Kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh (2/9/1945)

  • /
  • 28.8.2012 - 5:3

Như vẫn còn đây khí thế sục sôi những ngày tổng khởi nghĩa của cuộc Cách mạng tháng tám và âm vang tiếng nói thiêng liêng của Hồ Chủ Tịch trịnh trọng đọc tuyên ngôn độc lập, tự do và khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hòa chung khí thế tiến công của cuộc Cách mạng tháng tám, Đảng, Việt Minh và nhân dân Hàm Thuận đã cùng cả nước đứng lên giành lấy Chính quyền.

Từ những đảng viên Cộng sản đầu tiên ở Hàm Thuận được kết nạp năm 1931 như Nguyễn Tương, Nguyễn Gia Tú, Trần Hoành đến khi Việt Minh ở Hàm Thuận thành lập (năm 1943) đã lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công tại Hàm Thuận là một chặng đường dài gian khổ, và trưởng thành của Đảng và nhân dân Hàm Thuận.

Năm 1941, Nguyễn Tương, Phan Lợi, Trần Hoành, Nguyễn Gia Tú và nhiều đồng chí đảng viên cốt cán bị địch bắt tra tấn và lưu đày.

Cuối năm 1943, tổ chức Mặt trận Việt Minh từ Phan Thiết phát triển dần lên Hàm Thuận. Bằng cách giả dạng người mua bông, bán lụa, thợ may..., các ông Lưu Minh Kim, Lưu Minh Tâm (Ba Trò), Nguyễn Kim Bồng (Châu) lên Hàm Thuận tuyên truyền về Mặt trận Việt Minh, xây dựng cơ sở. Sau một thời gian hoạt động các ông đã móc nối được với một số cốt cán, hội viên cũ ở Hàm Thuận. Từ đó các nhóm Việt Minh phát triển nhanh chóng, tập hợp lại nhiều cơ sở quần chúng.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp (09-3-1945), các đồng chí đảng viên Cộng Sản của Hàm Thuận cùng những đồng chí khác thoát khỏi nhà tù về địa phương hoạt động. Tháng 4 năm 1945, đồng chí Nguyễn Gia Tú trở về Hàm Thuận đã  tìm cách móc nối, tập hợp lại cơ sở cũ để thành lập các tổ Việt Minh. Tiếp đó, các đồng chí Nguyễn Tương, Nguyễn Sắc Kim, Nguyễn Nhơn, Nguyễn Đức Dương, Nguyễn Chúc, Thái Hựu... từ nhà lao Buôn Ma Thuột lần lượt về đến Bình Thuận và thành lập Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Bình Thuận. Tập thể Ban lãnh đạo khởi nghĩa phân công đồng chí Nguyễn Tương trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức lực lượng và lãnh đạo giành chính quyền ở Hàm Thuận. Đến tháng 5 năm 1945, nhiều vùng trong phủ Hàm Thuận từ Phú Hội, Phong Nẫm đến Bình Lâm, Ma Lâm; từ Mũi Né đến Phú Long, Kim Ngọc, Tùy Hòa, Long Thạnh ... đều có cơ sở của Mặt trận Việt Minh. Để chuẩn bị giành chính quyền theo tinh thần của Chỉ thị: “Nhật -Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (Chỉ thị của Ban thường vụ Trung ương Đảng ra ngày 12-3-1945), lúc bấy giờ nhiều tổ chức đảng phái cũng nhảy ra tranh giành ảnh hưởng về chính trị, nắm quần chúng, nhưng đông đảo cơ sở quần chúng của Mặt trận Việt Minh có từ trước đều vững vàng tin tưởng Việt Minh Hàm Thuận.

Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1945, ta liên tục tổ chức các buổi họp nhỏ và tuyên truyền phổ biến về tình hình thế giới, phân tích tình hình trong nước, vạch trần nhản hiệu “độc lập giả hiệu” của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và kêu gọi nhân dân đòi tự do hội họp, tự do ngôn luận, gia nhập vào Mặt trận Việt Minh, vào các Hội Cứu quốc. Đến giữa tháng 8 năm 1945, khắp phủ Hàm Thuận từ Tân Xuân đến Ma Lâm, từ Mũi Né đến Long Thạnh đều có tổ chức Mặt trận Việt Minh và đoàn thể Cứu quốc.

Khi quân Nhật đầu hàng quân Đồng Minh (ngày 15-8-1945), bộ máy tay sai của chúng ở Phan Thiết, Hàm Thuận đều hoang mang, rệu rã… đây là điều kiện thuận lợi cho ta hoạt động. Trong những ngày giữa tháng 8 năm 1945, cùng với khí thế khởi nghĩa chung cả nước, toàn thể hội viên Cứu Quốc ở Hàm Thuận rãi tuyền đơn, dán khẩu hiệu, treo băng rôn kêu gọi toàn dân giành chính quyền.

Phủ lỵ Hàm Thuận là Trinh Tường (gần sân vận động Phan Thiết) nằm trong địa bàn của Phan Thiết, nên vào sáng ngày 24 tháng 8 năm 1945, sau khi các đại biểu của Việt Minh tỉnh như Nguyễn Tương và Nguyễn Nhơn gặp Tỉnh trưởng ngụy quyền là Tuần vũ Huỳnh Dư để tiếp quản các công sở như: đồn Bảo an, kho bạc, bưu điện, nhà máy đèn, nhà lao... thì bộ máy chính quyền ngụy ở phủ Hàm Thuận cũng tự tan rã. Do đó phủ Hàm Thuận đã giành chính quyền cùng ngày với tỉnh ngày 24-8-1945. Chiều hôm đó, nhân dân từng làng tổ chức mít tinh làm áp lực với địch, ủng hộ Việt Minh tỉnh. Suốt đêm ấy, mọi người nhộn nhịp quên ăn, quên ngủ lo chuẩn bị cho cuộc biểu tình kế tiếp.

Cùng với khí thế chung trong toàn tỉnh, rạng sáng ngày 25 tháng 8 năm 1945, đồng bào Hàm Thuận hàng ngủ chỉnh tề từ các nẻo đường rầm rập tiến về Phan Thiết. Hàng chục ngàn người với giáo, mác, ná, tên, gậy gộc ... hiên ngang tiến bước. Sau những hồi trống thúc giục là tiếng hô khẩu hiệu vang rền: -  Đả đảo phát xít Nhật!

                                            - Việt Nam hoàn toàn độc lập!

                                            - Việt Minh muôn năm!...

Riêng đoàn biểu tình ở mảng phía đông Quốc lộ I, vừa đến đồn G.I (Garder Indigène tức đồn lính khố xanh- khu vực Tỉnh đội ngày nay) thì bị lính Nhật chặn lại gây khó khăn, nhưng trước khí thế áp đảo của quần chúng và cách đấu tranh khôn khéo của ta nên chúng đã nhượng bộ, đoàn người lại nhanh chóng tiến vào sân vận động dự lễ vào chiều ngày 25-8-1945. Sau buổi lễ, dòng người vẫn hàng ngũ chỉnh tề diễu hành vòng quanh Phan Thiết trước khi về lại các xã.

Những ngày sau, bộ máy tay sai từ Phủ, Tổng đến Xã lần lượt ra trình diện, giao nộp hồ sơ, đồng triện (con dấu) cho chính quyền cách mạng. Ở Đại Nẫm, đồng chí Phan Lợi, cán bộ Việt Minh xã đã ném Đồng Triện xuống Bàu Sen trước nhà làng như chôn vùi chế độ bạo tàn tận bùn sâu. Các nhà làng trong Phủ trở thành nơi hội họp của nhân dân. Ủy Ban Nhân Dân Cách mạng lâm thời và Mặt trận Việt Minh từng xã làm mít tinh, tuyên bố trước đồng bào: “Giải tán hội tề, xóa nợ, bỏ thuế”. Tiếp đó, sau ngày 02 tháng 9 năm 1945, từng làng lại tưng bừng tổ chức mít tinh chào mừng ngày đất nước độc lập và phổ biến bản Tuyên ngôn độc lập.

Cách mạng tháng Tám thành công là thành quả của 15 năm bền bỉ đấu tranh và cũng là cơ sở, vốn quí giúp cán bộ và nhân dân Hàm Thuận tiếp tục hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc./.

VQ.


  • |
  • 817
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO