KHỞI SẮC VÙNG CAO ĐÔNG TIẾN

  • /
  • 24.9.2010 - 0:0

Đông Tiến là xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hàm Thuận Bắc, chủ yếu là Dân tộc K’ho. Toàn xã có 217 hộ/ 1.018 khẩu trong đó, đồng bào dân tộc K’ho chiếm hơn 90% dân số. Diện tích đất tự nhiên 10.760 ha, trong đó đất canh tác khoảng 245 ha.

Từ khi Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào Dân tộc thiểu số, nhất là từ năm 2002 thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, Đông Tiến là xã được nhà nước đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trạm xá, trường học, điện, nước sinh hoạt…Đến nay bộ mặt xã Đông Tiến đã đổi thay và ngày càng khởi sắc.

Trong những năm qua,nhờ có hệ thống nước tự chảy,gắn với ứng dụng khoa học kỷ thuật vào sản xuất và được sự hổ trợ của chương trình đầu tư ứng trước,trợ giá trợ cước, nhất là giống cây trồng đảm bảo chất lượng nên sản xuất nông nghiêp phát triển khá. Năm 2009, cây lúa nước được đầu tư thâm canh trên diện tích 41,5 ha, năng suất bình quân đạt 45 đến 50 tạ/ha, sản xuất trên 400 ha cây bắp lai, năng suất bình quân 55 tạ/ha, sản lượng lương thực đạt 9576 tấn, bình quân lương thực/khẩu/năm đạt trên 2615 kg; đồng thời đồng bào tiếp tục được giao khoán bảo vệ rừng(174 hộ/4727 ha) và phát triển đàn bò bằng nguồn vốn vay nuôi bò sinh sản theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho đồng bào. Đông Tiến không còn hộ đói, là xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên trong tỉnh từ nhiều năm nay tự túc được lương thực tại chỗ, không cần đến sự hỗ trợ của nhà nước. Trong chăn nuôi, Đông Tiến là xã vùng dân tộc thiểu số đầu tiên thực hiện chương trình cải tạo đàn bò theo hướng Sind hóa; hiện nay đàn bò của xã có 892 con, số bò có máu lai đạt khoảng 45%. Khuyến nông triển khai nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỷ thuật vào trông trọt, chăn nuôi, trong đó triển khai mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học đạt hiệu quả. Đông Tiến đã có sự đầu tư khá về cơ giới hóa trong nông nghiệp; đến nay đã có 2 máy xay xát gạo,4 máy tuốt lúa, bắp ,8 máy xới, 5 máy cày, 2 máy kéo phục vụ cho khâu làm đất và thu hoạch nhanh,hiệu quả hơn,bảo đảm thời vụ và sản xuất 3 vụ lúa nước/năm.

                      Thu hoạch lúa và nghề mây tre đan ở vùng đồng bào DTTS.

 Kinh tế phát triển, đời sống của đồng bào được cải thiện đáng kể. Đến nay, số hộ có xe máy đạt 90%. Số hộ có ti vi đạt 80%, 100% số hộ được sử dụng điện và nước sinh hoạt hợp vệ sinh,95% số hộ có công trình hợp vệ sinh, tỷ lệ trẻ em 5 tuổi bị suy dinh dưỡng chiếm 20% và số hộ nghèo chỉ còn 21 hộ, chiếm 10%.

Tuy vậy, đánh giá cho đúng thực trạng Đông Tiến đã được Nhà nước đầu tư phát triển toàn diện dân sinh kinh tế - xã hội nhưng vẫn chưa phát huy đúng mức hiệu quả đầu tư. Có đất sản xuất nhưng chế độ thâm canh chưa tốt, hệ số quay vòng đất chưa cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ,gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật còn lúng túng, năng suất các loại cây trồng còn thấp.Trong chăn nuôi, do dịch bệnh,thiếu thức ăn và thiếu kinh nghiệm chăm sóc dẫn đến thiệt hại và đàn bò giãm sút lớn, kể cả bò 04, nhiều hộ không trả được vốn vay. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ chưa phát triển. Cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, chưa xây dựng được qui hoạch khu trung tâm xã. Một số vấn đề bức xúc xã hội chưa được giải quyết tốt;chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nâng lên chậm; vẫn còn tình trạng chăn nuôi thả rong,gây ô nhiễm môi trường.Đời sống một bộ phận đồng bào còn khó khăn.

Để cho Đông Tiến không còn hộ nghèo, hộ khá, giàu tăng lên và bộ mặt nông nghiệp nông thôn ngày càng khởi sắc. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần đầu tư toàn diện cho Đông Tiến. Đồng chí K’Văn Gòn, Bí thư Đảng ủy xã Đông Tiến cho biết: “Trong những năm qua, Đông Tiến là xã được Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển toàn diện về dân sinh kinh tế - xã hội. Trong thời gian đến cán bộ và nhân dân Đông Tiến tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực tự cường đẩy mạnh phát triển sản xuất,nâng cao đời sống và xây mặt nông thôn mới ngày càng tươi đẹp;song cũng mong muốn Đảng và Nhà nước có sự quan tâm đầu tư cho Đông Tiến nhiều hơn ,toàn diện hơn,để tạo sức bật mới cho sư phát triển về kinh tế và đời sống nhân dân..”.

Trong thời gian tới, vấn đề quan trọng là cần nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào trong xã. Ngành Giáo dục huyện cần tăng cường mở các lớp Bổ túc văn hóa cho những người chưa biết chữ học tập. Khi đã có văn hóa, Trung tâm dạy nghề huyện cần tổ chức mở các lớp dạy nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo cho đồng bào có nghề phụ, có việc làm để tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống. Cần mở thêm các dịch vụ thương mại và các ngành nghề phù hợp với tình hình của địa phương như nghề Mây tre đan.Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, không để xảy ra cháy rừng và lâm tặc vào phá rừng. Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí mua sắm công cụ cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch lúa, máy tuốt bắp…Giải quyết cho đồng bào ứng trước vật tư, giống cây trồng, con nuôi có năng suất, hiệu quả cao. Ngành nông nghiệp huyện cần cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp đến xã hướng dẫn đồng bào trong sản xuất nông nghiệp, phòng trừ dịch hại trên cây trồng, vật nuôi. Đào tạo cán bộ kỹ thuật trồng trọt, thú y cho xã, tăng cường tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, chủ yếu ngành trồng trọt, chăn nuôi với những thành tựu mới nhất để đồng bào áp dụng vào sản xuất thực tế đem lại hiệu quả cao./.

Bài và ảnh: Đỗ Khắc Thể


  • |
  • 708
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO