Ghi nhận qua thực hiện giám sát, phản biện xã hội ở huyện Hàm Thuận Bắc

Sau gần 03 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217- QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khoá XI) về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội và Quyết định số 218- QĐ/TW, ngày 12/12/2013 ban hành Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (sau đây gọi tắt là Quyết định số 217 và 218) trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, ghi nhận một số kết quả sau đây: 

Ban Thường vụ Huyện ủy đã có sự quan tâm đặc biệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện; đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; trong đó nổi bật là đã ban hành quyết định số 107-QĐ/HU, ngày 11/5/2016 về quy trình hoạt động phản biện của Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội huyện; chỉ đạo Ban Dân vận Huyện uỷ ban hành Hướng dẫn số 02, ngày 05/01/2015 về quy trình tổ chức giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội. Đây là 02 văn bản quan trọng làm cơ sở thực hiện trên địa bàn toàn huyện. Đồng thời, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, quán triệt Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị (tỷ lệ quán triệt trong cán bộ, đảng viên đạt trên 96%, quán triệt tập trung đoàn viên, hội viên đạt trên 76%) nên cấp uỷ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn vai trò, ý nghĩa, mục đích của giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền từ đó xác định rõ trách nhiệm của mình trong tổ chức thực hiện.

Để đảm bảo cho việc giám sát, phản biện mang lại hiệu quả thiết thực, Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc phối hợp làm tốt công tác điều phối và định hướng nội dung cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội huyện trong việc xác định nội dung, đối tượng giám sát, phản biện; chỉ đạo cấp uỷ cơ sở định hướng được nội dung giám sát, phản biện cho Mặt trận các đoàn thể chính trị-xã hội cơ sở đảm bảo không chồng chéo, không làm trở ngại các hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát. Trên cơ sở nội dung được cấp uỷ phê duyệt, Mặt trận, các đoàn thể chính trị -xã hội các cấp tiến hành quy trình giám sát, phản biện theo hướng dẫn; quá trình thực hiện khi gặp khó khăn, vướng mắc đều được cấp uỷ chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết kịp thời nên tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong hệ thống chính trị và nhân dân.

Qua 03 năm triển khai thực hiện, Mặt trận đoàn thể chính trị- xã hội các cấp trong huyện đã tổ chức được gần 200 cuộc giám sát; riêng năm 2016 đã có 91 cuộc giám sát được thực hiện (cấp huyện 06, cấp xã, thị trấn 85) nhiều xã, thị trấn làm tốt công tác này như: Thuận Hoà, Thuận Minh, Hàm Trí, Hàm Đức, Hàm Liêm và thị trấn Phú Long, Ma Lâm. Qua giám sát Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia giám sát với cơ chế là “theo dõi, phát hiện, kiến nghị”. Với mục đích xuyên suốt là: Giúp cho cá nhân, tổ chức nâng cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quy định ở khu dân cư; phát hiện những nhân tố mới, khuyến khích mặt tích cực, kiến nghị biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt. Giúp cho cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp và tổ chức đóng trên địa bàn nắm chắc hơn tình hình cán bộ, công chức, đảng viên thuộc diện mình quản lý về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, quan hệ với dân, trên cơ sở đó có hướng bồi dưỡng, sử dụng cán bộ tốt hơn; phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, quan liêu xa dân, thiếu trách nhiệm với dân; kịp thời giáo dục, xử lý những cán bộ, công chức, đảng viên có sai phạm, góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức. Cũng thông qua giám sát, nâng cao vai trò và trách nhiệm của Mặt trận, các tổ chức thành viên và nhân dân trong việc tham gia quản lý xã hội, góp phần chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền các cấp trong huyện trong sạch, vững mạnh, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đối với việc tổ chức cho nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cũng được triển khai nghiêm túc và đạt kết quả bước đầu, nhất là việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với nhân dân theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 11-HD/TU, ngày 09/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Trước hết, đầu năm 2015 Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp tổ chức cho đồng chí Bí thư Huyện uỷ và Chủ tịch UBND huyện đối thoại trực tiếp với nhân dân tại xã Hàm Liêm có tính chất làm mẫu, mời Bí thư, Chủ tịch của 17/17 xã, thị trấn trong huyện dự để rút kinh nghiệm, làm theo. Năm 2016, tiếp tục chọn xã Hồng Liêm để Chủ tịch UBND huyện đối thoại và thị trấn Phú Long để Bí thư Huyện uỷ đối thoại với nhân dân; đến nay 17/17 xã, thị trấn đã tiến hành xong việc tổ chức cho người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền đối thoại với nhân dân theo quy định. Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, thị trấn phải thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân, rà soát bố trí địa điểm tiếp công dân và đặt “hòm thư góp ý” tại trụ sở làm việc, những nơi thuận tiện để nhân dân góp ý, 17/17 xã, thị trấn và 100% cơ quan, đơn vị huyện đều đặt hòm thư góp ý, xây dựng quy định, phân công cán bộ quản lý hòm thư và bố trí địa điểm tiếp công dân đảm bảo yêu cầu. Định kỳ hàng năm, trước khi kiểm điểm, phân loại đảng viên, tổ chức cơ sở đảng, cấp uỷ cơ sở tổ chức lấy ý kiến nhận xét của chi bộ đối với đảng viên tại nơi cư trú theo Quy định; duy trì nghiêm túc việc góp ý, lấy ý kiến nhân dân đối với các dự thảo văn bản Luật và các văn bản của các cơ quan Đảng, Nhà nước khi có yêu cầu.

Tuy vậy, thực tiễn việc tổ chức hoạt động giám sát và phản biện của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội huyện hiện nay vẫn còn không ít khó khăn, lúng túng. Một số đoàn thể chưa xây dựng chuyên sâu các nội dung cần thực hiện giám sát, phản biện. Một số cấp uỷ không nắm chắc Quy định nên việc chỉ đạo triển khai công tác giám sát, phản biện khó khăn, lúng túng, thực hiện giám sát không đúng quy trình; việc triển khai kế hoạch giám sát, phản biện đã được cấp ủy phê duyệt còn chậm, thực hiện không đầy đủ chương trình được phê duyệt; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị- xã hội chưa nắm vững quy định, quy trình của hoạt động phản biện xã hội nên việc triển khai thực hiện khó khăn. Việc theo dõi, đôn đốc khắc phục những kiến nghị qua giám sát chưa được thực hiện nghiêm túc.

Thiết nghĩ, để công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn huyện có hiệu quả cần phải thực hiện những vấn đề sau đây: Một là cấp uỷ phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phân công cụ thể. Trước hết phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và từng tổ chức trong hệ thống chính trị; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát và phản biện. Song, cũng cần phát huy trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Huyện uỷ trong việc điều phối, định hướng nội dung giám sát thiết thực, phù hợp điều kiện của cả chủ thể giám sát và đối tượng giám sát. Trong nội bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cũng phải phân công cụ thể, cấp huyện thực hiện nội dung gì, cấp cơ sở thực hiện nội dung gì; nội dung nào thì Mặt trận thực hiện, nội dung nào thì tổ chức thành viên của Mặt trận hoặc phối hợp thực hiện… Hai là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội phải chọn nội dung, đối tượng giám sát, phản biện phù hợp với khả năng, điều kiện của mình cũng như đối tượng giám sát, phản biện. Nên chọn những vấn đề phù hợp, thiết thực với đời sống, những vấn đề bức xúc mà nhân dân đang quan tâm để thực hiện; không nên chọn những vấn đề có nội dung quá rộng hoặc vượt quá khả năng để giám sát, phản biện. Ba là, Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội phải xây dựng cho mình một đội ngũ cán bộ giám sát và phản biện xã hội đủ sức hoàn thành nhiệm vụ. Đội ngũ này phải có bản lĩnh, có trình độ chuyên môn và kỹ năng thực hiện, dám nói và dám chịu trách nhiệm. Tránh chọn những người tham gia giám sát và phản biện xã hội mà bản lĩnh non kém, kiến thức chuyên môn hạn chế, phẩm chất đạo đức lại có vấn đề hoặc cử cán bộ giám sát, phản biện theo kiểu “chọn mặt gửi vàng” thì đôi khi lại thỏa hiệp, hợp thức hóa cho những sai trái, tiêu cực. Bốn là, Cấp uỷ cơ sở phải lãnh đạo phát huy vai trò giám sát của Ban giám sát cộng đồng, Ban thanh tra nhân dân, những người có uy tín, có kinh nghiệm, có tri thức am hiểu vấn đề tham gia giám sát và phản biện xã hội ngay tại cơ sở. Khi cần thiết phải đề nghị tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức kỹ năng về giám sát và phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ làm công tác này. Năm là, trong điều kiện hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội khó có thể tìm được kinh phí để tổ chức hoạt động giám sát, phản biện hiệu quả, vì vậy cần phải có sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước; cần dành phần kinh phí thoả đáng để biểu dương, khích lệ những tổ chức, cá nhân làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội; đồng thời có cơ chế bảo vệ những người trung thực, thẳng thắn trong đấu tranh giám sát và phản biện xã hội, thấy đúng thì phát huy, thấy sai thì kịp thời sửa chữa.

Tóm lại, Giám sát và phản biện xã hội là trọng trách của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội đối với đất nước, với dân, với Đảng. Đảng vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, Cấp uỷ Đảng các cấp cần tạo mọi điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình: đưa giám sát và phản biện xã hội vào cuộc sống, trở thành nếp sinh hoạt thường xuyên ở mọi nơi, mọi lúc. Chỉ có dân thông qua Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội thực hiện tốt việc giám sát và phản biện xã hội mới có thể giúp Đảng và Nhà nước chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả./.


Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO