II- Những thành tựu vĩ đại của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đi những bước tiến dài, giành được những thành tự vĩ đại:
Thắng lợi của Cách mạng tháng 8 -1945, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng diễn ra liên tục trong suốt 15 năm sau ngày thành lập Đảng. Từ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, cuộc vận động đòi dân sinh dân chủ 1936-1939 đến phong trào giải phóng dân tộc 1939-1945. Chế độ thuộc địa nữa phong kiến nước ta bị xóa bỏ, mở ra một kỷ nguyên mới -kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đánh thắng thực dân Pháp (1954) và Đế quốc Mỹ (1975), đã đưa đất nước thoát khỏi ách đô hộ của thực dân, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Thắng lợi của sự nghiệp đổi mới (1986 – 2020) và từng bước đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Kế thừa những thành tựu và kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc khi còn chiến tranh và trong những năm đầu khi đất nước thống nhất. Trải qua nhiều tìm tòi, khảo nghiệm, tổng kết, sáng tạo của nhân dân, Đảng ta đã đề ra và lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc, phù hợp với thực tiễn và bối cảnh quốc tế mới, nhất là những thành quả rực rỡ 34 năm đổi mới (1986-2020).
Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 88 năm qua, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
III- Bài học kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một là, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc.
Hai là, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân.
Ba là, không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: Đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, đó là truyền thống quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng Việt Nam.
Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Kiên định ý chí độc lập, tự chủ, nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực.
Năm là, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan.
IV- Những trang sử hào hùng trên quê hương Hàm Thuận.
Vào năm 1930, đồng chí Dương Chước (đảng viên Cộng sản thuộc chi bộ Hòn Khói, Khánh Hoà) đến Hàm Thuận gầy dựng phong trào cách mạng. Năm 1931, các đồng chí Nguyễn Tương, Nguyễn Gia Tú, Trần Hoành được kết nạp Đảng. Đây là những đồng chí đảng viên, những hạt giống đỏ đầu tiên của huyện Hàm Thuận. Thời gian này, các tổ chức, nhóm thanh niên “Tiên tiến”, nông hội cũng được thành lập. Phong trào đấu tranh từ khi Đảng lãnh đạo đã đi vào nề nếp, được đẩy mạnh, tạo tiếng vang. Các tổ nông hội, quần chúng nhân dân treo cờ, băng rôn, rải truyền đơn khắp Phủ Hàm Thuận với nội dung: chống bắt lính, chống đế quốc gây chiến tranh, chống sưu thuế... Tháng 01/1937, Hàm Thuận hình thành nhóm tổ Đảng đầu tiên gồm các đảng viên Nguyễn Gia Tú, Phan Lợi, Lâm Đình Trúc, do đồng chí Tú làm tổ trưởng. Tháng 11/1946, 03 chi bộ cơ sở đầu tiên được thành lập gồm chi bộ cơ quan Huyện ủy, chi bộ xã Đồng Tiến và chi bộ ghép các làng Phú Hòa, Đại Nẫm. Năm 1947, thêm một số chi bộ khác ở các xã được thành lập. Ngày 05/12/1947, Đảng bộ huyện Hàm Thuận được thành lập. Từ đây đánh dấu một thời kỳ phát triển mới, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân huyện nhà được tiến hành dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng vững mạnh.
Cùng với cả nước và Tỉnh, Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Hàm Thuận với truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng căm thù giặc sâu sắc, đã phát huy tinh thần cách mạng, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ, góp phần giải phóng quê hương Hàm Thuận (08/4/1975) và giải phóng tỉnh Bình Thuận (19/4/1975). Quê hương được giải phóng, Đảng bộ, nhân dân Hàm Thuận bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, ra sức phát triển kinh tế, cùng cả nước tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Qua 34 năm đổi mới (1986-2020), vận dụng đường lối đổi mới của Đảng vào thực hiện nghị quyết các nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ huyện lãnh đạo nhân dân xây dựng quê hương ngày càng đi lên, bộ mặt huyện nhà từng bước đổi mới và khởi sắc, đời sống nhân dân được ổn định và ngày càng cải thiện.
Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân vô cùng tự hào về những thành tựu đã đạt được của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với cả nước, chặng đường phát triển, xây dựng quê hương Hàm Thuận Bắc tuy còn nhiều khó khăn, thử thách phía trước. Phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm và lao động cần cù, sáng tạo của cán bộ và nhân dân huyện nhà sẽ không ngừng đổi mới, góp phần hòa vào nguồn chảy chung của đất nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Kèm file đầy đủ.