Triển khai thực hiện chủ trương xóa điểm trường lẻ còn khó khăn

  • MQ.
  • /
  • 14.9.2018 - 14:22

Trong mấy ngày qua, các cơ quan báo chí và trên mạng xã hội đã xuất hiện các bài viết về tình hình học sinh đồng bào dân tộc Chăm thôn Lâm Thuận, xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc bỏ học hàng loạt khi thực hiện chủ trương xóa điểm trường lẻ phân hiệu Lâm Thuận về trường chính là Trường Tiểu học Hàm Phú 1.

Trường Tiểu học Hàm Phú 1.

Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân dân chính mà nhiều phụ huynh không cho các cháu tới trường là do làm ăn xa không có người đưa đón và mong muốn được học tại điểm trường lẻ phân hiệu Lâm Thuận. Trước tình hình trên, tôi xin đưa ra một số ý kiến để cộng đồng mạng suy nghĩ kỹ hơn về vấn đề này.

Trước đây, điều kiện giao thông và đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhiều địa phương trên cả nước đã thực hiện xây dựng các điểm trường lẻ ở các thôn, bản để tạo điều kiện thuận lợi cho các em tới trường. Hiện nay, nhờ kết quả từ chương trình xây dựng Nông thôn mới, cơ sở hạ tầng ở nông thôn ngày càng khang trang hơn, các tuyến đường giao thông được nhựa hóa và bê tông xi măng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Trong khi đó việc tồn tại các điểm trường lẻ với cơ sở vật chất không đảm bảo và số lượng học sinh quá ít không còn phù hợp so với tình hình hiện nay. Vì vậy trong những năm gần đây, nhiều nơi trên cả nước đã từng bước thực hiện xóa các điểm trường lẻ, tập trung về trường chính; theo tôi đây là chủ trương phù hợp và đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đối với Phân hiệu Lâm Thuận, xã Hàm Phú chỉ có 5 lớp /126 học sinh đồng bào dân tộc Chăm theo học, hiện nay trường đang xuống cấp trầm trọng, cảnh quan mội trường xung quanh bị ô nhiễm, không thể đáp ứng yêu cầu dạy và học của thầy, trò tại điểm trường lẻ này.

Phân hiệu Lâm Thuận, xã Hàm Phú đang xuống cấp trầm trọng.

Trước tình hình đó, cùng với xu thế chung của cả nước, chủ trương của huyện Hàm Thuận Bắc đã xóa nhiều điểm trường lẻ - trong đó có điểm trường tại thôn Lâm Thuận, xã Hàm Phú, tập trung về trường chính (cách trường cũ khoảng 2km). Đây là việc làm phù hợp và đem lại lợi ích cho các em vùng đồng bào dân tộc Chăm.

Trước hết, các em được học tập trong môi trường giáo dục có đầy đủ cơ sở vật chất hơn; đặc biệt các em có điều kiện phát triển trong môi trường học tập mới so với điểm trường lẻ.

Thứ hai, đây cũng là điều kiện để năm học sau các em được học bán trú 2 buổi/ ngày, bảo đảm các em được chăm sóc, giáo dục tốt từ việc học tập đến ăn ngủ... gia đình sẽ an tâm làm việc và sản xuất hơn.

Trong khi thực hiện chủ trương trên, đã xuất hiện một số ý kiến trái chiều, có sự so sánh: trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, một số thôn xen ghép có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống lại có trường như Thôn 3 (Ma Lâm), Lâm Giang (Hàm Trí), tại sao thôn Lâm Thuận (Hàm Phú) không có trường? Đến ngày khai giảng, nhiều phụ huynh không cho con em mình đến lớp để gây áp lực với chính quyền duy trì điểm trường lẻ này.

Với những lợi ích mà tôi đã phân tích ở trên, tôi nghĩ các phụ huynh không  so bì với những thôn xen ghép khác vì số học sinh thôn Lâm Thuận ở các lớp học chỉ 5 lớp/126 em. Vì tương lai con em mình, nhanh chóng tạo điều kiện cho các cháu ra lớp để theo kịp chương trình so với bạn cùng trang lứa. Ở các điểm trường chính sẽ là môi trường tốt để các cháu hội nhập với xã hội và đây là nơi các em được hưởng thụ các điều kiện giáo dục tốt hơn./.


Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO