Hàm Thuận Bắc tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết TW7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2015

  • /
  • 23.4.2012 - 17:34

Nhằm triển khai thực hiện nghị quyết TW7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa X đã đề ra, từ năm 2011 Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành chương trình hành động nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, giữ vững ổn định chính trị-xã hội ở nông thôn. Tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp 18,9%/năm. Mỗi năm có 2.500 đến 3.000 lao động được đào tạo. Lao động nông nghiệp còn dưới 55% lao động xã hội. Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới dưới 5%. Các loại dịch vụ điện, nước, y tế, giáo dục, văn hoá, vệ sinh môi trường, bưu chính viễn thông đáp ứng tốt nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

 Để phấn đấu đạt được các mục tiêu trên, trong giai đoạn 2011-2015, toàn huyện đã đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp phù hợp trong từng thời điểm cụ thể để chỉ đạo triển khai thực hiện trong đó chú trọng vào các nội dung sau đây:

Một là phải tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp một cách toàn diện, bền vững, hiệu quả theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Theo đó về nông nghiệp sẽ phát triển ngành trồng trọt theo hướng hình thành sản xuất với quy mô hợp lý các lọai nông sản hàng hóa tập trung có lợi thế như: lúa, thanh long, cao su, mía… Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp chủ yếu dưới hình thức trang trại với quy mô phù hợp, an toàn dịch bệnh. Nghiên cứu xây dựng một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi. Chú trọng áp dụng phương thức canh tác mới đối với cây lúa theo mô hình "3 giảm, 3 tăng", sử dụng đại trà giống lúa xác nhận và thực hiện nghiêm lịch thời vụ. Thực hiện đạt kết quả chương trình sản xuất thanh long theo chuẩn ViệtGAP. Củng cố và phát huy vai trò của các câu lạc bộ khuyến nông ở xã, thị trấn và đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp ở cơ sở. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, thủy lợi hóa, cơ giới hóa. Chú trọng đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu hoạch và công tác dự báo phòng chống dịch bệnh cây trồng, con nuôi. Tăng cường công tác quản lý đất đai. Khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng trang trại. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đi đôi với giải quyết kịp thời thủ tục chuyển đổi cây trồng cho nhân dân.

Hai là về công nghiệp dịch vụ, đến năm 2015 toàn huyện sẽ phấn đấu đẩy mạnh việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm để nâng chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng nông sản hàng hoá. Kiến nghị tỉnh hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã xác định nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tháo gỡ khó khăn và thu hút đầu tư. Đồng thời, khuyến khích phát triển các ngành nghề theo hộ gia đình. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ thương mại, mở rộng thị trường nông thôn, trước hết ở hai thị trấn. Tiếp tục sắp xếp, đầu tư nâng cấp mở rộng hệ thống chợ ở các xã theo quy hoạch. Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, chú ý tăng xuất khẩu thanh long. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mạnh các dịch vụ vận tải, bảo hiểm, tín dụng, thông tin liên lạc phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Sớm hoàn thành quy hoạch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch Hàm Thuận - Đa Mi và hồ Sông Quao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên các lĩnh vực theo định hướng phát triển của huyện. Tăng cường chỉ đạo củng cố, phát triển và nâng hiệu quả kinh tế tập thể, đặc biệt là loại hình HTX. Để việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả, trong giai đoạn 2011-2015 phải tích cực tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, Tỉnh; đồng thời phát huy các nguồn nội lực, tạo vốn từ quỹ đất, huy động sức dân và kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Phấn đấu đến năm 2012 huy động khoảng 5.000 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước 30%. Ưu tiên đầu tư phát triển giao thông nông thôn, nhất là các vùng khó khăn để có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội nhanh hơn. Thông qua quy chế dân chủ sẽ thực hiện bê tông xi măng ít nhất được 40% km đường giao thông nông thôn còn lại, tập trung trước hết  ở 3 xã điểm xây dựng "nông thôn mới" Hàm Trí, Hồng Sơn, Hàm Phú. Chú trọng khai thác có hiệu quả và từng bước kiên cố hóa hệ thống công trình thuỷ lợi trên địa bàn để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất giáo dục, văn hóa, y tế; nâng cấp, mở rộng lưới điện quốc gia; hệ thống nước sinh hoạt và chỉnh trang đô thị ở hai thị trấn. Quy hoạch bố trí lại dân cư nông thôn gắn với quy hoạch công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với các tiêu chí cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng vùng.

Cao su Đông Giang. Ảnh TL.

Ba là nỗ lực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn, trong đó chú ý thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá một số lĩnh vực văn hoá-xã hội và ưu tiên  giải quyết việc làm cho nông dân. Triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề theo chương trình của Chính Phủ mà Tỉnh chọn Huyện làm điểm, gắn với thực hiện đầu tư phát triển giáo dục. Tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa khó khăn. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, dân số, giảm tỷ lệ sinh ở nông thôn. Nâng cao chất lượng và hiệu quả của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", gắn với xây dựng mỗi xã, thị trấn một thôn, khu phố văn hoá điểm và khu dân cư thương mại tập trung, có đủ thiết chế văn hoá theo quy định. Tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện và thực hiện đầy đủ quy chế dân chủ cơ sở.

Bốn là  tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị-xã hội ở nông thôn, nhất là Hội Nông dân. Muốn thế phải quan tâm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức Đảng cơ sở để thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện trên địa bàn nông thôn; củng cố và nâng cao năng lực bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở. Tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường công tác đào tạo để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, gắn với giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội. Tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới; mở rộng dân chủ, tạo sự đồng thuận trong xã hội; củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở huyện nhà./.

PV.

 

 


  • |
  • 685
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO