Cán bộ và nhân dân thị trấn Ma Lâm-huyện Hàm Thuận Bắc rạng rỡ niềm vui vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

  • /
  • 9.9.2010 - 0:0

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày cách mạng Tháng tám và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cán bộ và nhân dân thị trấn Ma Lâm-Huyện Hàm Thuận Bắc vô cùng vinh dự, tự hào được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến theo Quyết định số 738/QĐ-CTN ngày 28/5/2010 của Chủ tịch nước. Đây cũng là niềm vui chung của cán bộ và nhân dân huyện nhà.

Ma Lâm có vị trí chiến lược rất quan trọng, tập trung khá đông dân, có nhiều dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, K’hor, Rắc lay và nhiều tôn giáo, nơi mà địch tập trung mọi lực lượng và xây dựng cứ điểm Chi khu Thiện Giáo với hệ thống đồn bót và hội tề dày đặc, nhằm bao vây, cô lập, tách quần chúng ra khỏi cách mạng và xuất phát điểm đánh phá vào vùng giải phóng. Song, mặc cho kẻ thù bao vây đánh phá ác liệt, mặc cho bao hiểm nguy,gian khó,dân và quân Ma Lâm vẫn một lòng, một dạ theo Đảng, hướng về cách mạng, bám sát quân thù mà đánh, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng và góp nhiều sức người, sức của cho kháng chiến. Đội công tác và lực lượng du kích càng đánh, càng trưởng thành; vừa đánh giặc cứu nước, vừa xây dựng thực lực cách mạng, tạo được cứ lõm trong lòng địch như: Nà Bồi, Quang Phú,  trực tiếp đánh phá giao thông, hỗ trợ diệt ác, trừ gian, tạo thế cầm cự, giằng co giữa ta và địch; phối hợp với bộ đội chủ lực bố trí trận địa bao vây, quét sạch hội tề, giải tán các đơn vị lính Nguỵ, thu vũ khí, góp phần giữ vững  cửa ngõ Tây Bắc của tỉnh. Từ năm 1954-1975 dân và quân Ma Lâm đã đánh độc lập hàng chục trận lớn, nhỏ, diệt hàng trăm tên địch, trong đó diệt gọn 2 đại đội địa phương quân và các trung đội nghĩa quân đóng đồn bót xung quanh chi khu Thiện giáo. Cùng với lực lượng bộ đội huyện đánh thiệt hại các tiểu đoàn địa phuơng quân và trung đoàn 44, sư đoàn 23 nguỵ, phá huỷ hàng chục xe quân sự và đoàn tàu quân sự, thu vũ khí và hàng chục tấn trang thiết bị quân sự, làm tan rã toàn bộ hệ thống ấp chiến lược và  giải phóng hàng chục ngàn dân, gọi hàng hàng trăm binh lính rời bỏ ngũ trở về với cách mạng. Trong cuộc chiến đấu với kẻ thù, càng ác liệt, càng tỏ rõ lòng tin của nhân dân đối với Đảng, từ em bé đến cụ già đều tham gia đánh giặc, có những em bé  như Đặng Ngọc Thanh ở Lâm Hòa, đã can đảm chồm qua vai cha, dùng súng của địch bắn vào bọn tề, ấp. Cũng có những cụ già như cụ Giác đã len lõi vào sát đồn Tây thu thập tin tức cung cấp cho bộ đội. Từ người chị đến bà mẹ đều làm tốt công tác hậu phương, hậu cần trong vùng địch hậu, dũng cảm treo cờ, rãi truyền đơn, đào hầm, che dấu cán bộ để hoạt động trong suốt thời kỳ kháng chiến. Năm 1963 thời kỳ địch khủng bố gắt gao, có chị em vẫn len lõi đưa được ra ngoài hàng tạ gạo tiếp tế cho anh em đội công tác. Cũng có những bà mẹ đêm đêm đưa đường bộ đội luồn lách qua các tuyến rào của địch, vận tải lương thực; dọc đường đi, có khi lúa, gạo, muối vương vãi, mẹ âm thầm ở lại nhặt từng hạt gạo, xóa dấu vết, để anh em an toàn tiếp tục hành quân. Nhân dân đã đưa hàng trăm con em mình trong đó có cả đồng bào dân tộc Chăm, Rắc lây lên đường đánh giặc, có nhiều đồng chí hy sinh dũng cảm, được công nhận liệt sỹ. Đó là những chiến sỹ cảm tử đầu tiên năm 1946 theo chân đoàn quân Nam Tiến vào phía Nam chiến đấu, sang thời đánh Mỹ, tuổi trẻ thị trấn Ma Lâm đã vượt qua thử thách luôn có mặt trong các ngày hội tòng quân của tuổi trẻ Hàm Thuận anh hùng và tham gia chiến đấu ngoan cường không ngại hy sinh, gian khổ. Từ chỗ thực lực cách mạng trắng, suốt thời gian dài từ năm 1959-1974 nhờ quyết tâm cao, có chủ  trương đúng của Đảng bộ huyện, thị trấn Ma Lâm đã tổ chức được hệ thống lãnh đạo chỉ đạo của chi bộ đến các lực lượng cả bên trong và bên ngoài, xây dựng được hàng trăm cốt cán và các đội công tác vũ trang, du kích mật, tạo ra được các vùng căn cứ lõm ngay trong lòng địch, có đất, có dân, có chi bộ Đảng lãnh đạo, tạo ra sức mạnh tổng hợp quyết chiến đấu với quân thù.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến, dân và quân Ma Lâm  luôn một lòng một dạ theo Đảng, hướng về cách mạng, đoàn kết, tự lực tự cường, xây dựng lực lượng, cung cấp nhân tài vật lực cho kháng chiến, phát triển du kích chiến tranh, bám sát lưng địch mà đánh, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, tạo thế tiến công vào cơ quan đầu nào của địch, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

          Những chiến công và sự hy sinh lớn lao đó, dân và quân Ma Lâm đã góp phần viết nên trang sử vàng truyền thống đấu tranh vẻ vang của huyện và đến hôm nay rạng rỡ niềm vui và tự hào với danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vừa được Đảng và Nhà nước phong tặng./.

                                                                               NGÔ DUY NHÂN


  • |
  • 782
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO