Theo yêu cầu bằng văn bản của Ban Thường vụ Huyện ủy, ngày 09/02/2017, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Kế hoạch của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIII) về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2025 và dự thảo Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện Chương trình hành động số 07-NQ/TU, ngày 25/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 05-KL/TW, ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Ngày 31/3/2017, Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Kế hoạch của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới đến năm 2025.
Đây là lần đầu tiên tổ chức hội nghị phản biện dự thảo văn bản của cấp ủy, nhưng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện đã bám theo quy trình nêu trong Quy định về hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội huyện ban hành kèm theo Quyết định số 107-QĐ/HU, ngày 11/5/2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy nên cơ bản đạt được yêu cầu đề ra.
Tuy nhiên, để hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội trong huyện đi vào chiều sâu và đạt được hiệu quả theo đúng mục đích, yêu cầu nêu trong Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, các tổ chức là chủ thể phản biện cần quan tâm thực hiện tốt những việc sau: Thứ nhất, sau khi tiếp nhận văn bản yêu cầu phản biện của cấp ủy, chính quyền và dự thảo văn bản cần phản biện; chủ thể phản biện phải tiến hành xây dựng kế hoạch cụ thể để tiến hành, trong đó phải nêu rõ mục đích, yêu cầu phản biện, thành phần tham gia phản biện, tài liệu gửi kèm văn bản dự thảo cần phản biện để nghiên cứu tham gia ý kiến, thời gian, địa điểm, cách thức tiến hành. Thứ hai, tập hợp ý kiến tham gia của từng thành viên, sau đó tổng hợp thành các nhóm ý kiến như: Nhóm ý kiến đồng thuận; nhóm ý kiến kiến nghị bổ sung những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng; nhóm ý kiến có chính kiến khác (lưu ý nêu rõ căn cứ của từng nhóm ý kiến). Thứ ba, tổ chức Hội nghị phản biện (mời đại diện lãnh đạo tổ chức có văn bản yêu cầu phản biện dự) theo trình tự sau: Thông qua báo cáo tổng hợp các nhóm ý kiến đã tham gia, tiến hành thảo luận, tranh luận, đưa ra các căn cứ minh chứng cho những vấn đề mới được nêu tại hội nghị; Mời đại diện lãnh đạo tổ chức yêu cầu phản biện tham dự hội nghị trả lời những vấn đề chưa rõ; Chủ trì hội nghị tổng hợp những ý kiến tham gia tại hội nghị và thống nhất từng nhóm ý kiến. Thứ tư, chủ thể phản biện tiến hành hoàn thiện biên bản hội nghị phản biện (chú ý nêu đầy đủ, trung thực những ý kiến đã được thống nhất tại hội nghị phản biện), ký tên, đóng dấu gửi cho tổ chức có văn bản yêu cầu phản biện theo thời gian quy định.
Những việc trên nếu được tổ chức chủ trì phản biện thực hiện đầy đủ thì hội nghị phản biện sẽ thu hút được nhiều ý kiến tham gia và có chất lượng hơn./.