Hàm Thuận Bắc: Những thành tựu nổi bật qua 40 năm xây dựng và phát triển

  • HN
  • /
  • 17.3.2023 - 13:43

Huyện Hàm Thuận Bắc nằm ở trung tâm của tỉnh Bình Thuận, được chính thức thành lập từ tháng 6/1983 trên cơ sở chia tách từ huyện Hàm Thuận thành 02 huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam theo Quyết định số 204/HĐBT, Ngày 30/12/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Từ khi thành lập, huyện Hàm Thuận Bắc là một trong những huyện rất khó khăn của tỉnh, nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực khắc phục khó khăn của cán bộ và Nhân dân nên huyện Hàm Thuận Bắc đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Công trình thủy lợi Hồ Sông Quao

Kinh tế huyện nhà ngày càng phát triển, cơ cấu cây trồng được chuyển đổi theo nhu cầu thị trường, đã phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái, cây công nghiệp. Nhất là từ năm 2006, huyện đã có chủ trương chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây thanh long nên diện tích cây thanh cây thanh long được phát triển mạnh mẽ, trở thành cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; ở các xã vùng cao, diện tích cây sầu riêng, cà phê, cao su… ngày càng phát triển. Xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ kinh tế, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Nhờ kinh tế huyện nhà phát triển, nên công tác thu ngân sách nhà nước hàng năm của huyện luôn đạt và vượt dự toán tỉnh giao, bình quân thu ngân sách nhà nước hàng năm đạt khoảng 400 tỷ đồng.

Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư và nâng cấp, đặc biệt là Đảng bộ, chính quyền huyện rất quan tâm phát triển thủy lợi và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu giúp huyện phát triển kinh tế. Quan tâm kiến nghị tỉnh đầu tư các công trình thủy lợi lớn như Hồ Sông Quao, Kênh 812- Châu Tá....; vừa làm tốt công tác huy động sức dân để tu bổ, nâng cấp các hồ, đập, hệ thống kênh mương... Nhờ đó, đã đưa diện tích gieo trồng được tưới chủ động lên 99%, đưa tổng sản lượng lương thực từ 35.000 tấn (năm 1983) lên 164.000 tấn (năm 2022); tạo nền tảng vững chắc cho huyện nhà phát triển đi lên. Hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng, nhất là đẩy mạnh phong trào làm giao thông nông thôn theo phương thức “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” và trong 5 năm (2016-2020), đã huy động trên 200 tỷ đồng, đầu tư xây dựng mới 661 tuyến với trên 223 km đường bê tông xi măng; đến nay, 100% xã có đường giao thông được nhựa hóa đến trung tâm xã. Khi thành lập, toàn huyện có hơn 70% số trường học là tranh tre, dột nát hoặc tạm bợ thì đến nay 100% xã, thị trấn có đầy đủ các cấp học, 100% trường học được kiên cố hóa với đầy đủ trang thiết bị dạy và học. Hệ thống y tế được phủ kín từ huyện đến cơ sở, Trung tâm Y tế huyện và 100% trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực được đầu tư xây dựng mới, góp phần giữ chuẩn y tế quốc gia ở 17 xã, thị trấn. Huyện quan tâm đầu tư xây dựng mới Nhà văn hóa huyện, Nhà truyền thống huyện, Nhà Thiếu nhi huyện, Nhà bia ghi tên liệt sĩ huyện, 15 Đài tưởng niệm liệt sĩ, Bia ghi danh liệt sĩ, Bia chiến thắng…; 17/17 xã, thị trấn và 86/86 thôn, khu phố đều có Nhà văn hóa; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, Internet... Nhờ đó, bộ mặt đô thị, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi, khởi sắc so với trước; toàn huyện đã có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 thị trấn giữ chuẩn đô thị văn minh.

Văn hóa -xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục được từng bước được nâng lên; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên bảo đảm số lượng, chuẩn hóa; quy mô trường học từng bước thực hiện lộ trình sắp xếp tinh giản, hiệu lực, hiệu quả và đến nay có 32/72 trường đạt chuẩn quốc gia. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên; từ một huyện nghèo đói, qua 40 năm triển khai tích cực, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đến nay không còn tình trạng hộ dân thiếu ăn trong thời kỳ giáp hạt, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 14,88% năm 2001 đến năm 2022 giảm xuống còn 4,44% và hộ cận nghèo còn 4,74%; thu nhập bình quân đầu người từ 30,2 triệu đồng (năm 2015) nâng lên 48 triệu đồng (năm 2022). Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân có nhiều tiến bộ; các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực đều bố trí bác sĩ; các chương trình y tế quốc gia, y tế dự phòng, công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai đồng bộ. Hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục - thể thao ngày càng phát triển hướng mạnh về cơ sở; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai rộng khắp, chất lượng từng bước được nâng lên. Chính sách người có công với cách mạng được quan tâm thực hiện; toàn huyện có 3.216 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng; 12 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống và hơn 200 cha, mẹ liệt sĩ già yếu, neo đơn… đã được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời; từ năm 1996 đến nay huyện đã hỗ trợ xây mới 351 nhà ở và sửa chữa 1.973 nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng với tổng kinh phí trên 30,7 tỷ đồng.

Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn, ngày càng vững mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII, khóa XIII), gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Năm 1983, Đảng bộ huyện có 35 chi, đảng bộ cơ sở với 815 đảng viên thì đến nay có 37 chi, đảng bộ, 249 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với 4.442 đảng viên. Trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên cả về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp trong huyện tiếp tục được nâng lên; tập trung chấn chỉnh, khắc phục những sai phạm, khuyết điểm, nhất là trên lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường. Vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp trong quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương và hoạt động giám sát được phát huy tốt hơn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Xây dựng lực lượng vũ trang huyện lớn mạnh, thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương, giữ vững an ninh trật tự. Lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện ra sức thi đua, tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lực lượng vũ trang huyện không ngừng lớn mạnh, cùng với lực lượng công an góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng, phát triển huyện nhà trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển và mong muốn, kỳ vọng của Nhân dân. Đó là chưa phát huy tốt tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế huyện nhà nhanh, bền vững; năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng nhiều loại cây trồng còn thấp; giá cả và đầu ra sản phẩm nông nghiệp bấp bênh. Phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch còn khó khăn, chưa tạo được nền tảng thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực thiếu chặt chẽ và việc giải quyết các vụ việc tồn đọng về đất đai còn chậm. Đời sống của một bộ phận Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thực trạng Hàm Thuận Bắc vẫn là huyện nghèo, chậm phát triển.

Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, trong đó dồn sức thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tập trung củng cố, nâng chất lượng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; (2) Dồn sức xây dựng nông thôn mới ở các xã còn lại, gắn với giữ chuẩn và nâng chất lượng nông thôn mới, đô thị văn minh đã được công nhận; thu hẹp khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các vùng khác trong huyện; (3) Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng thực chất, hiệu quả đi đôi với thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, nhằm tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng tích cực; (4) Giải quyết tốt các vấn đề bức xúc về xã hội; quan tâm chăm lo xây dựng môi trường văn hóa, tạo thuận lợi để mọi cá nhân có điều kiện phát triển toàn diện; (5) Tăng cường công tác quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhằm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.

Trước mắt, tập trung vào 03 khâu đột phá: (1) Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, hạn chế thấp nhất hồ sơ trễ hẹn của công dân, nhất là trên lĩnh vực đất đai; (2) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ của hệ thống kết cầu hạ tầng, ưu tiên đầu tư ở những vùng còn nhiều khó khăn; (3) Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành ngang tầm nhiệm vụ; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.

Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Bắc được đầu tư xây mới

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc quyết tâm đoàn kết, phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng và quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống của huyện Hàm Thuận anh hùng.


  • HN
  • |
  • 919
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO