Về công tác tổ chức chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính
Thực hiện Nghị Quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về Ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020; Chỉ thị số 07/CT-TTG ngày 22/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Ngày 28/12/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2672/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính năm 2013 của tỉnh Bình Thuận và Chỉ thị số 28/CT-UBND ngày 13/9/2013 về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính thông qua rà soát, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành cải cách hành chính nhằm triển khai có hiệu quả các văn bản của Trung ương và địa phương.
Các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh đã tiến hành xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch CCHC của cơ quan, đơn vị và địa phương mình; việc xây dựng và triển khai kế hoạch CCHC hằng năm và kế hoạch CCHC giai đoạn 2011-2015 tại các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã trở thành nề nếp; kế hoạch CCHC của các ngành, địa phương đã bám sát các định hướng của cấp trên, cơ bản xác định được các nhiệm vụ cụ thể, phân công rõ trách nhiệm, có sản phẩm và thời gian hoàn thành.
Công tác tuyên truyền về cải cách hành chính
Thực hiện Quyết định số 375/QĐ-UBND ngày 06/02/2013 của UBND tỉnh về phê duyệt Kế hoạch “Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính giai đoạn 2013 - 2015 của tỉnh Bình Thuận”. Theo đó, các Sở, ngành, UBND cấp huyện đã xây dựng và tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền CCHC của đơn vị theo kế hoạch đề ra.
Ở cấp tỉnh, sự phối hợp giữa các cơ quan: Sở Nội vụ, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Thuận được duy trì đều đặn. Trong năm 2013, chuyên mục “Cải cách hành chính” được phát trên sóng phát thanh và truyền hình với thời lượng 30 phút/tháng, 360 phút/năm và nhiều tin bài được đăng trên báo Bình Thuận. Nội dung tuyên truyền tập trung vào những nét nổi bật, những việc làm tốt đồng thời cũng đề cập những vướng mắc trong giải quyết công việc của nhân dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước qua đó giúp các cơ quan nhà nước kịp thời có giải pháp khắc phục.
Các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện cũng đã triển khai công tác tuyên truyền CCHC dưới nhiều hình thức thích hợp như: phát hành tờ rơi, pano, áp phích; thông qua hệ thống Phát thanh Truyền hình, các bản tin, lồng ghép trong các hội nghị và các diễn đàn khác...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tiến hành khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, công dân định kỳ hoặc đột xuất về hoạt động hành chính của Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả tại đơn vị mình từ đó có những điều chỉnh hợp lý, kịp thời nhằm nâng cao chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn.
Hoạt động kiểm tra, giám sát công tác cải cách hành chính trong năm
HĐND tỉnh đã tổ chức các hoạt động giám sát về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông năm 2013 tại 05 xã, phường, thị trấn; 03 Phòng trực thuộc huyện; 04 huyện, thị xã, thành phố và 04 Sở trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Nội vụ đã tiến hành, thanh tra, kiểm tra 23 lượt tại các cơ quan, đơn vị, địa phương về việc triển khai công tác cải cách hành chính và thực hiện nhiệm vụ công vụ của công chức, viên chức trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tại 14 sở, ban, ngành và 9 huyện, thị xã, thành phố.
Qua kiểm tra cho thấy: các Sở, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của UBND tỉnh về xây dựng và triển khai công tác cải cách hành chính; kết quả thực hiện nhiệm vụ công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khá tốt, hồ sơ hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được giải quyết phần lớn đúng hạn; nhiều đơn vị, địa phương đã thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các ứng dụng phần mềm… vào trong công tác quản lý, giải quyết công việc và giao dịch hành chính của tổ chức, cá nhân như: Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Sở Xây dựng và UBND huyện Hàm Thuận Bắc…
Công tác thanh tra, kiểm tra CCHC hoặc kiểm tra các nội dung chuyên môn gắn với công tác CCHC được các sở, ngành, địa phương duy trì như: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế, Công an tỉnh và UBND các huyện: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh…
Tuy nhiên, một vài đơn vị xây dựng kế hoạch cải cách hành chính còn chậm, nội dung kế hoạch còn chung chung, chưa cụ thể; việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính chưa đầy đủ theo quy định; kết quả giải quyết hồ sơ hành chính trên lĩnh vực đất đai tại một vài đơn vị, địa phương vẫn còn tình trạng trễ hẹn, tồn đọng kéo dài; việc thực thi nhiệm vụ công vụ của một bộ phận công chức, viên chức chưa cao; năng lực chuyên môn còn hạn chế...
Ngoài ra, trong năm 2013, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn do Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì và lãnh đạo các Sở, ban, ngành làm việc về tình hình KTXH và công tác CCHC tại địa phương: Đức Linh, Tánh Linh, Tuy Phong, Bắc Bình và Hàm Tân. Qua đó, chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn và đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác CCHC của các đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Nhìn chung, công tác CCHC năm 2013 của tỉnh đã có nhiều tiến triển đi vào nề nếp, như: việc thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính và kiểm tra việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã đạt được kết quả khả quan; tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước tiếp tục được kiện toàn và tiếp tục phân cấp thực hiện phân cấp quản lý nhà nước trên các lĩnh vực cho các cơ quan, đơn vị và địa phương theo đúng quy định của Trung ương; ý thức trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng lên; mối quan hệ phối hợp công tác để giải quyết hồ sơ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, hạn chế bớt sự chồng chéo, trùng lắp, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương; việc ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong công tác quản lý của các cơ quan, đơn vị và địa phương đã góp phần nâng chất lượng trong quản lý, điều hành và giải quyết công việc hành chính.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác CCHC của tỉnh vẫn còn những hạn chế sau: việc ban hành văn bản QPPL vẫn còn trường hợp chưa đảm bảo tiến độ chương trình. Một số văn bản ban hành chất lượng thấp, nhất là ở cấp huyện và cấp xã, còn có nhiều sai sót về thể thức, nội dung, thẩm quyền ban hành. Một số văn bản đã được ban hành nhưng không được thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để; thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực công việc chưa được nghiên cứu, kiến nghị đơn giản hóa kịp thời; việc công khai thủ tục hành chính tại nơi giao dịch chưa đầy đủ, chưa đúng quy định gây khó khăn cho nhân dân khi giao dịch. Thủ tục hành chính vẫn còn trường hợp giải quyết chậm nhưng việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý trách nhiệm chưa kịp thời nhất là lĩnh vực đất đai; ứng dụng CNTT hiệu quả đạt chưa cao, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 triển khai còn ít và chậm; báo cáo về CCHC của một số đơn vị, địa phương chưa bảo đảm thời gian quy định, nội dung sơ sài, thiếu thông tin, số liệu gây không ít khó khăn cho công tác tổng hợp, báo cáo.
Phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính trong năm 2014
Tiếp tục tổ chức thực hiện những nội dung, nhiệm vụ được phân công trong Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2015 và Kế hoạch năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong đó tập trung những nhiệm vụ trọng tâm như: thực hiện kịp thời, có chất lượng việc ban hành các văn bản QPPL theo Chương trình ban hành văn bản QPPL của UBND tỉnh và UBND cấp huyện; tiếp tục rà soát, kiện toàn, sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước của các Sở, ban, ngành và các địa phương theo hướng dẫn của Trung ương; triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; tiếp tục rà soát và đơn giản hóa thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân, doanh nghiệp; tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cung cấp các dịch vụ công...
Như vậy, cải cách hành chính là công việc có tính chất thường xuyên, liên tục, lâu dài với mục tiêu xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiện đại, hoạt động có hiệu quả, hiệu lực và thể hiện tính phục vụ. Vấn đề cải cách hành chính cũng được đề cập rất cụ thể trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, đặc biệt là trong nhóm giải pháp về tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật và giải pháp về hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ. Cải cách hành chính sẽ mở cánh cửa công khai hóa và minh bạch hóa, tạo thuận lợi cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Công chúng luôn mong muốn minh bạch mọi vấn đề liên quan đến chủ trương chính sách của Nhà nước, đặc biệt là những vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, các tổ chức và các doanh nghiệp, do đó, muốn có được sự minh bạch này, phải không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính.
Ngọc Điền