Hàm Thuận Bắc qua 8 năm thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Bí Thư và Chỉ thị 21 của Tỉnh Ủy về phát triển thể dục, thể thao

  • /
  • 23.4.2012 - 17:36

Qua 8 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 17 của ban Bí thư và chỉ thị 21 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về phát triển thể thao đến năm 2010. Cơ sở vật chất phục vụ thể dục, thể thao trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng.

Toàn huyện hiện có 98 sân bãi, phòng tập thể dục, thể thao hoạt động thường xuyên. Trong đó có 15 sân bóng đá lớn (xã, thị trấn là 13, trường học là 1, huyện là 1), 65 sân bóng chuyền, 12 sân cầu lông, 01 nhà tập luyện thi đấu thể thao, 5 điểm tập võ thuật và điểm tập thể dục, thể thao tại trung tâm văn hóa – thể thao huyện; trong đó các xã, thị trấn đầu tư phát triển sân bãi khá như Hàm Chính, Hồng Sơn, Hồng Liêm, Hàm Hiệp, Phú Long, Ma Lâm. Đặc biệt năm 2010 Huyện đã đầu tư thêm gần 2 tỷ đồng để nâng cấp và được chuyển giao cho Trung tâm Văn hóa -thể thao huyện quản lý để tổ chức các hoạt động thể thao phục vụ nhân dân. Số lượng người tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên ngày càng tăng. Cụ thể hiện nay đã có trên 40.000 người thường xuyên tập luyện, chiếm 22% trong tổng số dân, tăng 17.000 người so năm 2003, trong đó học sinh chiếm 50%. Số hộ gia đình thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao có  8.500 hộ, chiếm 17% tổng số hộ, tăng 5.000 hộ, so với năm 2003. Các môn thể thao được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện như bóng đá, cầu lông, bóng chuyền... Việc tham gia thể dục buổi sáng được nhiều người tự giác thực hiện, chủ yếu chạy và đi bộ.

Hầu hết các cơ quan, đơn vị đều quan tâm phát động cán bộ, công chức hưởng ứng các phong trào "Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"; đồng thời đầu tư mua sắm phương tiện, dụng cụ và sân tập cho cán bộ, công chức luyện tập và tổ chức thi đấu trong nội bộ hoặc giao lưu giữa các đơn vị bạn… Liên đoàn Lao động huyện tổ chức khá thường xuyên các hoạt động thể dục, thể thao khối công nhân viên chức, lao động nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và tết Nguyên đán như giải đua xe đạp về nguồn, chạy việt dã, bóng chuyền, bóng đá… thu hút đông đảo cán bộ, công chức tham gia. Hiện nay do 17/17 xã thị trấn và phần lớn các thôn, khu phố đều có đội bóng đá và bóng chuyền nên đã tạo được phong trào quần chúng tham gia thể dục, thể thao sôi nổi ở cơ sở, trong đó nổi bật là các xã, thị trấn như: Ma Lâm, Hàm trí, Hồng Liêm, Hàm Chính, Thuận Minh… là nguồn để tuyển chọn vận động viên xuất sắc cung cấp cho đội tuyển cấp xã, huyện và Tỉnh. Tuần hội văn hóa – thể thao các dân tộc thiểu số được thực hiện từ năm 1994 đã trở thành hoạt động truyền thống của huyện, được duy trì và tổ chức luân phiên hàng năm ở 3 xã vùng cao và 5 thôn xen ghép trong những ngày hội. Bên cạnh các sinh hoạt văn hóa, nhiều môn thể thao nhằm rèn luyện thể lực được tổ chức luyện tập và thi đấu như kéo co, nhảy bao bố, bóng đá, bóng chuyền, đi cà kheo…; thu hút đông đảo lực lượng thanh, thiếu niên và đồng bào dân tộc tham gia.

Qua đó tuyển chọn những vận động viên có thành tích cao tham gia tại tỉnh. Với những bộ môn thế mạnh như: bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, Teakwondo, võ cổ truyền, cầu lông, bóng bàn, việt dã, các vận động viên huyện qua nhiều năm tham gia thi đấu tại tỉnh và khu vực đã giành được 80 huy chương; trong đó có 22 huy chương vàng, 25 huy chương bạc, 33 huy chương đồng và nhiều giải nhất, nhì, ba tập thể và cá nhân.  Với 9 câu lạc bộ (CLB) thể dục, thể thao hiện có, bình quân hàng năm toàn huyện đã tổ chức trên 150 cuộc thi đấu thể dục, thể thao (trong đó cấp xã, thị trấn thực hiện 110 cuộc, cấp huyện 40 cuộc, tham gia cấp tỉnh 12 cuộc). Riêng hoạt động thể dục, thể thao trong các trường học: 100% các trường học triển khai dạy môn thể dục ở các cấp học là 2 tiết/ tuần (riêng lớp 1 là 1 tiết/ tuần) đảm bảo đúng chương trình giảng dạy do Bộ giáo dục quy định, duy trì các giờ thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ cho học sinh. Hàng năm đội ngũ giáo viên dạy môn thể dục, thể thao tham gia các lớp thay sách về đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy môn thể dục ở các cấp học. Toàn huyện có 68/92 trường học tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất cho học sinh; trong đó có 48/48 trường tiểu học, 18/18 trường THCS và 2 trường THPT. Có 61 trường học (44 trường tiểu học, 15 trường THCS và 2 trường THPT) duy trì hoạt động thể dục, thể thao ngoại khoá thường xuyên và tổ chức tốt các hoạt động giao lưu bóng đá, bóng chuyền giữa các trường tạo được khí thế phong trào. Qua đó phát hiện, bồi dưỡng nhân tố mới, tuyển chọn vận động viên xuất sắc tham gia hội khỏe phù đổng cấp tỉnh được tổ chức 2 năm/1 lần và Đại hội thể dục, thể thao học sinh Bình Thuận hàng năm.

Nhìn chung, Qua 8 năm thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Bí thư, Chỉ thị 21 của Thường vụ Tỉnh uỷ, Chỉ thị 29 ngày 30/6/2004 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển thể dục, thể thao đến năm 2010, phong trào thể dục, thể thao trong huyện đã có bước phát triển rộng khắp với nhiều loại hình đa dạng, phong phú. Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" được duy trì thường xuyên, số lượng người tham gia luyện tập ngày càng tăng. Lực lượng vận động viên và số môn tham gia thi đấu ở các cấp hàng năm tăng và đạt nhiều kết quả. Cơ sở vật chất, nhất là sân bãi luyện tập và trang thiết bị được nhiều cơ quan, đơn vị quan tâm đầu tư, có những đóng góp tích cực vào việc rèn luyện nâng cao sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động thể dục, thể thao vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Công tác tuyên truyền chưa được thực hiện thường xuyên và liên tục. Phong trào phát triển chưa đồng bộ, chủ yếu tập trung khu đông dân cư và đối tượng là thanh niên, học sinh. Tỷ lệ người tham gia tập thể dục thường xuyên còn thấp, chỉ đạt 22% tổng số dân trong huyện, chưa đạt yêu cầu Chỉ thị số 29 của Thường vụ Huyện ủy đề ra (25%); thành tích tham gia thi đấu còn hạn chế, nhất là thể thao thành tích cao. Công tác quản lý, kiểm tra thực hiện các hoạt động về phong trào thể dục, thể thao chưa thực hiện thường xuyên, một số nơi còn buông lỏng. Xã hội hóa thể dục, thể thao còn yếu, nhất là xã hội hóa việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài trợ các đợt thi đấu thể dục, thể thao. Đội ngũ cán bộ thể dục, thể thao còn thiếu và hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là ở cơ sở. Quỹ đất dành cho phát triển thể dục, thể thao chưa bảo đảm; cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị phục vụ cho luyện tập thi đấu chưa được đầu tư đúng mức.

Để phát triển phong trào Thể dục - thể thao trong những năm đến, toàn huyện sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị 21-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị 29 của Ban Thường vụ Huyện ủy, gắn với tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020; nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ và nhân dân về phát triển thể  dục, thể thao. Đặc biệt các cấp, các ngành trong huyện phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh xã hội hóa phong trào thể dục, thể thao ở các địa phương, đơn vị. Vận động và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân nhất là thanh thiếu niên, học sinh, lực lượng vũ trang tham gia tập luyện nhằm phát triển phong trào thể dục thể thao; trong đó tập trung hướng mạnh về trường học, các khu dân cư và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện có 35% số người và 25% số hộ gia đình luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên; các trường học, xã, thị trấn có đủ cơ sở vật chất thể dục, thể thao phục vụ việc luyện tập. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thể dục, thể thao ở các trường học. Bên cạnh chương trình chính khóa cần phát triển các hoạt động thể dục, thể thao ngoại khóa và thường xuyên tổ chức các hình thức thi đấu thể dục, thể thao giải trí thích hợp với từng cấp học và điều kiện thực tế ở các địa phương. Củng cố, kiện toàn và quan tâm công tác đào tạo, hướng dẫn chuyên môn đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên chuyên trách, đồng thời phát triển lực lượng cộng tác viên thể dục, thể thao từ huyện đến cơ sở. Tiếp tục thành lập mới và phát huy hiệu quả hoạt động các CLB thể dục, thể thao hiện có ở các xã, thị trấn, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang. Duy trì và nâng chất lượng hoạt động các môn thể thao truyền thống ở các xã, thị trấn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động thể dục, thể thao; quan tâm phát triển thể dục, thể thao ở trường học, các xã miền núi khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng, nâng cấp các phòng tập, sân, bãi phục vụ hoạt động thể dục, thể thao cấp huyện và cơ sở./.

Trần Lê


  • |
  • 718
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO