Qua 12 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 59 của Bộ Chính trị, các cấp uỷ đã có sự quan tâm củng cố và nâng chất lượng hoạt động của Hội Nông dân. Tổ chức và cán bộ hội được sắp xếp, bố trí phù hợp, gắn với đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt, đã từng bước nâng chất lượng hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Trong quá trình chỉ đạo, thường xuyên làm việc với Hội Nông dân để định hướng công tác Hội và giải quyết các vấn đề phát sinh.
Chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể luôn tạo điều kiện bảo đảm hoạt động của Hội Nông dân và phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong hầu hết các tổ chức có liên quan đến nông dân đều có thành viên của Hội Nông dân; khuyến khích các tổ chức Hội tham gia góp ý, xây dựng các chương trình, kế hoạch của địa phương về phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn. Các vấn đề khác của địa phương như an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nông dân...Hội Nông dân đều được mời tham gia giải quyết và giám sát thực hiện.
Đối với Hội nông dân, đã có nhiều cố gắng vươn lên, từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng bám sát cơ sở, chăm lo lợi ích chính đáng của nông dân, qua đó phát động phong trào. Nổi bật là phong trào nông dân sản xuất và kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình và những năm gần đây là phong trào “ Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, đã góp phần tích cực phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nông dân và xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc.
Có thể nói, qua thực hiện Chỉ thị 59 của Bộ Chính trị, tổ chức và hoạt động của Hội nông dân các cấp trong huyện có nhiều chuyển biến tiến bộ, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị ở địa phương; ngày càng thể hiện là người bạn tin cậy và thân thiết của nông dân.
Phát huy những kết quả đạt được, để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 59-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa VIII) đã xác định các cấp ủy tăng cường lãnh đạo củng cố tổ chức bộ máy của Hội vững mạnh theo hướng chuẩn hóa, chú trọng lãnh đạo xây dựng cơ sở Hội vững mạnh, xây dựng chi Hội thật sự là đơn vị hành động ở cơ sở, tập hợp, thu hút đông đảo lao động nông nghiệp vào Hội, đi đôi với việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ Chính trị của địa phương. Bố trí cấp ủy viên giữ chức vụ chủ chốt của Hội Nông dân các cấp, cần lựa chọn những cán bộ chủ chốt của Hội Nông dân có năng lực, uy tín để quy hoạch, giới thiệu vào Ban chấp hành Đảng.
Các cấp Chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể tăng cường phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp, bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho Hội nông dân hoạt động, tham gia các hoạt động quản lý Nhà nước, giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; duy trì và phát triển mạnh mẽ các phong trào hành động cách mạng ở địa phương; góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển; nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng nông thôn mới.
Hội nông dân các cấp phải tự lực vươn lên, phát huy vai trò nồng cốt trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, chăm lo lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân. Chú ý đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát động mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa về sản xuất và đời sống nông dân. Ngày càng nâng cao vị thế trong xã hội và trở thành người bạn đồng hành thân thiết với nông dân./.
Minh Thư