Hàm Thuận Bắc phát huy hiệu quả thực hiện Đề án xây dựng phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng

Là huyện nông nghiệp, Hàm Thuận Bắc hiện có 82 hạng mục công trình thủy lợi, gồm 1 hồ chứa có trữ lượng lớn nhất tỉnh, 7 hồ chứa nhỏ, 41 đập dâng, cống điều tiết và 33 ao, bàu có năng lực thiết kế tưới 14.850 ha. Cùng với 5 tuyến kênh nối mạng đã nâng chiều dài kênh mương toàn huyện lên trên 1.485km. Tuy nhiên, năng lực tưới trên thực tế tại thời điểm năm 2013 chỉ là 12.578 ha; trong đó, nguyên nhân chính là do có gần 1.040 km kênh mương nội đồng bị bồi lắng, một số bị sạt lở, hư hỏng không đảm bảo việc lưu dẫn nước.

Huy động đoàn viên nạo vét kênh mương nội đồng.

Trước thực trạng trên, căn cứ Đề án số 2447a, ngày 30/10/2013 của UBND huyện và Thông báo số 504, ngày 09/12/2013 của Ban thường vụ Huyện ủy Hàm Thuận Bắc về xây dựng, phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng giai đoạn 2013-2015, phương hướng đến năm 2020, đặc biệt để phát động sâu rộng phong trào thi đua làm thủy lợi nội đồng trong nhân dân nhằm đưa nguồn nước tưới đến các cánh đồng, đầu năm 2014, huyện Hàm Thuận Bắc đã triển khai Đề án xây dựng, phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng. Mục tiêu của Đề án là chuyển giao các công trình thủy lợi nội đồng có qui mô nhỏ cho các xã, thị trấn quản lí (thông qua các tổ chức dùng nước), đồng thời thực hiện mô hình quản lí có sự tham gia của người dân để quản lí, vận hành, khai thác các công trình thủy lợi  nội đồng đạt hiệu quả cao.

Theo đó, Đề án tập trung vào 4 nội dung là làm mới, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, nạo vét, phát dọn  kênh tưới tiêu, thoát lũ ở các địa phương; và thành lập củng cố các tổ chức dùng nước để quản lí, vận hành, khai thác số kênh mương nội đồng được chuyển giao. Trong đó, các nội dung làm mới, kiên cố hóa và nạo vét kênh mương nội đồng chủ yếu dựa vào huy động sức dân là chính, ngoài ra còn tranh thủ  sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện theo qui chế dân chủ ở cơ sở.  Riêng nội dung kiên cố hóa kênh mương nội đồng được thực hiện  với phương châm “Dân làm, Nhà nước hỗ trợ” theo chủ trương của UBND tỉnh.

Sau gần 3 năm triển khai (2014-2016), các địa phương trong huyện đã huy động hơn 12,7 tỷ đồng để đầu tư thực hiện các công trình thủy lợi nội đồng. Cụ thể là làm mới hơn 17,6 km kênh mương với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 1,1 tỷ đồng; kiên cố hóa gần 6 km kênh mương với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng, trong đó sức dân đóng góp  hơn 1,5 tỷ đồng; phát động ra quân nạo vét, khơi thông trên 2.200 km mương nội đồng với tổng giá trị ước tính gần 4 tỷ đồng, trong đó nhân dân góp công trị giá hơn 3,9 tỷ đồng; đồng thời tiến hành xây dựng, nâng cấp 14 công trình thủy lợi khác với tổng kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng.

Riêng ở hạng mục làm mới, ngoài việc đóng góp tiền và ngày công, nhân dân trong huyện còn hiến 1,6 ha đất để thực hiện các công trình thủy lợi nhỏ ở địa phương. Các tuyến mương xây mới đã góp phần mang dòng nước mát tưới thêm 475 ha lúa trong vùng khô hạn của người dân.

Điểm nổi lên trong quá trình thực hiện Đề án thủy lợi nội đồng ở huyện Hàm Thuận Bắc trong gần 3 năm qua là Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận đã chuyển giao hơn 571 km kênh mương thủy lợi nội đồng cho UBND các xã, thị trấn quản lí. Song song với đó, UBND huyện đã ban hành quyết định hướng dẫn quy chế tạm thời về hoạt động của các Tổ hợp tác dùng nước để các xã, thị trấn thành lập, kiện toàn, đi vào hoạt động nền nếp. Đến nay, các địa phương đã tiến hành thành lập, sắp xếp lại được 45 Tổ hợp tác dùng nước và các tổ chức này đã tham gia quản lí, vận hành, khai thác các công trình thủy lợi nội đồng đạt hiệu quả cao.

Việc chuyển giao hệ thống kênh mương nội đồng cho các xã, thị trấn và các tổ chức dùng nước quản lí đã tạo được tính chủ động, đồng thời phát huy được sự tham gia đóng góp mạnh mẽ từ nhân dân như ra quân nạo vét, phát dọn, khơi thông các tuyến kênh tưới, tiêu thoát lũ và sông suối tự nhiên. Cùng với việc làm mới, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi nội đồng đã góp phần nâng cao năng lực tưới, khai thác tốt các công trình thủy lợi, khắc phục tình trạng thiếu nước cục bộ, đảm bảo cung cấp nước tưới kịp thời cho các xứ đồng, thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương./.


Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO