Tin tức

THÔNG TIN THỜI SỰ QUÝ III/2019

I- ASEAN TRONG CUỘC ĐỐI ĐẦU MỸ- TRUNG.

Khi căng thẳng thương mại và công nghệ lan sang thao túng tiền tệ, sự cạnh tranh địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc nhanh chóng trở thành một cuộc chiến phi quân sự. Nó không còn là cuộc chiến liên quan đến thuế quan thương mại và công nghệ độc quyền mà nó bao gồm tất cả các hoạt động của chủ nghĩa trọng thương để chống lại đối thủ.

Mặc dù cuộc tranh cãi gay gắt này gợi nhớ đến cuộc xung đột giữa Mỹ với Liên Xô ở lục địa châu Âu cách đây nửa thế kỷ, song cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh về cơ bản là khác. Sân khấu cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc nằm ở khu vực Đông Nam Á, nơi vai trò hòa giải của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ rất quan trọng và không thể thiếu. Nếu ASEAN thất bại trong việc làm trung gian hòa giải Mỹ- Trung, châu Á có thể sẽ bất ổn về hòa bình, thịnh vượng và xung đột dễ xảy ra.

Trong khi Mỹ và Liên Xô đưa trận chiến ý thức hệ của họ vào các nước thứ ba mà không có xung đột quân sự trực tiếp thì cuộc đối đầu Mỹ-Trung là trực tiếp dù phi quân sự. Nền kinh tế của họ đan xen dày đặc, không thể tách rời thành các khối cạnh tranh như trước đây. Một câu hỏi quan trọng là cuộc xung đột này sẽ duy trì phi quân sự trong bao lâu? Vì Trung Quốc biết rằng sức mạnh kinh tế là không đủ và sẽ cần đến quân sự, Bắc Kinh đã tiến hành các chương trình nâng cấp vũ khí và hiện đại hóa quân sự chưa từng có. Nhận thức được điều này, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump hiện nay và kể cả sau này có thể sẽ duy trì ưu thế quân sự vượt trội của mình, bao gồm một đội tàu sân bay tiếp tục thống trị các vùng biển, vì sức mạnh kinh tế của Mỹ không thể ngăn cản động lực của Trung Quốc trở thành một siêu cường đối thủ toàn cầu.

Khi Trung Quốc cần thời gian để tăng cường năng lực quân sự, đặc biệt là sản xuất nhiều tàu sân bay, thì họ cũng phải chiến đấu trong các vấn đề thương mại, đầu tư, đổi mới công nghệ và ngoại giao. Nền tảng địa chiến lược hàng đầu của Trung Quốc là sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình được ra mắt năm 2013. Nếu được thực hiện đầy đủ, sáng kiến này sẽ cho phép Trung Quốc trở thành một siêu cường Á- Âu với phạm vi ảnh hưởng toàn cầu bao gồm châu Á và Trung Đông cho đến Đông Phi và các biên giới biển của châu Âu .

Cuộc đối đầu phi quân sự mở rộng giữa Mỹ và Trung Quốc trùng khớp với những rạn nứt liên tục và sự sắp xếp lại bối cảnh địa chính trị của châu Á. Sự thù hận đã xuất hiện trở lại trong cuộc cọ sát thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Chính quyền Trump đã trở nên không đáng tin cậy đến mức sự bảo trợ và hòa giải của Mỹ đối với hai đồng minh quan trọng ở Đông Bắc Á đã không hiệu quả. Điều này đặt ra một câu hỏi cho các quốc gia nhỏ hơn trong ASEAN, các quốc gia biển ở ASEAN, đặc biệt là Philippines và Việt Nam đã phản đối các đảo nhân tạo được xây dựng đơn phương và vũ khí hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông, trong khi các đập thủy điện của Trung Quốc trên sông Mekong đã gây bất lợi cho các nước hạ nguồn, đặc biệt là Campuchia và Việt Nam.

 

ASEAN nên là mặt trận và trung tâm của hành động và phối hợp khu vực để ngăn các cường quốc xung đột với nhau. Với việc trở thành nền tảng mặc định cho các cấu trúc khu vực, uy tín và tính trung tâm của ASEAN đòi hỏi sự gắn kết nhiều hơn và ít chia rẽ hơn. Do đó, trong bối căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, vai trò cầu nối, xây dựng niềm tin và sự đồng thuận của ASEAN là cần thiết hơn bao giờ hết.

II- CÁCH HÀNH XỬ CỦA MỸ VÀ TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG.

Biển Đông là một trọng tâm của cuộc cạnh tranh quyền lực “cứng” và “mềm” giữa Trung Quốc và Mỹ trong khu vực. Trong giai đoạn của cuộc tranh đấu này, Mỹ thường xuyên cáo buộc Trung Quốc thực hiện các hành vi xấu tại đây. Đặc biệt, Mỹ gọi các hành động của Trung Quốc là “quân sự hóa”, là “hung hăng”, thậm chí là “bắt nạt”… Đó là những lời cáo buộc với những hàm ý chính trị và pháp lý nghiêm trọng. Tuy nhiên, bản thân Mỹ cũng phải chịu trách nhiệm về những hành vi sai trái có thể được mô tả bằng những tính từ tương tự như trên. Thực vậy, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước của Mỹ với Nga, theo đó cấm sử dụng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo phóng từ đất liền dù là có hay không có năng lực hạt nhân, đồng thời còn tuyên bố sẽ sớm bố trí các tên lửa kiểu này tại châu Á, chỉ càng khiến cho sự “đạo đức giả” của họ trở nên rõ ràng hơn.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông khi triển khai máy bay chiến đấu phản lực và tên lửa tại các thực thể mà họ chiếm đóng. Từ “quân sự hóa” có thể được định nghĩa là tạo ra một đặc tính quân sự trên một vị trí hay một tình huống nào đó. Theo quan điểm của Trung Quốc cũng như một số nước Đông Nam Á, chính Mỹ mới đang quân sự hóa vùng biển này khi phô trương sức mạnh của mình tại đây một cách tích cực và hung hăng. Không giống như Trung Quốc, Mỹ từ lâu đã có các căn cứ hay các “vị trí” quân sự tại các quốc gia xung quanh Biển Đông tại các nước đồng minh quân sự như Philippines và Thái Lan và gần đây hơn là tại Malaysia, Singapore để bố trí các hệ thống săn lùng tàu ngầm và các nền tảng chiến đấu điện tử nhắm vào các tài sản của Trung Quốc. Thêm vào đó, Mỹ còn vừa gia tăng đáng kể sự hiện diện của lực lượng hải quân và không quân, cũng như các chiến dịch ở trong và ngoài khu vực Biển Đông. Một hành động khác của Mỹ cũng khiến tình hình và khu vực mang tính quân sự là các hoạt động thăm dò tình báo quân sự thường xuyên của họ đối với các hệ thống phòng thủ trên đất liền của Trung Quốc ở dọc bờ Biển Đông của nước này. Trung Quốc coi những hoạt động do thám đó là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Tóm lại, quân sự hóa, cũng như các hành động “hung hăng” ngày càng phụ thuộc nhiều vào bối cảnh, những năng lực và tính chất dễ bị tổn thương theo sự phán xét của những người chứng kiến. Cả Trung Quốc và Mỹ đều biện hộ rằng các hành động của họ chỉ mang mục đích phòng ngự, nghĩa là chỉ là sự phản ứng với các hành động của bên khác. Ý đồ của Mỹ khi đặt các tên lửa tầm trung ở Đông Nam Á rõ ràng là nhắm vào các tên lửa trên đất liền của Trung Quốc có khả năng gây nguy hiểm cho các tàu của Mỹ hoạt động trên Biển Đông. Những tuyên bố của Mỹ rằng việc Trung Quốc bố trí tên lửa và máy bay chiến đấu phản lực lên một vài trong số các đảo nhân tạo của họ là hành động tấn công quân sự. Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định các vũ khí này đều mang tính phòng thủ và việc triển khai chúng là để đối phó với các mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng từ Mỹ ở Biển Đông.

Dĩ nhiên là các vũ khí phòng thủ cũng có thể được sử dụng để tấn công. Sự đánh giá và phản ứng của Mỹ với các hành động của Trung Quốc có vẻ chỉ tập trung vào điều mà Trung Quốc có thể làm bằng phương tiện quân sự của mình và Mỹ thiết lập một thế phòng thủ “đánh phủ đầu”. Lý lẽ này có thể dẫn tới một hành động “tự vệ phủ đầu” thực sự (nghĩa là một nhà nước sử dụng áp lực vũ trang để ngăn ngừa một nước khác hoặc một nhân tố khác theo đuổi một chiến dịch hành động chưa gây nguy hiểm một cách trực tiếp, song nếu tiếp tục, thì đến một lúc nào đó có thể trở thành một hành vi tấn công vũ trang). Mối quan ngại lớn nhất là việc Mỹ lợi dụng quan niệm này khá nhiều, chẳng hạn khi xâm lược Iraq và thực hiện các vụ tấn công bằng máy bay không người lái tại nhiều quốc gia và Mỹ cũng có thể áp dụng quan niệm đó để tấn công vào Trung Quốc từ Biển Đông.

III- “NĂM HẠN” CỦA SÔNG ME KONG.

Năm 2019 được cảnh báo là một “năm hạn” của sông Mekong, cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Theo nghĩa đen, điều này có nghĩa là dòng sông này và đang trải qua một giai đoạn hạn hán bất thường, khiến mực nước xuống gần như thấp nhất trong vài năm trở lại đây.

Đã có những lo ngại rằng tình trạng hạn hán này sẽ tác động tiêu cực đặc biệt đến sông Tonle Sap, hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, kết nối sông Mekong với Biển Hồ thông qua sông Tonle Sap đóng một vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng nguồn lợi thủy sản chủ yếu của người dân sinh sống ở hạ nguồn lưu vực sông Mekong (nhất là Campuchia và Việt Nam). Nếu mất nhịp đập của lũ thì sông Tonle Sap khó có thể đổi chiều, đưa nước chảy ngược lên Biển Hồ, như vậy, sẽ gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng, phá vỡ hệ môi trường sinh thái nước ngọt.

Thuộc khu vực thượng nguồn lưu vực sông Mekong tính từ Campuchia, Lào đã có không ít phàn nàn về tình trạng suy giảm nguồn thủy sản do hạn hán. Cùng với đó là các hoạt động xả nước không được thông báo trước từ đập Cảnh Hồng trên sông Lan Thương, thuộc tỉnh Vân Nam (miền Nam Trung Quốc) vừa qua đã làm ngập lụt các cánh đồng lúa ở cả Lào và Thái Lan.

Trong hàng trăm năm qua, hạn hán là câu chuyện muôn thuở đối với sông Mekong. Chẳng ai hoài nghi khi sự kết hợp của hạn hán với việc xây dựng các con đập ở Trung Quốc và giờ là ở Lào đã làm nảy sinh một vấn đề mới. Và điều này được phản ánh trong một thông báo gần đây rằng đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) sẽ ngừng xả nước trong một vài ngày trong thời gian tiến hành công việc tu sửa, đồng nghĩa là việc xả nước không thông báo trước và việc thông báo tạm ngừng xả nước là những sự việc mà các nước hạ nguồn sông Mekong không thể kiểm soát. Cùng với những vấn đề này là những tin tức cho thấy đập thủy điện Xayaburi ở Lào đã tác động đến dòng chảy hạ lưu sông Mekong khi Lào tiến hành các hoạt động vận hành thử con đập này.

Với những diễn biến nói trên, một lần nữa câu hỏi ai kiểm soát sông Mekong lại được đặt ra. Như đã lưu ý trước đây rằng 11 con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn Mekong lâu nay đã gây tác động đáng kể đối với tình trạng “sức khỏe” của con sông này, cụ thể là diễn biến dòng chảy của sông ở phần hạ nguồn mức rất thấp thời gian gần đây. Trong khi đó Ủy hội sông Mekong không có quyền kiểm soát đối với các con đập của Trung Quốc và cả những con đập đang được xây dựng ở Lào. Trước những sự việc đề cập ở trên, dường như có lý do chính đáng để đưa ra một cái nhìn không tốt về tương lai của sông Mekong.

Kèm theo file.