Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 25 của Trung ương và Chương trình hành động số 18 của Tỉnh ủy trên địa bàn Hàm Thuận Bắc cho thấy cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc nên đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội đối với công tác thanh niên. Tình hình thanh niên và công tác đoàn thanh niên trong huyện có nhiều chuyển biến tiến bộ; vai trò thanh niên trong quá trình thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở địa phương được phát huy; tính năng động, sáng tạo, xung kích, tình nguyện của thanh niên được cộng đồng ghi nhận, nhất là trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Tổ chức đoàn các cấp trong huyện thực hiện việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động ngày càng có hiệu quả; các hoạt động của đoàn thanh niên đa dạng, phong phú, gắn kết chặt chẽ với quá trình thực hiện các chương trình kinh tế- xã hội, công trình, phần việc, chăm lo thiết thực lợi ích, nhu cầu chính đáng của thanh niên và đời sống cộng đồng, nên tạo được sự đồng tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân và thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia. Công tác xây dựng tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam có chuyển biến tích cực, số thanh niên được tập hợp vào tổ chức đoàn, hội ngày càng nhiều; chất lượng đoàn viên ngày càng tăng lên; cơ sở đoàn đạt loại khá, vững mạnh hàng năm được giữ vững và tăng thêm.
Tuy nhiên so với yêu cầu vẫn còn những hạn chế nổi lên đó là: Một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện, hoạt động của tổ chức đoàn thanh niên ở một số nơi có tính chất cầm chừng; công tác phối hợp để phát huy vai trò của thanh niên chưa được chú ý thường xuyên; việc tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của thanh niên còn hạn chế; giải quyết các vấn đề bức xúc nổi lên trong thanh niên như việc làm, đời sống, đào tạo nghề, nâng cao trình độ các mặt, sức khoẻ, thể lực còn nhiều khó khăn, lúng túng; chất lượng, hiệu quả một số phong trào, mô hình hoạt động thiếu chiều sâu, không bền vững; chất lượng cơ sở đoàn, cán bộ, đoàn viên ở khu vực nông thôn chậm được nâng lên, chưa tạo được sự chuyển biến đồng bộ trong các phong trào, trong các đối tượng thanh niên, đặc biệt là ở vùng đồng bào có đạo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên tỷ lệ thu hút thanh niên trong nhiều hoạt động không cao.
Trong quá trình thực hiện, đã rút ra bài học kinh nghiệm như sau: Các cấp ủy Đảng phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và định hướng nội dung hoạt động cụ thể cho thanh niên trong từng thời gian; hằng năm phải sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để chỉ đạo tiếp theo. Chính quyền, Mặt trận các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp phải phối hợp chặt chẽ với đoàn thanh niên trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến thanh niên; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành những chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên để phát huy tốt vai trò của thanh niên trong quá trình tham gia phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Phát huy tốt vai trò chủ động của tổ chức đoàn các cấp trong công tác tham mưu và tổ chức các hoạt động phong trào vì lợi ích thiết thực của thanh niên; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức đoàn thanh niên tổ chức nhiều hoạt động xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng./.