Người giữ gìn văn hóa Dân tộc K’ Ho ở Hàm Thuận Bắc

  • /
  • 3.11.2011 - 16:38

Là người con của núi rừng, Anh mang trong mình dòng máu K’ Ho. Cuộc sống hàng ngày chỉ quen với cái cuốc, cái dao và làm bạn với nương với rẫy. Thế nhưng trong các lễ hội, tiệc tùng liên hoan bên bàn rượu Anh lại là nghệ nhân đích thực và luôn mang trong lòng một ý nguyện “phải giữ gìn bản sắc văn hóa Dân tộc K’ Ho”.

Anh B’ Đam Nu.

Về xã La Dạ, một xã thuần đồng bào Dân tộc thiểu số chủ yếu là người K’ Ho của huyện Hàm Thuận Bắc. Nơi đây là vùng căn cứ Nam Sơn anh dũng, kiên cường. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng bào đã đổ nhiều xương máu góp phần dành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc Việt nam. Từ khi Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số (DTTS). La Dạ là xã được đầu tư hàng chục tỷ đồng từ các chương trình của Chính phủ, của tỉnh và huyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, phát triển hệ thống thủy lợi, khai hoang đất sản xuất cấp cho đồng bào, cho vay vốn mua bò cái sinh sản…Đến nay cuộc sống vật chất và tinh thần của đồng bào đã có nhiều đổi thay, đồng bào không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm hẳn. Bộ mặt của xã La Dạ ngày càng khởi sắc.

Trong những năm gần đây, đồng bào có nhiều chuyển biến tiến bộ trong việc thực hiện đời sống văn hoá mới. Trong đó, có một người đầy tâm huyết trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Đó là Anh B’ Đam Nu hiện cư ngụ tại thôn 2, xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc. Theo chân Anh B’ Rông Thim, cán bộ Tuyên giáo của xã La Dạ. Chúng tôi đến nhà anh Nu, trong căn nhà gỗ sạch sẽ, được nghe anh kể: “Hàng năm dân tộc K’ Ho chúng tôi vẫn tổ chức các lễ tết, lễ hội như tết đầu lúa, lễ hội đam trâu…các dụng cụ phục vụ cho ca múa, đặc biệt là những bộ Đồng La tôi vẫn lưu giữ trong nhiều năm qua và ngay ở trong nhà dân vẫn còn khá nhiều. Gần đây, tôi đi mua thêm một bộ Đồng La gồm 8 chiếc với giá 12 triệu đồng và tôi đang cất giữ hết sức cẩn thận…”. Tôi hỏi Anh Nu, nguyên nhân nào anh bỏ ra một số tiền lớn như vậy để mua bộ đồng la? Anh Nu cho biết thêm: Với người K’ Ho chúng tôi bộ Đồng La rất có giá trị về mặt tinh thần vì nó là biểu tượng độc đáo cho hồn văn hóa Dân tộc K’ Ho.

Là một người yêu thích văn nghệ, từ nhỏ Anh Nu được xem những nghệ nhân biểu diễn. Anh thấy họ cầm những chiếc Đồng La biểu diễn, tiếng ngân vang xa, khi đánh lên thu hút nhiều người xem và từ đó Anh Nu ao ước một ngày nào đó anh sẽ mua được một bộ Đồng La và tự biểu diễn cho mọi người xem. Những đôi nam nữ người K’ Ho có giọng hát ru, những câu hát đối đáp giao duyên tình tứ và trong sự yên tĩnh của núi rừng vào lúc xế chiều, xa xôi vẳng lại những âm thanh nghe thật véo von. Anh Nu còn cho tôi biết, Thời còn trẻ, anh hát hay lắm, được mệnh danh “giọng ca vàng” của Dân tộc K’ Ho ở vùng này. Những dịp lễ hay đi lên rẫy anh cũng hay hát nhưng hiện nay mỗi ngày tuổi một lớn và bận công việc gia đình nên việc hát hò cũng giảm nhiều.

Khi tìm hiểu về nền văn hóa Dân tộc K’ Ho, chúng tôi mới biết người K’ Ho có rất nhiều bài hát hay, những bài hát đối đáp rất có duyên. Cùng đi kèm bài hát đó là những loại nhạc cụ như sáo, kèn môi, khen bầu, đàn, trồng, chiêng…âm nhạc khơi nguồn cho ca hát bằng nhiều làn điệu như hát ru, hát trong lao động, hát đối đáp, hát lễ hội…Anh Thim cán bộ Tuyên giáo xã La Dạ cho biết: “Hiện nay, rất tiếc là nhiều người K’ Ho và đặc biệt là lớp thanh, thiếu niên trong xã ít biết đến các làn điệu ca hát nêu trên. Chúng tôi dự định mở lớp dạy hát nhưng vẫn còn gắp khó khăn trong khâu tổ chức. Nếu không mở các lớp dạy hát cho lớp trẻ thì văn hóa Dân tộc K’ Ho chúng tôi sẽ có nguy cơ mai một…”.

Trước những băn khoăn, trăn trở của Anh Thim cán bộ Tuyên giáo xã, anh nhận thấy trong những năm tới cần khôi phục, bảo tồn nền văn hóa Dân tộc K’ Ho. Thời gian qua, anh đã tham mưu cho Cấp ủy Đảng và UBND xã từng bước khôi phục lại các lễ hội mừng lúa mẹ (tết đầu lúa), lễ hội đâm trâu, các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ để đông đảo đồng bào tham gia. Đồng thời khơi dậy tinh thần cho đồng bào phải luôn biết cách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Dân tộc K’ Ho của mình. Tuy vậy, để thực hiện thành công thì đây là một công việc sẽ gặp khó khăn. Bởi vì trên địa bàn xã phải có nhiều người Dân tộc K’ Ho yêu thích nghệ thuật, yêu nền văn hóa của dân tộc mình cùng với sự hỗ trợ của Đảng và Chính quyền các cấp và Ngành Văn hóa thông tin tỉnh, huyện thì mới thực hiện được./.

Đỗ Khắc Thể.


  • |
  • 882
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO