Nhìn lại việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn

  • /
  • 27.2.2013 - 9:10

Hàm Thuận Bắc là một huyện thuần nông. Từ khi có nguồn nước hồ thủy lợi Sông Quao đã tạo thế chủ động tưới tiêu cho hầu hết diện tích đất nông nghiệp của huyện, từ đó năng suất cây trồng tăng lên hằng năm, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Trong những năm gần đây, xu hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi diễn ra khá nhanh, lao động từ nông thôn chuyển sang làm việc trong các khu công nghiệp, thương mại trong và ngoài huyện ngày càng nhiều. Hiện nay, lao động làm việc trong lĩnh vực nông lâm nghiệp của huyện chiếm phần lớn nhưng chủ yếu là chưa qua đào tạo nghề. Vì vậy việc đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định là một trong những nhiệm vụ được huyện đặc biệt quan tâm. Những năm qua, Trung tâm dạy nghề Hàm Thuận Bắc, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, tổ chức phong trào thi đua yêu nước, động viên cán bộ, viên chức đăng ký thi đua hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu kế hoạch của đơn vị.

Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng công tác đào tạo nghề ở Trung tâm đã đạt được một số kết quả. Đã tổ chức được 30 lớp học nghề cho 890 lao động nông thôn, trong đó có 27 lớp nghề nông nghiệp và 3 lớp nghề phi nông nghiệp gồm: Trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGap, trồng cây lương thực, kỹ thuật trồng nấm rơm, xây dựng dân dụng, dệt thổ cẩm, sửa chữa máy nông nghiệp, trong đó ưu tiên cho các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và có hoàn cảnh khó khăn. Trong tháng 12/2012 Trung tâm dạy nghề huyện đã đào tạo 2 lớp với 66 học viên về kỹ thuật nghề trồng cây lương thực cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đông Giang và Thuận Hòa theo Dự án đào tạo chất lượng cán bộ xã, thôn thuộc Chương trình 135 do Phòng Dân tộc huyện quản lý. Để đảm bảo triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề, Trung tâm dạy nghề đã tranh thủ sự hỗ trợ nguồn giáo viên từ các trường THPT, các cơ sở dạy nghề của tỉnh, các kỹ sư chuyên ngành khuyến nông, bảo vệ thực vật, nghệ nhân có tay nghề cao, cán bộ, giảng viên các Trạm kỹ thuật của huyện tham gia. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức đào tạo như: đào tạo lưu động tại các thôn, xã, hợp tác xã… nhằm giảm bớt chi phí và thời gian đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề. Chỉ tính riêng việc triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho Lao động nông thôn trên địa bàn huyện theo Quyết định số 1956/QĐ – TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng chính phủ, trong 3 năm 2010, 2011, 2012 Trung tâm dạy nghề đã và đang đào tạo 2542 lao động. Trong đó có 955 lao động thuộc đối tượng ưu tiên được hỗ trợ tiền ăn trong thời gian học nghề. Theo số liệu khảo sát sơ bộ mới đây với 1643 người học nghề xong đã có trên 95% lao động có việc làm ổn định bao gồm: Tự tạo việc làm, Doanh nghiệp tuyển dụng hoặc bao tiêu sản phẩm, thành lập tổ hợp tác sản xuất…

Hưởng ứng cuộc vận động Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới, năm qua Trung tâm dạy nghề huyện đã mở được 12 lớp nghề/354 học viên cho 3 xã Hàm Trí, Hàm Phú và Hồng Sơn, đồng thời ban hành 22 chương trình dạy nghề. Điều dễ nhận thấy là hầu hết lao động tại địa phương đều thích chọn những nghề như trồng trọt, chăm sóc cây trồng, dệt thổ cẩm, may mặc… vì thời gian học ngắn và có thể vận dụng ngay để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.

Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, năm 2013, Trung tâm dạy nghề Hàm Thuận Bắc sẽ tiếp tục nổ lực tìm kiếm những hướng đi thích hợp, có hiệu quả trong công tác dạy nghề, trong đó tập trung xác định những ngành nghề cần đào tạo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng nhằm tạo việc làm phù hợp và có thu nhập cải thiện cuộc sống ở nông thôn. Một mặt, Trung tâm sẽ phối hợp với các ban ngành, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt là tuyên truyền về chế độ, chính sách hỗ trợ học nghề cho người dân; tổ chức tư vấn; chọn nghề phù hợp với từng nhóm đối tượng có nhu cầu học nghề; tiếp tục phát triển mô hình dạy nghề lưu động, khuyến khích giáo viên đến tận thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số để mở các lớp dạy nghề và liên kết, phối hợp đào tạo các ngành nghề khác với nhiều trình độ. Mặt khác, tham mưu các cấp, các ngành tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung cán bộ giáo viên dạy nghề có trình độ cao trong chuyên môn, đảm bảo về chất lượng hoạt động nhằm phát huy hiệu quả cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề đã được đầu tư.

Trong giai đoạn 2012 – 2015, Trung tâm dạy nghề Hàm Thuận Bắc đã xây dựng các chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể, trong đó phấn đấu dạy nghề cho 4200 người, riêng năm 2013 là 800 người (160 sơ cấp nghề và 640 dạy nghề dưới 3 tháng), góp phần hoàn thành mục tiêu của huyện đặt ra là đến năm 2015 có 40% lao động qua đào tạo nghề và đến năm 2020 là 60%. Quan trọng hơn là đảm bảo có 80-85% số lao động sau khi học nghề có việc làm hoặc tự tạo việc làm để phát triển kinh tế gia đình, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống./.

Nguyễn Văn Lâm
Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện


  • |
  • 894
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO