Giới thiệu về thị xã La Gi

  • /
  • 7.4.2010 - 0:0

Thị xã La Gi thuộc tình Bình Thuận, là phần đất tách từ huyện Hàm Tân trước đây theo Nghị định số 114/CP ngày 05/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Phía Bắc và Tây giáp huyện Hàm Tân (mới); Đông giáp huyện Hàm Thuận

Dân số thị xã La Gi trên 103.000 người, gồm có 5 phường: Phước Hội, Phước Lộc, Bình Tân, Tân Thiện, Tân An và 4 xã Tân Phước, Bình Tân, Tân Tiến, Tân Hải. Với vị trí đầu mối giao thông khá thuận lợi. Lagi có quốc lộ 55 từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nối với quốc lộ IA tại Ngã ba 46 (Hàm Tân) dài 42 km. Trung tâm hành chánh thị xã đặt tại phường Tân An cách thành phố Phan Thiết 64 km, cách thành phố Hồ Chí Minh 170 km và có đường liên tỉnh 719 nối liền từ trung tâm thị xã đi qua các xã Tân Tiến, Tân Hải (Lagi) đến huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), tại đây có 2 ngã đường ra Quốc lộc IA (gần chân núi Tà Cú) và hướng dọc biển Khê Gà đến thành phố Phan Thiết.

 Với diện tích tự nhiên 18.355 ha, trong đó đất nông nghiệp 4.147 ha, thuộc vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình 26,8oc, lượng mưa hàng năm khoảng 1.391mm, tập trung từ tháng 5 đến tháng 10. Yếu tố khí hậu, thời tiết chia thành hai mùa mưa nắng khá rõ rệt. Có các cánh đồng lớn nằm trên địa bàn phường Tân Thiện, Bình Tân và xã Tân Tiến. Có 2 con sông lớn là Sông Phan ở Tân Hải và Sông Dinh dài hơn chảy ra cửa biển La Gi (Phước Lộc) có lưu lượng tương đối khá (3,7m3/s).

Bờ biển La Gi dài 28 km, được che chắn bởi mũi Khê Gà tạo nên vùng biển tương đối điều hòa trong mọi thời tiết. Với lãnh hải rộng gần 9.000 km2, nằm trong thềm lục địa bằng phẳng thuộc hệ nhiệt đới, tiếp nhận mối giao lưu của hai nguồn nước ấm - lạnh cùng với nguồn phù sa từ sông suối đổ ra tạo nên môi trường sinh trưởng cho các loài hải sản. Ngư trường Lagi có nhiều bãi cá tôm, mật độ dầy và thích hợp với loài cá nổi như cá nục, cá bạc má, cá mòi, cá ngừ và các loài cá đáy như cá thu, cá giống, cá dứa… Đặc biệt tôm, mực, sò điệp, dòm, ốc hương cũng phát triển khá dầy và có giá trị tiêu thụ, xuất khẩu cao.

Rải rác trên bờ biển La Gi có nhiều khoáng sản như Ilmenit, Ziacon (cát đen) với trữ lượng tập trung, là nguồn cung ứng cho sản xuất công nghiệp.

Quá trình hình thành dân cư ở La Gi mang tính đặc thù của một vùng đất tụ nghĩa. Với tiềm năng thiên nhiên phong phú, địa thế hẻo lánh, La Gi trở thành nơi đón nhận những người dân phiêu tán, tha phương cầu thực và không ít người do bất mãn, chuyển đổi nhà cầm quyền phong kiến địa phương mà về đây nương náu, định cư, lập nghiệp. Thuở đầu triều Nguyễn trung hưng, những xóm làng mọc lên ở các cửa Sông Dinh Tam Tân, Lagi và có đặt các dịch trạm như Trạm Thuận Phước ở Phước Lộc, Trạm Thuận Trình ở Tam Tân. Ở vùng rừng núi không xa Lagi trước đây có nhóm đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Ho, Raglai, ChâuRo từ phía đông Di Linh di cư xuống vùng Suối Kiết, Bà Giêng, Sông Phan và nhóm người Chăm lánh nạn chiến tranh dạt về phía nam, lập làng định cư ở Phò Trì. Năm 1867, khi 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ rơi vào tay thực dân Pháp, nhiều đồng bào Nam Bộ “tị địa” ra Bình Thuận đã dừng chân sinh sống tại Lagi và vùng lân cận. Từ đó với sức lao động cần cù, những người dân tứ xứ cơ cực đã biến vùng đất màu mở này thành làng mạc. Trong kháng chiến 9 năm chống Pháp, La Gi là phần đất lấn sâu vào các cánh rừng Suối Dứa, Bàu Ong, Bưng Sình, Thị Ngọt, Bún Tránh, Đá Dựng, Bàu Dòi… trở thành căn cứ địa vững chắc của tỉnh, thu hút nhiều đồng bào từ Hàm Thuận, Phan Thiết, Bà Rịa, Xuyên Mộc bỏ vùng địch đến đây lánh cư, sinh sống. Trong bối cảnh lịch sử đất nước bị thực dân, đế quốc xâm lược qua các thời kỳ từ sau khi có hiệp định Giơnevơ 1954, La Gi lần lượt tiếp nhận nhiều đợt di dân, di cư. Năm 1957 có 6.000 người công giáo miền Bắc di cư đến, năm 1970 với 5.000 người Việt Kiều từ Campuchia hồi hương và ở khu vực lân cận có khoảng 25.000 người từ Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam di dân năm 1973 theo kế hoạch lấn chiếm của Mỹ - ngụy, nay thuộc huyện Hàm Tân.

Đời sống xã hội ở La Gi đậm nét của một vùng đất mới. Khoảng giữa thế kỷ 19 Lagi là phần đất thuộc tổng Đức Thắng, huyện Tuy Lý, phủ Hàm Thuận. Đến năm 1916, La Gi  mới chính thức là phần đất chủ yếu của huyện Hàm Tân với 2 tổng Phong Điền và Phước Thắng - Tổng Phong Điền có 4 làng: Phong Điền, Hiệp Nghĩa, Tam Tân và Tân Lý, Tổng Phước Thắng có 5 làng: Phước Lộc, Hàm Tân, Phò Trì, Hàm Thắng và Thắng Hải. Huyện lỵ đặt tại La Gi (nay thuộc phường Phước Hội). Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Lagi là căn cứ kháng chiến của tỉnh, nằm trong tổ chức hành chánh có 5 liên xã (Hòa Bình, Tân Tiến, Tân Phước, Cộng Hòa, Thắng Bình). Sau hiệp định Giơnevơ 1954, chính quyền Mỹ - ngụy thành lập tỉnh Bình Tuy gồm 3 quận Hàm Tân, Tánh Linh và Hoài Đức. Quận Hàm Tân có các xã châu thành Phước Hội, Bà Giêng, Bình Tân, Tân Hiệp, Văn Mỹ, Hiệp Hòa mà phần lớn thuộc Lagi ngày nay. Trung tâm hành chánh, quân sự tỉnh của ngụy đặt tại Tân An (La Gi) và quận lỵ Hàm Tân đặt tại Tân Hải.

Nhằm đấu tranh với âm mưu lấn chiếm của địch, từ năm 1968, chính quyền cách mạng tổ chức hoạt động theo địa bàn hành chánh của địch, rồi lập thêm thị xã La Gi và năm 1973, cùng lúc tách một số xã từ huyện Hàm Tân thành lập huyện Nghĩa Lộ (bao gồm khu di dân Đông Hà, Nghĩa Tân, Bình Ngãi và dọc quốc lộc IA).

Rạng sáng ngày 23/4/1975, tỉnh Bình Tuy và thị xã La Gi được hoàn toàn giải phóng. Trải qua chặng đường lịch sử 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc đầy gian nan thử thách nhưng rất đổi tự hào khi chính quyền thực sự thuộc về nhân dân. Kể từ tháng 12 năm 2005, thị trấn Lagi và một số xã (Tân Bình, Tân Thiện, Tân An, Tân Tiến, Tân Hải) thuộc huyện Hàm Tân được tách ra để thành lập thị xã La Gi.

Từ những năm có chủ trương đổi mới của Đảng, La Gi đã thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xác định ưu thế hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với sự đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ sở, đường giao thông, các công trình thủy lợi, mạng lưới điện, bưu chính viễn thông, các yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.

Được thiên nhiên ưu đãi về vị trí địa lý, Lagi thuộc vùng khí hậu nhiệt đới ôn hòa dọc theo bờ biển dài, chập chùng đồi cát hoang sơ, giàu cảnh quan sinh thái. Thấm đậm những huyền thoại đầy tính nhân văn mà lễ hội dinh Thầy Thím, Bà Chúa Ngọc Thiên Y A Na (Hòn Bà) hàng năm mang sắc thái văn hóa dân gian. Các địa danh Dốc Ông Bằng, Đồi Dương gắn liền với kỳ tích lịch sử hào hùng trên trang sử địa phương, nằm kề cạnh những bãi cát trắng tạo thành quần thể du lịch, nghỉ dưỡng lý tưởng và liên hoàn với các tuyến du lịch của khu vực đang dần dần định hình.

Với bản sắc riêng của một vùng đất “tụ nghĩa” mang đầy niềm tự hào trong mỗi con người ở đây nên có một ý chí lao động, sức sống cần cù và giàu lòng yêu nước. Đó cũng là yếu tố để đạt được thắng lợi qua các giai đoạn lịch sử và làm chuyển đổi diện mạo đời sống kinh tế - xã hội ở thị xã La Gi hôm nay.


  • |
  • 808
  • |

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO