Chị Nguyễn Thị Sương- người hội viên gương mẫu

Đến thôn Đại Thiện 2-xã Hàm Hiệp-huyện Hàm Thuận Bắc hỏi chị Nguyễn Thị Sương, không ai là không biết, bởi chị là một trong những hội viên phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi, đồng thời chị là người tích cực trong tất cả các phong trào hoạt động của Hội cũng như của địa phương. Chị Nguyễn Thị Sương, sinh năm 1966, là hội viên phụ nữ thôn Đại Thiện 2 - Hàm Hiệp.

Chị Nguyễn Thị Sương.

Nghe chị tâm sự về quãng thời gian đã qua mới thấy đó là cả một nghị lực vượt khó, một sự nhanh nhẹn trong nắm bắt điều kiện để vươn lên trong cuộc sống. Ngày mới lập gia đình, vợ chồng chị được cha mẹ cho một mảnh đất cất nhà. Chồng thì làm công chức ở khác huyện, chị làm giáo viên Mẫu giáo, thu nhập không đủ sống. Nỗi lo cơm, áo, chăm sóc con cái...luôn trăn trở trong lòng anh chị. Và rồi, vợ chồng chị quyết định nghỉ việc không tham gia công tác xã hội nữa và bắt đầu xây dựng kinh tế gia đình bằng những luống rau cải mà vợ chồng chị tự tay sản xuất để đem ra chợ bán hàng ngày; còn chồng chị đi mua thanh long cho những vựa lớn. Nhờ quyết tâm cao trong xây dựng kinh tế gia đình và sự chăm chỉ làm ăn, vợ chồng chị tích góp mua đất trồng thanh long rồi dần dần, anh chị mở rộng thêm diện tích trồng thanh long.

Thông qua các buổi sinh hoạt hội phụ nữ và được nghe nêu gương các điển hình trong sản xuất kinh doanh và từ thực tế sản xuất, chị nhận thấy việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất là yêu cầu tất yếu để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, chị đã tham gia đầy đủ các buổi tập huấn KHKT về chăm sóc cây thanh long do Hội cấp trên phối hợp tổ chức và cộng với học hỏi kinh nghiệm của người đi trước. Bằng những kiến thức có được, chị đã vận động gia đình áp dụng vào việc chăm sóc cây thanh long từ đó đã đem lại năng suất cao. Gia đình cũng mạnh dạn đầu tư bình hạ thế để chong đèn thanh long trái vụ lúc mới áp dụng gia đình chị sử dụng bong đèn sợi đốt, dần sau đó gia đình đã áp dụng biện pháp thay thế bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact để giảm chi phí trong sản xuất.

Và khi con cái bắt đầu lớn và đi học anh chị làm thêm việc thu mua thanh long, nhờ đó mà cuộc sống của gia đình được cải thiện. Với đức tính cần kiệm và biết tính toán trong gia đình chị đã tích lũy nguồn vốn và mở rộng thêm diện tích trồng thanh long. Từ 700 trụ năm 2006, đến nay diện tích trồng thanh long của gia đình là 2,2 hecta với 2200 trụ. Từ việc tích góp chị cùng chồng bàn bạc đầu tư mua xe tải nhỏ để vận chuyển phục vụ việc mua bán thanh long. Vốn là người phụ nữ biết tính toán và chi tiêu hợp lý nên kinh tế gia đình chị đi vào ổn định ngày càng phát triển. Với những nổ lực phấn đấu của chị và gia đình trong sản xuất, gia đình chị đã được công nhận là gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp Tỉnh và bản thân chị là thành viên CLB nữ kinh doanh của xã.

Cuộc sống ổn định, chị tham gia tốt các hoạt động xã hội, qua các buổi sinh hoạt, chị cũng trao đổi những kinh nghiệm và kiến thức mình có được cho các chị em có nhu cầu trong việc mua bán nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Bên cạnh đó, chị cũng đã giúp đỡ các chị em phụ nữ, đặc biệt là chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong thôn tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần ổn định kinh tế gia đình. Với công việc kinh doanh hiện nay, gia đình chị đã tạo việc làm ổn định cho hơn 15 - 20 lao động có hoàn cảnh khó khăn với mức thu nhập bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.

Là người phụ nữ, bản thân nhận thức rõ vai trò, vị trí của mình trong gia đình. Cũng như những người phụ nữ khác, ngoài công việc, chị cũng dành phần lớn thời gian chăm sóc gia đình, cùng chồng dạy dỗ hai con. Đến nay, các con chị đã khôn lớn, ăn học đàng hoàng. Hàng năm, gia đình chị đều đạt danh hiệu Gia đình văn hóa và đạt 8 tiêu chí cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch.

Từ trong khó khăn gian khổ vươn lên nên bản thân chị thấm thía được nỗi vất vả của những mảnh đời nghèo khó. Chị luôn tích cực trong công tác nhân đạo từ thiện do Hội và địa phương phát động. Hàng năm, vào dịp Tết Trung thu, chị đều tổ chức vui trung thu cho các cháu thiếu nhi trong thôn và phối hợp vận động trao khoảng 700 phần quà trị giá 30 - 45 triệu đồng, đóng góp quỹ “Tiếp bước cho em đến trường” của địa phương và đã quyên góp hàng chục triệu đồng để giúp cho khoảng 50 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn bằng các hình thức như giúp tiền, gạo…. chị còn tham gia mô hình “Hũ gạo tình thương” do chi hội phụ nữ phát động. Hưởng ứng phong trào thi đua “Chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới” của địa phương, gia đình đã ủng hộ hơn 40 triệu đồng làm đường bê tông xi măng và vận động bà con trong xóm bắt điện thắp sáng tuyến đường góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn dân cư.

Chị là tấm gương phụ nữ điển hình về vượt khó vươn lên, xứng đáng để mọi người học tập, noi theo.


Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO