Trong lần bầu cử này, Hàm Thuận Bắc có 39 vị được cử tri tín nhiệm bầu vào Hội đồng nhân dân huyện (khóa VIII). Cơ cấu đại biểu có sự thay đổi theo hướng tích cực; nếu ở nhiệm kỳ trước không có đại biểu tôn giáo nào, thì nhiệm kỳ này đã có 02 vị; đại biểu là người dân tộc thiểu số tăng 01 người (03/02 người); đại diện cho doanh nghiệp có 02 đại biểu (tăng 01 đại biểu); nữ giới trúng cử 14 người, chiếm 35,9% và gấp hơn 1,5 lần so với khóa trước (09 người). Cùng với đó, chất lượng đại biểu cũng được nâng lên rõ rệt; không còn đại biểu mà trình độ chuyên môn, nghiệp vụ là sơ cấp; đại biểu có trình độ trung cấp giảm mạnh (02/11 người) và đại biểu có trình độ đại học tăng cao (35/27 người), đặc biệt, đây là lần đầu tiên có 02 đại biểu với học vị thạc sỹ; về lý luận chính trị, hầu hết đại biểu có trình độ từ trung cấp trở lên, còn sơ cấp chiếm tỷ lệ rất thấp (7,69%, tương ứng 03 đại biểu).
Điều đáng mừng là người dân đã phát huy quyền làm chủ của mình, thể hiện qua tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử đạt gần như tuyệt đối (99,97%) và biểu thị rõ chính kiến trong việc lựa chọn người đại diện cho mình, nên có trường hợp không bầu đủ theo số lượng đại biểu được ấn định (đơn vị bầu cử số 4, chỉ có 3/4 người trúng cử), tín nhiệm thấp đối với một số ứng cử viên là lãnh đạo phòng, ban huyện (03 người) và cán bộ chủ chốt xã (01 người); đó cũng chính là sự phản ảnh khá sinh động phương châm “Đảng cử-Dân tin”. Do vậy, có thể khẳng định, đại biểu được cử tri tín nhiệm lần này là những người thật sự xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân.
Đây thực sự là vinh dự lớn lao và cũng là trách nhiệm nặng nề của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân huyện (khóa VIII). Vì vậy, từng đại biểu phải thực sự hành động với trách nhiệm cao nhất; việc cần quan tâm thực hiện có kết quả là phải chủ động, tích cực bám cơ sở để nắm bắt và thường xuyên lắng nghe ý kiến, phản ảnh của cử tri và nhân dân trong huyện, qua đó nhằm kịp thời phát hiện tình hình nổi lên và những vần đề bức xúc của dân, chứ không phải chờ đến đợt tiếp xúc cử tri theo kiểu “xuân thu nhị kỳ” để ghi nhận những kiến nghị, yêu cầu của dân trong phạm vi địa bàn mình đã ứng cử; đồng thời phải khẩn trương chuyển đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan đi đôi với kiên quyết đeo bám để đôn đốc giải quyết thỏa đáng những nhu cầu chính đáng của người dân, xem đây vừa là nghĩa vụ, vừa để đáp lại tình cảm và sự tín nhiệm của bà con cử tri đối với mình.
“Dân chủ” ngày càng mở rộng, “dân trí” ngày một nâng cao, nên cử tri luôn theo dõi sát sao hoạt động của những người do mình bầu ra và chắc chắn người dân không thể chấp nhận những “ông cử gật” trong hội trường và “bàng quang” trước vấn đề “dân sinh”, nhất là những yêu cầu về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống yên bình của người dân và xây dựng quê hương Hàm Thuận Bắc xứng đáng với truyền thống Anh hùng./.