Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc với phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với xây dựng nông thôn mới

Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Huyện ủy Hàm Thuận Bắc, Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận và sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, cấp chính quyền, Hội Nông dân các cấp trong huyện đã tích cực triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, trong đó phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là phong trào trọng tâm trong hoạt động Hội.

Anh Đoàn Ngọc Lương, sinh năm 1971, ở thôn Suối Đá, xã Hồng Sơn là Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Là một trong ba phong trào thi đua lớn của các cấp Hội Nông dân, trong những năm qua phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã được Hội Nông dân các cấp trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện đến tận cán bộ, hội viên nông dân. Hàng năm, Hội Nông dân các cấp trong huyện đã tổ chức cho các hộ hội viên đăng ký thi đua, hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp, TW, tỉnh, huyện và cơ sở theo tiêu chí đưa ra ngay từ đầu năm, đã có 19.952 hộ đăng ký, các hộ hội viên nông dân đăng ký đều có cơ sở, tiềm năng để phát triển kinh tế hộ và cuối năm bình xét có 10.553 hộ đạt sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 52,9% so với hộ đăng ký, vượt chỉ tiêu Hội cấp trên giao hàng năm.

Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện đã quan tâm tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế để giảm nghèo, làm giàu chính đáng thông qua việc tạo vốn sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; Tăng cường phối hợp với Ngân hàng CSXH thông qua các hoạt động ủy thác giúp đỡ hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến tháng 12/2019, toàn huyện có số dư nợ trên 100 tỷ đồng của 98 Tổ nông dân tiết kiệm và vay vốn với 3.875 lượt hộ vay. Nguồn vốn Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT huyện có trên 121 tỷ đồng của 117 tổ liên kết vay vốn với 1.899 hộ vay. Riêng Quỹ hỗ trợ nông dân năm 2019, toàn huyện vận động 292,236 triệu đồng; Trong đó, Hội Nông dân huyện 170 triệu đồng (có nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 150 triệu đồng trong 2 năm 2018, 2019), Hội Nông dân xã, thị trấn vận động 122,236 triệu đồng; Đến nay tổng số nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp huyện đang quản lý hơn 4 tỷ đồng, đã thực hiện 50 dự án, giải quyết cho vay 324 hộ vay (nguồn Trung ương 1,8 tỷ đồng, nguồn tỉnh 1,050 triệu đồng, nguồn huyện 511,45 triệu đồng, nguồn xã 695,535 triệu đồng). Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn tuyên truyền, vận động các hội viên nông dân thành lập Quỹ tương trợ trong nông dân với số tiền 795,2 triệu đồng với 54 tổ cho 445 lượt hội viên khó khăn vay với lãi suất thấp xoay vòng để phát kinh tế gia đình; Hội còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể  mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Hàng năm, đã phối hợp các ngành đã tổ chức mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 9.286 lượt hội viên, nông dân. Thông qua đó, giúp hội viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, có cuộc sống ngày càng khá và làm giàu.

  Hàng năm, Hội Nông dân các xã, thị trấn đã giúp đỡ, hỗ trợ cho 14 hộ hội viên nông dân nghèo, với số tiền 692 triệu đồng, hơn 65 ngày công, hỗ trợ về cây, con giống, lương thực… trị giá hơn 139 triệu đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 5.600 hội viên, nông dân. Hội Nông dân huyện đã tổ chức phát động đăng ký thi đua phong trào biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào làm kinh tế giỏi, nhằm phát huy sự năng động, sáng tạo, ý chí vươn lên làm giàu của các hội viên, góp phần cải thiện đời sống. Tiêu biểu cho mô hình sản xuất kinh doanh giỏi cho thu nhập cao như mô hình trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ ông Đoàn Ngọc Lương, sinh năm 1971, hiện ở thôn Suối Đá, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc, là Nông dân SXKDG đạt cấp Trung ương 5 năm qua, Mô hình anh kết hợp trồng 3.500 trụ thanh long, hạ 2 bình biến áp để chong đèn thanh long và cung cấp điện cho bà con xung quang chong đèn thanh long trái vụ, giải quyết cho hàng chục lao động có công ăn việc làm ổn định.

Mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi của ông Trần Văn Thanh, ở thôn Liêm An, xã Hồng Liêm, anh đã trồng 1.500 trụ thanh long, hạ 01 bình biến áp để chong thanh long và nuôi hơn 70 con bò, là Nông dân SXKDG đạt cấp Trung ương 5 năm qua và còn nhiều mô hình nổi bậc của nông dân trong sản xuất và chăn nuôi ở các xã, thị trấn. Qua các mô hình trên, hàng năm thu về số tiền tỷ cho gia đình và các hộ này tham gia đóng góp tốt các phong trào ở địa phương.

Bên cạnh việc thực hiện phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội Nông dân huyện chủ động triển khai và duy trì có hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể, đến nay trên địa bàn huyện đã xây dựng được 39 mô hình kinh tế tập thể với 699 hộ hội viên tham gia; thông qua đó các hội viên giúp đỡ nhau về kinh nghiệm sản xuất, giống, vốn, khoa học kỹ thuật để cùng nhau làm giàu.

Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi đã tác động tích cực đến nhận thức, trách nhiệm của hội viên, nông dân về xây dựng đến hạ tầng kinh tế - xã hội; hàng năm vận động nông dân đóng góp hơn 16 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp làm mới hơn 58 km đường giao thông nông thôn; nạo vét, phát dọn khơi thông dòng chảy kênh tiêu thoát lũ và song suối tự nhiên với chiều dài hơn 46 km.

Tuy nhiên, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững” cũng còn có mặt hạn chế như, quy mô sản xuất nhìn chung còn nhỏ lẻ, phân tán, phát triển chưa đồng đều, giá trị hàng hóa thấp; sức cạnh tranh chưa cao; một bộ phận nông dân chưa thật quyết tâm đổi mới phương thức sản xuất; trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa cao nên sản xuất kinh doanh còn chưa hiệu quả, năng suất, chất lượng lao động còn thấp; nền nông nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu để hòa nhập với kinh tế thị trường, đây là thời cơ nhưng cũng là thách thức với nông dân, nông thôn.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp trong huyện; phát huy kết quả đạt được và định hướng những năm tiếp theo, Hội Nông dân các cấp trong huyện cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vận động nông dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phấn đấu để phong trào phát triển về chất, chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao hơn trên thị trường. Chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp hội viên nông dân tiếp cận, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, cùng vươn lên làm giàu chính đáng; đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp gắn với việc xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh, hướng hoạt động Hội về cơ sở, góp phần quan trọng vào thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới./.


Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO