Hàm Trí - Huyện Hàm Thuận Bắc xây dựng thành công xã văn hóa

  • /
  • 26.9.2011 - 14:29

Có dịp trở lại Hàm Trí trong những ngày tháng 9, trên những cánh đồng, bà con nông dân chăm chỉ dặm tỉa, bón phân cho ruộng lúa. Cách đó không xa là một khung cảnh hoàn toàn khác, cảnh mua bán, kinh doanh diễn ra khá nhộn nhịp gần khu vực UBND xã. Một nhịp sống hối hả, xen lẫn trạng thái yên bình của một vùng nông thôn với những con đường bê tông chạy băng ngang đồng ruộng như thôi thúc tôi muốn tìm hiểu điều gì đó ở đây.

 

Tiếp chúng tôi, ông Thông Văn Trinh- Phó Bí thư Đảng ủy xã Hàm Trí phấn khởi nói, từ khi xã được tỉnh và huyện chọn làm điểm xây dựng xã văn hóa, với sự đầu tư của nhà nước và góp sức của nhân dân, cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Trước đây vào mùa mưa, lũ bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản rất khó khăn, nay thì tốt rồi. Các tuyến giao thông chính trên địa bàn đã được bê tông xi măng. Hiện chỉ còn một số con đường sỏi đá tại thôn Lâm Giang, nhưng sắp tới cũng sẽ được bê tông. Giao thông thuận lợi, nhân dân phấn khởi, tích cực lao động sản xuất và tham gia phong trào ở địa phương ngày càng tốt hơn. Ông Trinh nói thêm.

            Năm 2006 xã Hàm Trí được huyện Hàm Thuận Bắc chọn làm điểm xây dựng xã văn hóa, nhằm nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2006-2010. Việc chọn xã Hàm Trí xây dựng đề án này phù hợp với nhiều yếu tố, đó là địa hình, phân bố dân cư và kinh nghiệm có được qua nhiều năm thực hiện phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

            Hàm Trí là xã miền núi, diện tích hơn 65 km2, nằm giữa các xã Hồng Sơn, Hàm Phú, Thuận Hòa và thị trấn Ma Lâm. Dân số trên 8.400 khẩu, sinh sống ở 3 thôn, trong đó có Lâm Giang là thôn thuần đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhất là nghề trồng lúa. Những năm qua, đặc biệt qua thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, và hơn 4 năm thực hiện xây dựng đề án xã văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong xã có nhiều đổi thay tích cực. Nhờ thực hiện chuyển đổi cây trồng, luân canh, xen canh mùa vụ trên đồng ruộng mà thu nhập của nông dân ngày càng ổn định, đời sống được cải thiện. Năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 5%. Tình đoàn kết, tương thân tương ái trong công đồng dân cư được phát huy, các hủ tục lạc hậu được đẩy lùi, trật tự an toàn xã hội được giữ ổn định. Hàng năm 100% trẻ em 6 tuổi vào lớp 1, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể. Số gia đình văn hóa, gia đình hiếu học và thôn đạt danh hiệu văn hóa năm sau đều cao hơn năm trước. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Nhà xây mái ngói kiên cố mọc lên ngày càng nhiều, xã cơ bản xóa xong nhà tạm bợ, dột nát. Tuyến quốc lộ 28 đi qua trung tâm xã, hai bên đường số hộ buôn bán kinh doanh mở ra nhiều, mặt hàng kinh doanh đa dạng như xe máy, xăng dầu, kĩ nghệ sắt, vật liệu xây dựng, phân, thuốc bảo vệ thực vật…Chợ Hàm Trí ngày càng được mở rộng, thu hút hàng chục hộ buôn bán kinh doanh và hàng trăm người đến họp chợ mỗi ngày.

            Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà tol đỏ khang trang mới xây, vừa rót trà mời khách, ông Võ Hữu Nghề- xóm 8 thôn Phú Hòa chỉ ra con đường bê tông xi măng trước nhà. Từ ngày có con đường này dân chúng tôi được mở mày, mở mặt, ai cũng phấn khởi, tranh đua nhau lao động sản xuất để có tiền xây nhà khang trang cho bằng hàng xóm. Chứ trước đây vùng này đi lại khó khăn lắm, tối đến chẳng ai muốn ra khỏi nhà. Lúc trời mưa thì khỏi phải nói, đường xa lầy lội, các cháu đi học vất vã vô cùng.

            Giờ thì sướng quá rồi, có đường, có điện, có nước sạch rồi, giờ chỉ lo làm sao sản xuất cho tốt để làm giàu. Ông Nghề cho biết, sắp tới vận động các hộ dân mắc điện đường để tạo nét văn minh và đảm bảo an ninh.

              Năm 2006, khi được chọn làm điểm xây dựng xã văn hóa, xã Hàm Trí đã lồng ghép các tiêu chí quan trọng của cuộc vận động vào Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội hàng năm để thực hiện. Trong đó tập trung chú ý công tác tuyên truyền nội dung, tiêu chí của đề án đến 95% hộ dân. Cử trên 100 lượt cán bộ xã và thôn tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do tỉnh, huyện tổ chức. Đồng thời huy động sức dân cùng nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng và phát huy tinh thần đoàn kết trong nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

            Qua hơn 4 năm phát động xây dựng xã văn hóa, đại bộ phận nhân dân trong xã đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia các tiêu chí của đề án. Đến cuối năm 2010, xã Hàm Trí thực hiện đạt 8/11 thiết chế, 49/51 tiêu chí, trong đó có 46 tiêu chí đạt 100%, 6 tiêu chí đạt từ 70-80%. Trong đó 1.846 hộ được công nhận gia đình văn hóa, chiếm 92,4%. 3/3 thôn đạt danh hiệu văn hóa. 7/7 đơn vị đạt nếp sống văn minh. Đặc biệt qua việc gắn kết với phong trào xây dựng nông thôn mới, từ năm 2009 đến nay bằng nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ và sự góp sức của nhân dân, toàn xã đã đầu tư xây dựng được 8,4 km đường bê tông xi măng trong các khu dân cư với kinh phí 5,8 tỷ đồng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, phát triển dân sinh kinh tế của địa phương. Với những nỗ lực đó, năm 2010, xã Hàm Trí được UBND tỉnh công nhận xã văn hóa.

            Dù thành tích đạt được khá khả quan, nhưng quá trình thực hiện để giữ vững danh hiệu này ở Hàm Trí vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Thông Văn Trinh- Phó Bí thư Đảng ủy xã không dấu nỗi sự lo lắng. Tinh thần tham gia của nhân dân đối với việc xây dựng xã văn hóa là rất tốt, nhưng do kinh tế địa phương chủ yếu là nông nghiệp nên một bộ phận đời sống còn nghèo, do đó việc tham gia đóng góp các khoản theo qui định cũng gặp khó khăn cho dù khoản tiền không phải là nhiều. Bên cạnh đó việc xây dựng các thiết chế văn hóa theo đề án cũng gặp nhiều trở ngại. Hiện tại việc qui hoạch và thực hiện qui hoạch để xây dựng công viên, khu vui chơi cho thanh thiếu niên trên địa bàn gặp khó khăn rất lớn.  

            Văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Thực hiện thành công xã văn hóa trong năm 2010, là kết quả bước đầu quan trọng để Hàm Trí có thêm niềm tin và sự nổ lực vươn lên những mục tiêu cao hơn, đó là xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển theo chiều sâu và bền vững./.

Thành Khoa.

 

 


  • |
  • 1191
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO