Sinh hoạt chuyên đề, giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục những khó khăn, bức xúc trong lãnh đạo của chi bộ

Cuối tháng 10/2018, Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành các hướng dẫn về nội dung, quy trình sinh hoạt cho từng loại hình chi bộ trong toàn tỉnh, thay thế các hướng dẫn năm 2013. Các hướng dẫn này cụ thể hóa Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 05/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Theo đó, việc sinh hoạt chi bộ cần được nhìn nhận một các sâu sắc, khách quan, trung thực để đánh giá sát thực năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, vai trò, trách nhiệm của đảng viên đối với tổ chức, khắc phục tính hình thức, chiếu lệ trong sinh hoạt chi bộ.

Yêu cầu hàng đầu của việc sinh hoạt chi bộ là chi ủy, chi bộ phải chuẩn bị tốt nội dung sinh hoạt và thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt thường kỳ theo quy định của Điều lệ Đảng. Đồng thời thường xuyên đổi mới nội dung sinh hoạt bảo đảm đúng quy định, hướng dẫn của cấp trên, phù hợp với tình hình, đặc điểm của chi bộ, nhằm đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu. Mỗi đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và đồng chí bí thư chi bộ phải nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu trong sinh hoạt chi bộ; phải gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Theo quy định, ngoài sinh hoạt thường kỳ hàng tháng, ít nhất mỗi quý một lần chi bộ phải tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Sinh hoạt chuyên đề có 2 loại, một là sinh hoạt chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên (chuyên đề này sinh hoạt ít nhất 1 năm/kỳ); hai là sinh hoạt chuyên đề về những vấn đề vấn đề phát sinh trong quá trình lãnh đạo của chi bộ, nhưng phải chọn những vấn đề cụ thể, bức xúc, thiết thực nhất ở địa phương, địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị để tập trung thảo luận và đề giải pháp thực hiện.

Để có nội dung sinh hoạt chuyên đề, các chi bộ tùy vào đặc điểm, loại hình chi bộ có thể tham khảo những vấn đề như: Giải pháp phòng, chống, khắc phục, sửa chữa các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong chi bộ; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa; giải pháp xây dựng chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoặc củng cố, khắc phục tổ chức đảng không hoàn thành nhiệm vụ; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tạo nguồn phát triển đảng viên; công tác quản lý và phân công công tác cho đảng viên...Đối với chi bộ cơ quan hành chính có thể sinh hoạt chuyên đề về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn của cơ quan chi bộ; về giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống của cơ quan cho cán bộ, đảng viên... Chi bộ thôn, khu phố sinh hoạt chuyên đề về giải pháp xây dựng nông thôn mới: Làm giao thông nông thôn; vệ sinh môi trường; thôn, khu phố không có tệ nạn xã hội, tổ tự quản không có người sinh con thứ 3; không có người bị tại nạn giao thông; giảm hộ nghèo; củng cố, khắc phục chi, tổ hội yếu kém...Chi bộ Công an, Quân sự sinh hoạt chuyên đề về việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội ở đơn vị; phương pháp tự nghiên cứu, học tập để không ngừng nâng cao trình độ kiến thức cho cán bộ, đảng viên...Điểm cần lưu ý, khi đã xác định được vấn đề sinh hoạt chuyên đề, chi bộ phải phân công người thực hiện đề cương bằng văn bản và quy định thời gian hoàn thành. Đảng viên được phân công phải là người có khả năng biên tập, am hiểu nội dung liên quan đến chuyên đề. Khi phân công người thực hiện chuyên đề, bí thư chi bộ phải trao đổi với người này để thống nhất về mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp thực hiện. Dự thảo chuyên đề phải được chi ủy hoặc bí thư chi bộ thông qua và gửi cho đảng viên nghiên cứu trước khi tổ chức sinh hoạt. Chuyên đề sau khi đưa ra sinh hoạt thảo luận và đi đến thống nhất, chi bộ ra nghị quyết gửi cho đảng viên (chi bộ đông đảng viên có thể gửi đến tổ đảng) để thực hiện và báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp.

Việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề không thay thế sinh hoạt chi bộ thường kỳ. Nếu chi bộ khó khăn về thời gian, địa điểm có thể kết hợp sinh hoạt chuyên đề với sinh hoạt chi bộ định kỳ trong cùng một buổi nhưng phải thực hiện lần lượt, sinh hoạt định kỳ xong mới sinh hoạt chuyên đề hoặc ngược lại.

Sinh hoạt chuyên đề là rất cần thiết nhằm giúp các chi bộ phát huy được trí tuệ tập thể trong việc tìm giải pháp tốt, sáng kiến hay khi giải quyết những khó khăn, hạn chế trong quá trình lãnh đạo, hoặc giáo dục, định hướng chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đảng viên; đồng thời là diễn đàn để từng đảng viên thể hiện chính kiến của mình, trao dồi kỹ năng và sự tự tin phát biểu trước nhiều người, khắc phục sự thụ động, ngại phát biểu, tạo không khí sôi nổi trong sinh hoạt chi bộ, phát huy dân chủ, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt và năng lực lãnh đạo, sức chiến của chi bộ, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.


Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO