Đào tạo nghề - trao cơ hội cho nông dân

  • /
  • 3.4.2012 - 16:38

Những năm trước đây, vợ chồng anh Minh xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận sản xuất 3 sào ruộng lúa 3 vụ/năm. Vợ chồng anh phải nuôi 2 đứa con đi học nên kinh tế gia đình khó khăn. Bí quá, anh Minh đành “khăn gói” đi vào Thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân nhưng khó khăn, thiếu thốn vẫn không qua khỏi.

Năm 2010, Trung tâm dạy nghề huyện Hàm Thuận Bắc triển khai chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn theo đề án của Chính phủ về “đào tạo nghề cho lao động nông thôn”. Anh Minh theo học lớp Chăn nuôi - Thú y. Sở dĩ anh chọn học nghề Chăn nuôi – Thú y vì nghề này rất phù hợp với vùng trọng điểm lúa ở xã Hàm Trí, nông dân chăn nuôi gia súc, gia cầm nhiều và chính gia đình anh cũng muốn phát triển chăn nuôi.  Hoàn thành khóa học, anh Minh xây dựng chuồng nuôi heo. Thời gian đầu, anh nuôi 3 con heo nái. Đến nay, sau 2 năm, đàn heo của gia đình anh đã lên tới 40 con. Trong đó, có 8 con heo nái, ngoài ra là heo thịt. anh còn phát triển đàn gia cầm hơn 100 con… Với giá heo hơi năm 2010 – 2011, gia đình anh thu lãi hơn 40 triệu đồng/năm. Với nguồn thu nhập từ chăn nuôi, anh chị có của ăn, của để và chăm lo cho việc học hành của các con tốt hơn.

        Đàn heo thịt nhà anh Minh lúc 2 tháng tuổi.

Niềm vui của gia đình anh Minh là niềm vui chung của rất nhiều lao động nông thôn, những người thực sự đã biết nắm bắt cơ hội mà Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đem lại. Mục tiêu Đề án của Chính phủ là “mỗi năm đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn”. Gia đình anh Minh là một điển hình về hiệu quả đào tạo nghề ở nông thôn.

Từ năm 2004 đến nay, nhất là từ khi triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Chính Phủ, Hàm Thuận Bắc đã đào tạo nghề cho hơn 5000 lao động, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lao động có việc làm. Các nghề đào tạo có bám sát nhu cầu của thị trường lao động và phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã của huyện. Nhờ đó, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt từ 70-75%. Những kết quả đạt được có thể khẳng định chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Hàm Thuận Bắc đang đi đúng hướng và có nhiều khả năng đạt mục tiêu phấn đấu bình quân mỗi năm đào tạo cho khoảng 1.200 người, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện đến năm 2015 đạt 40% và đến năm 2020 đạt 60%. Quan trọng hơn là đảm bảo giai đoạn 2015-2020 có 80 - 85% số lao động học nghề có việc làm hoặc tự tạo việc làm./.

Bài và ảnh: Đỗ Khắc Thể.


  • |
  • 702
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO