậm chí 5, 7 lần mới xong. Khi xong việc về nhà thì trời đã tối. Cô kể, đi vận động, đi thu tiền của dân không đơn giản, mặc dù khoản thu đó họ đã thống nhất; có hộ khi đến thu họ rất nhiệt tình, đóng đầy đủ, nhưng có người nói nặng, nhẹ khó nghe lắm, nhưng mình phải thật bình tĩnh, nhẹ nhàng và kiên trì giải thích. Hôm nay thu, họ nói chưa có, rồi hẹn khi khác. Họ hẹn khi nào thì khi đó tôi đến. Có người hẹn tôi 12 giờ trưa đến thu, thì 12 giờ tôi cũng đến; dân hẹn là tôi không thất lời. Sự đúng hẹn của tôi lại làm họ tự ái, có trường hợp bộc lộ cảm xúc thán phục “tôi hẹn 12 giờ trưa, mục đích là để bà không đến nữa” mà bà lại đến thật. Thấy tôi vất vã vì chuyện của mọi người, thế là họ mang tiền ra đóng, vậy là tôi đã hoàn thành công việc. Có hôm nhà đang có đám, người dân điện thoại bảo đến đóng tiền làm đường bê tông xi măng, nói khách thông cảm, tôi nhờ đứa cháu chở đến thu ngay. Dân hứa mà mình không đến là có lỗi với họ, dân tin mình, họ mới giao tiền cho mình, cô hồ hởi bộc bạch.
Nhà tôi ở thuộc địa bàn quản lý của Cô Soa, có hôm thấy cô đi về đường tắt, hỏi ra mới biết, hôm đó thu quỹ làm đường bê tông xi măng trong dân lượng tiền khá lớn, không dám đi đường quốc lộ vì sợ kẻ gian. Tiền thu về hôm trước thì hôm sau cô nộp ngay cho UBND thị trấn. Việc xã hội là vậy, nhưng khi về đến nhà, cô lại tất bật giúp con cháu chuyện gia đình; rãnh rỗi thì đi tìm cỏ cho đàn bò gần 15 con.
Mỗi năm vận động bình quân 200 triệu đồng quỹ khuyến học.
Giữ chức Chủ tịch Hội khuyến học thị trấn Ma Lâm từ năm 2011 đến nay, cô cùng các thành viên trong ban chấp hành Hội vận động nguồn quỹ quy thành tiền trên 1,4 tỷ đồng, trung bình mỗi năm 200 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội đã tặng hàng trăm suất học bổng, sổ tiết kiệm cho hàng trăm học sinh trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn, tiếp sức cho các em đến trường. Cô chia sẻ, mình làm công tác xã hội từ thiện, hễ ai có lòng là mình nhận hết, không phân biệt ít, nhiều. Có người tặng 10 quyển vở tôi cũng nhận và viết biên lai thu rõ ràng. Biết tôi làm khuyến học, nhiều doanh nghiệp, cá nhân còn gọi điện thoại thông báo tôi đến để ủng hộ. 6 tháng đầu năm 2018, toàn hội đã vận động được trên 130 triệu đồng, từ nay đến cuối năm đạt 200 triệu là trong tầm tay, cô tự tin nói.
Còn sức khỏe thì mình còn làm, khi nào không đi được nữa mới thôi.
Cô, cháu ngồi trò chuyện, tôi vui miệng hỏi, cô định khi nào mới nghỉ ngơi thật sự?. Tôi thề với Đảng rồi, mình còn sức khỏe thì phụng sự cho Đảng, phục vụ nhân dân, khi nào không đi lại được mới thôi. Để thành công trong công việc thì phải xây dựng lòng tin cho mọi người, muốn vậy cái tâm bao giờ cũng trong sáng, chân thành, kể cả lời nói và cách ứng xử với người dân. Cô mở lòng. Với những thành tích xuất sắc trong công việc, đảng viên Phạm Thị Kim Xoa nhiều năm liền được Đảng ủy thị trấn Ma Lâm công nhận xuất sắc tiêu biểu cấp cơ sở, từ năm 2014 đến nay, được Ban Thường vụ Huyện ủy công nhận xuất sắc tiêu biểu cấp huyện; năm 2017 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
70 năm tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, Cô Soa ngày ngày vẫn đang âm thầm đem hết lòng nhiệt tình, công sức, trách nhiệm của mình phục vụ cho xã hội. Những gì cô làm, là niềm tự hào của khu phố Lâm Giáo tôi.