Năm 2009, huyện thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình với 12 thành viên, đồng thời chọn xã Hàm Trí và thị trấn Ma Lâm làm điểm xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Từ mô hình này đã thành lập 2 câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” tại thôn Phú Hòa (Hàm Trí) và thôn Lâm Hòa (Ma Lâm); thành lập 2 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm những cặp vợ chồng mẫu mực, có cuộc sống gia đình hạnh phúc, có uy tín tham gia xử lý những mối bất hoà, những vụ việc bạo lực xảy ra ở một số gia đình trong cộng đồng. Từ hiệu quả của 2 mô hình điểm, đến nay toàn huyện có 10/17 xã, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình và 60/86 thôn, khu phố có Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”. Các mô hình trên thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, sinh hoạt, trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình, có kế hoạch tham gia giải quyết những vấn đề liên quan đến gia đình tại khu dân cư.
Nhân ngày “Gia đình Việt Nam” 28/6, huyện chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động về công tác gia đình, tuyên truyền xe loa ý nghĩa, nội dung ngày “Gia đình Việt Nam” đến các khu dân cư; trưng bày các hình ảnh trực quan về công tác gia đình, các đoàn thể phối hợp các thôn, khu phố tổ chức sinh hoạt ngày gia đình Việt Nam; họp mặt các gia đình tiêu biểu để biểu dương, khuyến khích tiếp tục phát huy truyền thống gương mẫu gia đình; tổ chức các cặp vợ chồng tham gia hội thi văn nghệ, thể thao, nấu ăn, tìm hiểu kiến thức gia đình…tạo không khí sôi nổi, phấn khởi. Phong trào “phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà” và các hoạt động nữ công do Liên đoàn lao động huyện phát động đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc trong đội ngũ công chức, viên chức, người lao động.
Đề án thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở, giai đoạn 2005-2010, đã xây dựng một số tiêu chí thực hiện “Gia đình văn hoá” với nhiều nội dung thiết thực như gia đình tiến bộ, hạnh phúc; gia đình sức khỏe; gia đình hiếu học…Trên tinh thần đó, các hộ gia đình tích cực phấn đấu thực hiện, phát triển kinh tế gia đình, hướng đến gia đình hoàn thiện, ấm no, hạnh phúc. Tình trạng tiêu cực trong gia đình ngày càng giảm rõ, như: rượu say gây rối, tệ nạn cờ bạc, ma tuý, một số hủ tục lạc hậu trong việc tang, lễ, cưới xin…Nhờ đó, gia đình đạt chuẩn “gia đình văn hoá” hàng năm đều tăng. Hiện nay toàn huyện có 36.633 hộ gia đình đăng ký xây dựng “gia đình văn hóa”, trong đó có 81,3% gia đình được công nhận “gia đình văn hoá”, tăng 5,3% so năm 2006.
Phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học” được triển khai thực hiện tích cực, đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp trong cộng đồng dân cư. Đến nay toàn huyện có 16.361 hộ gia đình đăng ký “Gia đình hiếu học”. Hầu hết các tổ chức xã hội, nhất là các hộ gia đình động viên, hỗ trợ tạo mọi điều kiện để con em bám trường, bám lớp. Nhờ đó tình hình học sinh bỏ học giảm, chất lượng học tập có nâng lên, danh hiệu “Gia đình hiếu học” hàng năm đều tăng. Hiện nay toàn huyện có 10.540 hộ gia đình được công nhận “Gia đình hiếu học”.
Hầu hết các cặp vợ chồng, nhất là các cặp vợ chồng trẻ nhận thức và thực hiện khá tốt mô hình gia đình ít con, nhằm đảm bảo xây dựng cuộc sống ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu. Tính từ năm 2006 đến nay, tỷ lệ cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 20,13% xuống còn 15,44%; tỷ lệ sinh giảm từ 14,99% xuống còn 13,44%; tỷ lệ tăng dân số giảm từ 1,44% xuống còn 1%.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được quan tâm thực hiện khá tốt. Hầu hết các gia đình luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho trẻ em trong độ tuổi được vui chơi, giải trí, cắp sách tới trường. So năm 2006, huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo tăng từ 97% đến 97,46%; trẻ em 6 tuổi được huy động vào lớp 1 tăng từ 98,6% lên 100%; học sinh đủ điều kiện vào học lớp 6 tăng từ 96,5% lên 99,9%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 22,58% giảm xuống còn 13,5%. Công tác phổ cập giáo dục được đẩy mạnh và duy trì thường xuyên. Năm 2006, huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; năm 2007 huyện đạt chuẩn quốc gia Phổ cập giáo dục THCS và giữ chuẩn cho đến nay, góp phần nâng cao dân trí trong mỗi gia đình.
Việc cung cấp các kiến thức phổ thông về gia đình thực hiện khá tốt, đã mở nhiều lớp, nhiều đợt sinh hoạt tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về gia đình. Có khoảng 90% gia đình được tiếp thu kiến thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình đối với cộng đồng và việc thực hiện chính sách, pháp luật hôn nhân và gia đình; 70% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức về hôn nhân và gia đình. Nhờ nắm vững các kiến thức trên đã góp phần hạn chế tình trạng ly hôn, bạo lực gia đình và gia đình mắc vào các tệ nạn xã hội.
Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm được các cấp ủy, chính quyền, nhất là các hộ gia đình nổ lực thực hiện, đã giúp nhiều gia đình có điều kiện thoát nghèo và vươn lên cuộc sống khá giả, hạnh phúc. Các gia đình chính sách, nhất là các gia đình có đời sống khó khăn được chăm lo tốt hơn, được giải quyết đầy đủ và kịp thời các chế độ ưu đãi của nhà nước. Việc chăm lo đầu tư của xã hội về vốn, khoa học kỹ thuật, các điều kiện về sản xuất và ý chí vươn lên của từng gia đình, đã giúp cho đời sống của đại đa số hộ gia đình, kể cả hộ đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên. So với năm 2006, đến nay toàn huyện có thêm 9.389 hộ sử dụng điện, đạt tỷ lệ 96,9%, tăng 11,9%; có thêm 5.863 hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 93,3%, tăng 11,3%; có thêm 8.261 hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 90%, tăng 7,%. Những kết quả trên đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện từ 14,7% xuống còn 3,5 %, tạo điều kiện mỗi gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mỗi thành viên đối với gia đình và xã hội thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước như hiện nay./.
Lê Đông