Vào đầu năm, tôi may mắn được tham dự hội nghị tổng kết của Hội Người mù huyện, ngoài những cán bộ làm công tác hội ở hai cấp còn có sự tham dự của nhiều hội viên kém may mắn không còn được nhìn thấy ánh sáng. Tôi rất ngạc nhiên khi chứng kiến cô Cao Thị Bảy và bác Nguyễn Niệm mặc dù nhìn không rõ nhưng điều hành đại hội một cách nghiêm túc, bài bản; chính điều đó đã gây cho tôi sự xúc động, ấn tượng sâu sắc về phong cách làm việc chuyên nghiệp, đầy trách nhiệm không phải vì bản thân thiệt thòi mà sơ sài, qua loa trong công tác.
Hẹn mãi tôi mới có dịp được gặp gỡ và trò chuyện cùng với tập thể cán bộ hội. Hội người mù huyện gồm có ba biên chế: cô Cao Thị Bảy - Chủ tịch hội; bác Nguyễn Niệm - Phó Chủ tịch hội và chị Nguyễn Thị Kim Luận - cán bộ hội. Tiếp đón tôi cô Cao Thị Bảy vẫn còn nét mệt mỏi sau ca mổ trực tràng hơn nửa tháng trước. Năm nay cô đã 67 tuổi, công tác tại Hội người mù huyện được 09 năm sau khi cô nghỉ hưu với cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy. Cô bị thương và mù một mắt trong chiến tranh, mắt còn lại bị sẹo giác mạc, chỉ thấy mờ mờ, theo thời gian thoái hoá dần và hầu như không thấy gì. Tâm sự về cơ duyên đến với Hội cô thổ lộ ban đầu cô nghĩ mình đã già, mắt lại kém khó có khả năng đảm nhận nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước tin tưởng giao cho, nhưng cô đã nhận được nhiều lời động viên của các chú lãnh đạo; đồng thời, bản chất người lính nhắc cô nhớ đến lời dạy của Bác “Tàn nhưng không phế” nên cô quyết tâm “liều” tiếp tục đem sức lực của mình cống hiến cho quê hương, góp một phần nhỏ công sức của mình đem lại chút hạnh phúc nhỏ nhoi cho những người kém may mắn trong cuộc sống. Trên cương vị là chủ tịch Hội, cô luôn cố gắng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, đặc biệt cô làm việc rất đúng giờ. Tôi thường xuyên theo dõi các hội nghị do Huyện ủy tổ chức bao giờ cũng thấy cô là một trong những đại biểu đến tham dự sớm nhất. Chia sẻ về điều này, cô quan niệm đến đúng giờ để bảo đảm công việc chung và cũng là cách thể hiện sự tôn trọng người khác.
Sự gắn bó với Hội người mù của bác Nguyễn Niệm lại là một câu chuyện khác, bác bị mù một mắt bẩm sinh từ nhỏ, mắt còn lại bị mù do tai nạn. Bác Niệm về công tác tại Hội người mù huyện từ năm 2003 và phụ trách công tác xây dựng hội cơ sở phía Nam của huyện. Do tuổi cao (77 tuổi) và nhà xa nên bác có mặt tại huyện hội mỗi tuần hai lần để thảo luận về công việc. Dù đã lớn tuổi nhưng bác vẫn còn minh mẫn, trí nhớ tốt; giọng nói của bác dõng dạc, lưu loát nên công tác tổ chức hội nghị do bác đảm nhận đều đạt kết quả tốt.
Một thành viên không thể thiếu của hội đó là chị Nguyễn Thị Kim Luận với tuổi đời còn khá trẻ nhưng đã có 4 năm gắn bó với tổ chức Hội. Tốt nghiệp trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn chị nộp đơn xin việc và được tuyển vào làm cán bộ hội. Công việc chính của chị là xử lý văn bản và đi công tác cơ sở. Nghe có vẻ đơn giản nhưng kỳ thực khá vất vả, toàn bộ văn bản của cấp trên chị đọc cho cô Bảy và bác Niệm nghe, từ ý kiến của lãnh đạo chị xây dựng báo cáo hoặc các văn bản chỉ đạo cơ sở sau đó thông qua cô chú một lần nữa để chỉnh sửa hoàn thành văn bản. Bên cạnh công việc văn phòng, là một cán bộ trẻ, có sức khoẻ bình thường chị thường xuyên đi công tác hoặc cùng với cô Bảy xuống các cơ sở hội khảo sát nắm tình hình, động viên, đôn đốc cơ sở hoạt động thường xuyên nhằm góp phần chăm lo cho đời sống hội viên.
Qua tìm hiểu, tôi được biết nhiệm vụ chính của Hội: khảo sát đưa người mù ở các cơ sở vào hội; vận động chăm lo đời sống, tạo công ăn việc làm cho các hội viên. Thực hiện tốt chừng ấy nhiệm vụ quả thật không dễ dàng chút nào. Để có kinh phí góp phần chăm lo đời sống cho các hội viên ngoài số tiền được trích phần trăm từ việc bán tăm tre tất cả cán bộ hội đều phải đi vận động quyên góp các nhà tài trợ, nhà từ thiện, những người hảo tâm trên địa bàn huyện, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhưng việc vận động không phải dễ dàng và đạt kết quả như mong muốn khi hiện nay cũng có nhiều hội khác vận động quyên góp cho hội viên của mình. Khi nhắc đến khó khăn này, tập thể hội không giấu nổi vẻ xúc động; cô Bảy cho biết có lúc ngồi cả buổi trời để vận động nhưng cũng chỉ nhận được 100 nghìn đồng ủng hộ; chị Luận chia sẻ ban đầu đi vận động xin tiền thấy rất ngại, mắc cỡ, có nơi nhiều đơn vị đến đặt vấn đề quyên góp quá nên khi mình đến người ta có vẻ hơi khó chịu, không nhiệt tình. Những lúc như vậy, thực ra cũng rất nản nhưng khi nghĩ đến hoàn cảnh khó khăn của hội viên thì lại quyết tâm không bỏ cuộc, hai cô cháu trình bày hoàn cảnh của các hội viên bằng cả tấm lòng, sự thật tâm của mình nên cuối cùng cũng đã thuyết phục được mọi người. Khi nghe tôi hỏi có khi nào hội mình đi vận động nói thêm vào sự khó khăn của các hội viên để người ta thấy thương mà ủng hộ không? Tập thể hội đều cười và cho biết: trình bày chưa hết hoàn cảnh đã thấy thương lắm rồi không cần nói thêm đâu. Chị Luận bộc bạch thêm, đến giờ sau 4 năm công tác chị có thể biết hết nhà của hội viên mình, hầu hết hội viên đều sống neo đơn, gia cảnh rất khó khăn, không có công ăn việc làm, tự mình phải làm mọi việc để phục vụ nhu cầu của bản thân; một số hội viên sống xa khu dân cư nên càng gặp nhiều trở ngại, những tai nạn nguy hiểm bất ngờ có thể xảy đến bất cứ lúc nào; mỗi lần đến thăm nhà hội viên, chị và cô Bảy đều không thể cầm được nước mắt và những băn khoăn, trăn trở về cuộc sống của họ theo cả vào giấc ngủ. Đó cũng chính là động lực to lớn khiến tập thể hội ngày càng nỗ lực hơn trong công tác và đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng.
Trong năm 2012 hội đã vận động được 1633 suất quà trị giá 380.000.000 đồng, đạt 109% so với chỉ tiêu đề ra. Vận động các tổ chức, các chùa, mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng 07 căn nhà tình thương cho những hội viên mù nghèo, neo đơn đang ở nhà dột nát. Giúp đỡ cho 08 thanh niên mù làm nhân viên mát xa đuợc hưởng lương tại thành phố Phan Thiết, hỗ trợ vốn vay cho người mù giải quyết công ăn việc làm nhờ đó đã giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, giảm tình trạng xin ăn độ nhật hàng ngày của những người khiếm thị …. Ngoài việc quan tâm đến đời sống vật chất hội còn chăm lo đời sống tinh thần cho các hội viên. Liên hoan văn nghệ “Tiếng hát từ trái tim” do Hội tổ chứclà một món quà đậm chất nhân văn giúp người mù xoá dần mặc cảm tự ti, thể hiện khao khát tình yêu cuộc sống bằng lời ca tiếng hát của mình đến với cộng đồng. Chương trình “Cây mùa xuân” được hội tổ chức mỗi khi tết đến, xuân về là dịp tặng quà và mang hơi ấm của tình người, của mùa xuân đến với cho những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Năm 2011, tập thể hội được tặng bằng khen của Trung ương Hội người mù, UBND tỉnh và Tỉnh Hội. Cô Cao Thị Bảy được khen thưởng bởi Trung ương Hội và Tỉnh hội. Chị Nguyễn Thị Kim Luận cũng được nhận giấy khen từ Tỉnh hội.
Qua những thành tích của hội, tôi cảm nhận rõ tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết, gắn bó với nhau trong công việc của mỗi cán bộ hội. Hội người mù huyện không chỉ đơn thuần là một tổ chức hội mà là một gia đình lớn, một ngôi nhà chung của những người kém may mắn trong cuộc sống. Tập thể hội đã dành cả tâm huyết, tình cảm của mình trong thực hiện nhiệm vụ với mong muốn mang lại cuộc sống ổn định, ấm no cho người khiếm thị. Có thể trong suy nghĩ của chúng ta đó là nhiệm vụ, là công việc của Hội nhưng với việc làm của mình Hội Người mù huyện đã gieo niềm tin yêu vào cuộc sống đến từng hội viên, là ánh sáng đưa họ đến tương lai tốt đẹp hơn, là cầu nối đưa người khiếm thị hoà nhập với cộng đồng./.
Hoàng Nguyên