Năm 2022, tình hình kinh tế xã hội của huyện Hàm Thuận Bắc gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện, sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội, NHCSXH huyện đã triển khai thực hiện tốt tín dụng ưu đãi giúp các hộ gia đình kịp thời khắc phục sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh - chính trị, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Tổng nguồn vốn thực hiện đến ngày 31/12/2022 đạt 430,8 tỷ đồng, tăng 74 tỷ đồng so với đầu năm. Kết quả thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 430,8 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm. Hơn 4.920 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt 162 tỷ đồng. Trong đó có 1.116 hộ vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, chăn nuôi trồng trọt; tạo điều kiện cho 07 hộ có thu nhập thấp, công chức xây dựng nhà để ở; thu hút, tạo việc làm ổn định cho 798 lao động; giúp 528 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng 2.646 công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn... Thường xuyên tổ chức tuyên truyền chủ trương, các chính sách tín dụng liên quan Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022, Nghị định số 28 ngày 26/04/2022 của Chính phủ đến các đối tượng thụ hưởng. Chất lượng giao dịch của NHCSXH tại các xã, thị trấn ngày một nâng cao, các phiên giao dịch được tổ chức hiệu quả, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ nhân dân tại địa bàn. Công tác kiểm tra giám sát được thành viên Ban đại diện và các hội đoàn thể nhận ủy thác quan tâm thực hiện.
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tích cực phối hợp cơ quan truyền thông, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở, Cổng Thông tin điện tử huyện, tại các Điểm giao dịch xã về chính sách tín dụng ưu đãi và các quy định của pháp luật, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của người vay trong việc sử dụng vốn đúng mục đích, thực hiện nghĩa vụ trả nợ, trả lãi đầy đủ, đúng hạn.
Bên cạnh đánh giá công tác hoạt động năm 2022, hội nghị cũng đã thảo luận đưa ra kiến nghị đề xuất như: Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác tín dụng chính sách xã hội. Phát huy tính hiệu quả của các ngành Công an, Tòa án, Thi hành án, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trong việc phối hợp xử lý thu hồi nợ quá hạn. Kiểm soát, theo dõi một số trường hợp hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú. Nâng cao vai trò trách nhiệm của hội đoàn thể cấp xã. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV…
Kết luận hội nghị, đồng chí Ung Văn Tám – Phó Bí thư thường trực Huyện ủy đã đánh giá cao kết quả hoạt động năm 2022 của phòng giao dịch NHCSXH huyện. Tuy chất lượng tín dụng đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa ổn định, chưa đồng đều ở một số xã; chất lượng hoạt động Tổ TK&VV còn hạn chế; hoạt động ủy thác tại một số tổ chức chính trị - xã hội cấp xã có chuyển biến nhưng hoạt động còn chậm, hiệu quả chưa cao. Đồng chí đề nghị trong năm 2023:
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Kế hoạch số 41-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 46-KH/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Tiếp tục thực hiện nghiêm chế độ Thường trực cấp ủy và lãnh đạo UBND các xã, thị trấn duy trì làm việc với NHCSXH huyện 01 quý/lần.
Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện. Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn-thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện trong chỉ đạo thực hiện công tác tín dụng chính sách xã hội ở địa phương mình
Phòng giao dịch NHCSXH huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành, các hội đoàn thể, đảm bảo sử dụng nguồn vốn cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, dân chủ công khai trong việc bình xét đối tượng vay vốn. Tích cực xử lý nợ quá hạn, nợ đến hạn, thường xuyên phối hợp kiểm tra, củng cố, kiện toàn các Tổ TK&VV, đồng thời quản lý nguồn vốn và phục vụ tốt hơn nữa cho nhân dân trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ, của Tỉnh, của huyện về tín dụng chính sách xã hội cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn.