Mùa xuân toàn thắng 1975-Kỳ 1: Các hoạt động quân sự trước ngày giải phóng huyện Hàm Thuận (cuối 1974 đến tháng 3/1975)

  • V&Q.
  • /
  • 6.4.2018 - 7:25

Thời cơ cách mạng đến khi tại chiến trường Tây Nguyên và duyên hải Miền trung, quân ta giành thắng lợi lớn; các hoạt động quân sự thực hiện kế hoạch tấn công mùa khô năm 1975 tạo thế và lực cho cuộc tấn công giải phóng quê hương Hàm Thuận khi điều kiện chín muồi đến.

Ngay từ cuối năm 1974, Khu ủy Khu 6 mở hội nghị xây dựng kế hoạch mùa khô năm 1975 chia làm 2 đợt cho chiến trường Nam Bình Thuận: Đợt 1 từ tháng 12/1974 – 02/1975; đợt 2 từ tháng 3 - 4/1975. Trong đó Hàm Thuận phải giải phóng 20 ấp với 27.000 dân..

Thực hiện chủ trương này, Tỉnh thành lập “Ban chỉ huy chiến dịch tấn công và nổi dậy Nam Bình” gồm các đồng chí: Nguyễn Quý Đôn - Bí thư Tỉnh ủy phụ trách chung; Võ Ngọc Đài, Nguyễn Minh Quyết - Phụ trách quân sự; Nguyễn Nhẫn - Phụ trách huyện Hàm Thuận; Đặng Văn Hải - Phụ trách huyện Thuận Nam... Hàm Thuận chọn 3 xã: Hàm Liêm, Hàm Thắng, Hàm Chính với 7 khu ấp, 11.000 dân, làm khu vực trọng điểm để chuyển mở phong trào.

Đêm 09/12/1974, Tiểu đoàn 482 tập kích đồn Bình Lâm, Đại đội 3/430 trụ tại ấp đánh địch phản kích; du kích xã vây ép, bắn tỉa cụm lô cốt 12. Đồng thời D482 dùng cối tập kích Chi khu Thiện Giáo. Cũng trong đêm đó, C5 Đặc công tỉnh tập kích Tân An diệt 1 đoàn bình định, 1 trung đội phòng vệ dân sự. Ngày 13/12, các lực lượng trên phối hợp diệt đồn Bình Lâm, giải phóng ấp Bình Lâm. Từ ngày 14 đến 20/12, ta diệt tiếp cụm lô cốt Thắng Thuận, phân chi khu An Phú ...

Để chống đỡ ta, ngày 29/12/1974, địch huy động 7 tiểu đoàn càn lên, hòng đẩy ta ra khỏi Tam Giác. Đầu năm 1975, địch điều các tiểu đoàn bảo an: 202, 229, 212, 248 vào Tam Giác. Tổng số ngụy quân, ngụy quyền trong huyện là 7.258 tên. Địch dùng trực thăng liên tiếp đổ quân giải toả các khu vực như: Hàm Thạnh, Hàm Phú, Hàm Trí, Hồng Liêm … Nhưng lực lượng ta đã chặn đánh, bẻ gãy hầu hết các mũi tiến công, tiêu diệt một bộ phận sinh lực, buộc địch phải rút lui.

Dù địch ra sức củng cố, nhưng âm vang của những thắng lợi ở khắp miền Nam cùng sức tấn công của ta, lực lượng tề lo sợ, tiếp tục lưu vong, lơ là canh gác, lục xét. Nhiều tên ở Ma Lâm, Tân An, Thắng Thuận…làm tờ đầu thú với cách mạng.

Trong đợt 1, ta đánh 123 trận, địch thiệt hại nặng 4 phân chi khu, cắt phá làm gián đoạn giao thông; phá rã một nửa lực lượng phòng vệ dân sự, phá tan ấp Bình Lâm, giải phóng 1.600 dân; hệ thống kèm xã bị lỏng rã trên diện rộng. Thế địch đang trên đà suy yếu rõ nét nhưng vẫn còn đông, ngoan cố, nhất là bọn cầm đầu, ác ôn.

Qua đợt 2, Khu ủy và Quân khu 6 chỉ thị các lực lượng ta không trông chờ, ỷ lại quân chủ lực, phải nỗ lực khắc phục khó khăn, khẩn trương với mức cao nhất mạnh dạn xốc tới tiêu diệt địch, giải phóng địa phương mình.

Tháng 3/1975, Quân khu tăng cường Tiểu đoàn 200C xuống Hàm Thuận góp sức đánh phá các ấp trên Đường 8 và Quốc lộ 1A, đồng thời chuẩn bị để tiêu diệt Chi khu quận lỵ Thiện Giáo. Bộ chỉ huy tiền phương của Quân khu 6 tại Bình Thuận được thành lập gồm các đồng chí: Đỗ Phú Đáp, Nguyễn Quý Đôn, Phạm Hoài Chương, Võ Ngọc Đài, Lê Văn Nhựt.

Đêm 14 rạng 15/3, Tiểu đoàn 482 và các lực lượng của huyện vừa tấn công đồn Kim Bình vừa đánh ấp Kim Bình và vũ trang tuyên truyền; C3/430 đánh san bằng 2 lốc ở An Thuận (xã Lại An), một bộ phận khác của C3/430 đánh địch tại Ruộng Mun. Tối 15/3, ta dùng mìn DH.10 đánh tiếp 2 lốc Mương Cái và Cà Giang. Sau đó D482 và C3/430 phối hợp đánh tiêu hao 1 đại đội thuộc Tiểu đoàn 202 ở ấp Bình Lâm, thu 7 súng, 1 máy thông tin...

Đến giữa tháng 3 hầu hết đồn bót địch dọc Đường 8 và Quốc lộ 1A đều bị các lực lượng ta bao vây, khống chế. Đầu tháng 4/1975, tin chiến thắng Tây Nguyên, Miền Trung dội về và tàn quân địch từ Miền Trung theo hướng Quốc lộ 1A chạy vào cướp phá đốt chợ Phan Thiết, làm bọn địch ở đây càng hoang mang, dao động.

Như vậy, đến đầu tháng 4/1975, được sự lãnh, chỉ đạo của Khu ủy, Tỉnh ủy Bình Thuận và sự chi viện giúp sức của các lực lượng quân sự Quân khu 6, Tỉnh, Đảng bộ, quân và dân Hàm Thuận đã đánh địch liên tiếp trong 3 tháng, làm ngụy suy yếu, khủng hoảng. Đây là thời cơ ngàn năm có một để quân ta tiến đánh địch giải phóng quê hương, làm bàn đạp để giải phóng tỉnh lụy và cửa ngỏ Miền Đông.

(Lược trích Lịch sử Đảng bộ Huyện Hàm Thuận)


Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO