Hàm Thuận Bắc bước đầu thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2015

  • /
  • 7.12.2011 - 16:2

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2015, UBND tỉnh Bình Thuận chọn huyện Hàm Thuận Bắc xây dựng mô hình điểm, vì đây là huyện nông nghiệp, người nông dân đã tiếp thu và ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, song hàm lượng khoa học kỹ thuật còn thấp, nên năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, con nuôi chưa cao; hơn nữa, ở nông thôn thời gian nông nhàn còn nhiều, trong khi những nghề cho thu nhập cao như trồng cây ăn quả, trồng nấm, trồng rau an toàn, trồng, chăm sóc và khai thác cây cao su, sửa chữa máy nông nghiệp,... thì người nông dân thiếu thông tin và không nắm vững kỹ thuật. Do đó, việc đào tạo nghề cho nông dân nói riêng và lao động nông thôn nói chung đã trở thành nhu cầu bức thiết hiện nay.

Trên cơ sở quán triệt Kết luận số 93 ngày 06/9/2010 của Tỉnh ủy (khoá XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X) về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và căn cứ tình hình thực tế của huyện, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng Chương trình hành động số 08-NQ/HU ngày 12/01/2011 về đào tạo nghề, giải quyết việc làm đến năm 2015 với mục tiêu: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, nhằm đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra”. Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 48%, trong đó đào tạo nghề đạt 22%. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 1.650 lao động, gắn với đó là giải quyết việc làm và thêm việc làm cho 3.000-3.500 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi vào cuối năm 2015 còn dưới 4%. 

Lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại Trung tâm dạy nghề huyện.

Thực hiện Chương trình hành động số 08-NQ/HU, UBND huyện giao Trung tâm dạy nghề huyện chịu trách nhiệm chính trong việc đào tạo các cấp độ nghề, từ ngắn hạn đến sơ cấp nghề. Đặc biệt, trên địa bàn huyện còn có Trung tâm dạy nghề A&T Hàm Thắng- một Trung tâm dạy nghề tư thục, cũng tham gia tích cực vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Trong năm 2011, các trung tâm dạy nghề trên địa bàn huyện đã hoạt động khá tích cực và thu được một số kết quả nổi bật. Tính đến đầu tháng 11/2011, Trung tâm dạy nghề huyện và Trung tâm dạy nghề A&T đã mở 38 lớp, đào tạo cho 1.164/1.710 lao động, đạt 68,28% kế hoạch. Trong đó, Trung tâm dạy nghề huyện mở 20 lớp/627 học viên, Trung tâm dạy nghề A&T mở 18 lớp/540 học viên. Đáng chú ý, trong số 360 học viên đã tốt nghiệp của Trung tâm dạy nghề huyện có 132 người là người dân tộc thiểu số, 81 người là đối tượng chính sách, 16 người tàn tật. Trong các tháng cuối năm, Trung tâm sẽ mở thêm 05 lớp, nâng số học viên được đào tạo nghề cả năm lên 770 người, đạt kế hoạch tỉnh giao. Các nghề đào tạo trong năm gồm: trồng cây lương thực, trồng và chăm sóc cây thanh long, trồng rau an toàn, trồng nấm, may thủ công, chăn nuôi/thú y, mộc dân dụng, sửa chữa máy nông nghiệp, tin học văn phòng. Trong số 09 nghề vừa nêu, riêng nghề trồng và chăm sóc cây thanh long, đã mở 11 lớp với 352 người, chiếm gần 50% tổng số học viên đăng ký học tại Trung tâm. Điều này không chỉ thể hiện nhu cầu của người học, mà còn phản ánh tình hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với đặc thù của một huyện thuần nông như Hàm Thuận Bắc.

Tuy nhiên, việc thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2015 còn gặp không ít khó khăn. Hiện tại, Trung tâm dạy nghề huyện chưa được đầu tư đầy đủ trang thiết bị dạy học nên phải thuê hoặc mượn tạm phòng học, bàn ghế,… của các nhà văn hóa thôn, các Trung tâm học tập cộng đồng, các trường phổ thông để mở lớp. Số lượng giáo viên cơ hữu của Trung tâm còn ít, phải thỉnh giảng từ bên ngoài, cho nên chưa chủ động được lịch giảng dạy. Công tác rà soát đối tượng nông dân được tuyển chọn vào làm công trong các khu, cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống và dự báo về biến đổi lao động do thu hồi đất canh tác phục vụ các dự án chưa được thực hiện. 

Để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện, các cấp, các ngành cần quán triệt và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định tại Kết luận số 93 của Tỉnh ủy (khoá XI) và Chương trình hành động về đào tạo nghề, giải quyết việc làm đến năm 2015 của Ban Thường vụ Huyện ủy, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Nâng cao nhận thức về vai trò của đào tạo nghề đối với việc tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn huyện; củng cố mạng lưới cơ sở đào tạo; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý; xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu sát với thực tế địa phương; tăng cường quản lý nhà nước về đào tạo nghề thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn hàng năm.

Đẩy mạnh xã hội hoá công tác đào tạo nghề, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề trên các lĩnh vực; đặc biệt phát huy tốt vai trò đào tạo nghề của Trung tâm dạy nghề A&T và các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Riêng Trung tâm dạy nghề huyện, trước mắt phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2011, đồng thời chuẩn bị tốt kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2012, phấn đấu nâng chất lượng giảng dạy, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đưa thêm nhiều ngành nghề vào chương trình giảng dạy như: dệt thổ cẩm, may công nghiệp, trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGap, trồng, chăm sóc và khai thác cây cao su, chăn nuôi heo, chăn nuôi gia cầm theo hướng ứng dụng công nghệ mới để thu hút thêm người học./.

Trần Thành.


  • |
  • 713
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO