Hàm Thuận Bắc: Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở nỗ lực thực hiện 3 phong trào thi đua của hội trong năm 2018

Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Nông dân trong huyện luôn tích cực tập trung triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua, đặc biệt Hội luôn chú trọng công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, qua đó nhiều hội viên, nông dân đã năng động trong cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đâu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Mô hình trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Hồng Sơn.

Hội Nông dân huyện đã chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp, các cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cho hội viên, nông dân đẩy mạnh sản xuất triển khai và xây dựng 13 mô hình khuyến nông đã mang lại hiệu quả như mô hình khảo nghiệm giống lúa năng suất, chất lượng cao (J02), diện tích 07 ha tại Hàm Chính và Hàm Trí, năng suất 65 tạ/ha; mô hình thâm canh lúa nước theo phương pháp SRI với diện tích 25 ha tại Phú Long, năng suất 60 tạ/ha; mô hình nhân giống lúa xác nhận với diện tích 23 ha tại xã Thuận Minh, năng suất trung bình 70 tạ/ha; các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm của ông Trần Huy Hàm tại xã Đa Mi, hiện đang chăm sóc 7.000 bầu ớt, 12.000 bầu dưa lưới và tiếp tục xuống giống 18.000 bầu dưa lưới, mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Hồng Sơn, mô hình trồng thanh long ruột đỏ áp dụng công nghệ cao 10 ha ở xã Hàm Đức…  Bằng các hình thức phù hợp đã hỗ trợ nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật được 328 lớp, có 16.773 lượt người tham gia. Qua các lớp tập huấn hội viên, nông dân đã nắm bắt và áp dụng KHKT vào sản xuất ngày càng hiệu quả, xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình luân canh cây đậu phộng trên đất kém hiệu quả tại xã Thuận Minh với quy mô 10 ha, mô hình trồng và thâm canh cây điều ghép cao sản, cây mãn cầu, mô hình chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học và hình thành chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.

 Để giúp hội viên, nông dân có thêm nguồn vốn và vật tư phục vụ sản xuất, Hội đã phối hợp với các Ngân hàng đến ngày 30/11/2018: Ngân hàng Chính sách xã hội huyện lập thủ tục cho các hộ vay vốn được 89,407 triệu đồng, với 97 tổ cho 3.843 hộ vay. Với Ngân hàng Nông nghiệp& PTNT huyện theo Nghị định 55 của Thủ tướng Chính phủ đã lập thủ tục cho các hộ vay vốn trong năm đã làm thủ tục cho vay 63,46 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ lên 87,571 tỷ đồng, số tổ Hội quản lý 110 tổ, có 1.747 hộ vay. Ngoài ra, Hội còn quản lý nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đến nay là 4.269,426 triệu đồng, với 37 dự án, đã giải quyết cho 337 hộ vay; công tác quản lý, cho vay, đều được thực hiện đúng quy định, các hộ được hỗ trợ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, có các nguồn vốn hỗ trợ, các hộ nông dân thi đua lao động sản xuất, hàng năm số hộ đăng ký danh hiệu nông dân SXKD giỏi ngày càng nhiều, đầu năm đã có 19.995 hộ đăng ký, cuối năm bình xét có 10.948 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp. Nhờ đó, Hội đã vận động các hộ khá, giàu với tinh thần tương thân, tương trợ, đã hỗ trợ, giúp đỡ hơn 625 triệu đồng và 150 ngày công giúp đỡ cho 96 hộ nghèo. Bên cạnh dó, Hội đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề & HTND tỉnh và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp & Giáo dục thường xuyên của huyện, các Trung tâm dạy nghề khác ở tỉnh và mở được 30 lớp cho 792 học viên.

Mô hình sản xuất rau an toàn ở Phú Long.

Hội đã hướng dẫn xây dựng, thành lập mới 5 mô hình tổ hợp tác kinh tế, các tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, sản xuất thanh long bền vững, trồng cây công nghiệp, có 61 hộ nông dân tham gia, nâng tổng số đến nay 30 mô hình tổ hợp tác với 590 hộ tham gia, thông qua tổ các hộ nông dân chia sẽ kinh nghiệm trong sản xuất, giúp vốn, hỗ trợ về kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, nhờ vậy, hiệu quả kinh tế của các hộ  được nâng lên. Công tác tham gia bảo vệ môi trường được các cấp Hội nhiệt tình hưởng ứng, đã xây dựng mới 17 tổ nông dân tham gia “Bảo vệ môi trường nông thôn” có 223 thành viên tham gia, nâng tổng số đến nay 73 tổ nông dân tham gia “Bảo vệ môi trường nông thôn” có 869 thành viên tham gia.

Hưởng ứng phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ (2018 -2023) và kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm; Hội Nông dân các xã, thị trấn trong huyện cùng vận động hội viên, nông dân đóng góp 7,135 tỷ đồng, 2.483 ngày công làm 59,13 km giao thông nông thôn, nạo vét 52,58 km kênh mương nội đồng, sữa chữa 2 cầu cống. Hội đã phối hợp tham gia hòa giải, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân, kết quả đã hòa giải thành 137 vụ, nội dung chủ yếu tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng dân cư. Các cấp Hội trong huyện đã phối hợp với ngành Tư pháp huyện tuyên truyền phổ biến pháp luật cho 15.706 lượt người với 286 buổi; tư vấn, trợ giúp pháp lý cho 2.406 lượt cán bộ, hội viên, nông dân.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả ứng dụng KHKT vào sản xuất,  Hội Nông dân huyện tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền các chương trình phát triển KT - XH của huyện, của tỉnh và mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn KHKT, cung ứng phân bón, bóng đèn Compact trả chậm cho hội viên, nông dân. Vận động hội viên tham gia thực hiện các chương trình, mô hình, dự án phát triển nông lâm nghiệp của huyện, phát triển kinh tế hợp tác xã, kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển KT - XH của huyện nhà.


Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO