Trước thực tế phần lớn thanh niên nông thôn trên địa bàn có trình độ học vấn thấp, thiếu việc làm, ít có cơ hội được đào tạo nghề. Vì vậy, hàng năm nhiều đoàn viên, thanh niên đã tìm giải pháp thoát ly đến các thành phố lớn để tìm việc làm nhưng thu nhập khá bấp bênh. Huyện đoàn Hàm Thuận Bắc đã có những cách làm hay, thiết thực hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp. Một trong những cách làm đó là định hướng nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên nông thôn, qua việc các cơ sở đoàn đẩy mạnh, tập trung theo dõi, hướng dẫn, tư vấn cho các đoàn viên, thanh niên sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay mà Huyện đoàn đang quản lý. Vận động đoàn viên, thanh niên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi có giá trị cao; đăng ký thực hiện các mô hình mới như sản xuất thanh long VietGAP, mô hình “3 giảm, 3 tăng”, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp... Nhờ chịu khó học hỏi, mạnh dạn đầu tư nên nhiều thanh niên từ hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như anh Lê Văn Dũng (xã Thuận Hòa), lập nghiệp từ con số không, anh đã mạnh dạn vay vốn từ Huyện đoàn đầu tư trồng 1.500 trụ thanh long và sản xuất 2 ha lúa theo mô hình “3 giảm, 3 tăng”. Từ nguồn thu trên, sau khi trừ chi phí 1 năm gia đình anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Hay anh Nguyễn Ngọc Sô (thị trấn Ma Lâm), được Huyện đoàn cho vay vốn, đầu tư kinh doanh xăng dầu, mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Từ hoàn cảnh khó khăn, nay gia đình anh đã là một trong những hộ khá giả nhất vùng. Ngoài ra, có anh Nguyễn Nhân Đạo (xã Hồng Liêm), thành công với mô hình nuôi dông thương phẩm trên diện tích 1.000m2, hàng năm thu lãi trên 100 triệu đồng.
Theo anh Đặng Thanh Phúc - Bí thư Huyện đoàn Hàm Thuận Bắc: Hiện nay, tổng dư nợ các nguồn vốn Huyện đoàn đang quản lý là 17 tỷ đồng cho gần 1.850 hộ gia đình và thanh niên vay phát triển kinh tế. Ngoài ra, hàng năm Huyện đoàn còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư, Trung tâm dạy nghề và Trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, thị trấn tổ chức mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho thanh niên nông thôn. Chủ yếu là sản xuất thanh long VietGap, trồng rau mầm, nuôi gà thả vườn, trồng nấm, nuôi dông. Đồng thời mở các lớp ngành nghề thủ công truyền thống như mây tre đan, dệt thổ cẩm giúp cho thanh niên vùng dân tộc thiểu số ở các xã La Dạ, Đông Giang, Đông Tiến giải quyết được việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập. Một trong những cách làm hay nữa là hàng năm Huyện đoàn phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức hội chợ việc làm, tư vấn việc làm cho thanh niên tại địa phương. Thông qua kênh này, các đoàn viên, thanh niên được các doanh nghiệp tư vấn việc làm phù hợp với khả năng và trực tiếp tuyển dụng vào các doanh nghiệp. Với cách làm này, 5 năm qua có hơn 16.000 thanh niên được tư vấn ngành nghề, giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Có thể khẳng định rằng, phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” tại Huyện đoàn Hàm Thuận Bắc đang có sức hấp dẫn, lôi cuốn đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
HTB