Hàm Thuận Bắc tích cực thực hiện Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015

  • /
  • 31.5.2012 - 15:49

Trong những năm qua, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em trên địa bàn huyện được triển khai tích cực và đạt được một số kết quả; các chính sách trợ giúp đã được triển khai thực hiện khá đồng bộ, nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và toàn xã hội từng bước nâng lên. Tuy nhiên, kết quả thực hiện các mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em chưa đạt theo mong muốn. Tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị bóc lột sức lao động… vẫn còn diễn ra các vụ việc nghiêm trọng, cho thấy, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hiện vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.

 

Thực hiện Kế hoạch số 3258/KH-UBND, ngày 08/7/2011 của UBND tỉnh Bình Thuận vừa qua Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc đã xây dựng Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 của huyện nhằm tạo môi trường xã hội an toàn, lành mạnh mà ở đó tất cả trẻ em đều được chăm sóc bảo vệ và bình đẳng về cơ hội phát triển. Chủ động phòng ngừa, loại bỏ các nguy cơ có thể gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực và trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và tạo cơ hội cho trẻ em được sống hòa nhập cộng đồng. Trong đó, cụ thể giai đoạn từ 2011-2015 phải phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 6% tổng số trẻ em. 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. 70% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp kịp thời để giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Củng cố cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em nhất là cộng tác viên trẻ em tại thôn, khu phố. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ trẻ em đi vào hoạt động có hiệu quả.

Đối tượng của Chương trình này tập trung dành cho trẻ em, trước mắt là ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực. Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật. Chương trình được thực hiện trong phạm vi toàn huyện, ưu tiên xã, thị trấn có nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Bao gồm các nội dung sau đây: Chương trình truyền thông, giáo dục, vận động xã hội để đến năm 2011 90% gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em được nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về bảo vệ trẻ em. Chương trình nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm phấn đấu đến năm 2011 có 100% cán bộ làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, từ cấp huyện đến cấp xã, thị trấn và cộng tác viên thôn, khu phố được tập huấn nâng cao năng lực quản lý, nâng cao kiến thức công tác xã hội với trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; kỹ năng truyền thông tư vấn, tham vấn. Chương trình xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em (đến năm 2015) nhằm triển khai hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em bao gồm: Thành lập Ban Chỉ đạo Bảo vệ chăm sóc trẻ em cấp huyện; thành lập tổ công tác liên ngành bảo vệ trẻ em ở huyện. 17/17 xã, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo Bảo vệ, chăm sóc trẻ em. 50% số xã, thị trấn xây dựng điểm tư vấn cộng đồng, trường học. 100% cộng tác viên, tình nguyện viên cơ sở tham gia các hoạt động bảo vệ trẻ em. Chương trình Xây dựng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng chương trình phấn đấu để đến năm 2015 có 80% trẻ em khuyết tật các loại được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe phẩu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, giáo dục và các dịch vụ công cộng. 90% trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi không nơi nương tựa được chăm sóc. Giảm hàng năm 10% số trẻ em bị bạo lực, ngược đãi và xâm hại tình dục. 100% trẻ em được phát hiện bị bạo lực, bị ngược đãi, bị xâm hại tình dục được can thiệp trợ giúp. Các xã, thị trấn không để trẻ em lang thang; trẻ em lao động nặng nhọc xảy ra tại địa phương. Chương trình nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em với mục tiêu: Rà soát đánh giá tình hình thực hiện các văn bản pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các xã, thị trấn; các chính sách hỗ trợ cho trẻ em và tổ chức triển khai thực hiện các văn bản mới ban hành về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tăng cường phòng ngừa bảo vệ trẻ em toàn diện. Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về bảo vệ chăm sóc trẻ em.

Để triển khai thực hiện đạt kết quả những chương trình trọng tâm nêu trên, trong giai đoạn 2011-2015 toàn huyện phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đưa mục tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của huyện và xã, thị trấn. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước; tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hàng năm xây dựng kế hoạch tăng cường hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh công tác, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ trẻ em trong toàn xã hội. Phát  triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em có chất lượng, tăng cường xã hội hóa và phối hợp liên ngành trong việc tổ chức các hoạt động bảo vệ trẻ em. Củng cố và nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bố trí ở mỗi xã, thị trấn 01 định suất phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo qui định của tỉnh và duy trì thực hiện mỗi thôn, khu phố có ít nhất 01 cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tiếp nhận kinh phí hàng năm của tỉnh phân bổ và huy động nguồn lực tài chính từ cộng đồng để thực hiện chương trình; ưu tiên nguồn lực cho các xã, thị trấn có nhiều trẻ em nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế-xã hội khó khăn./.


  • |
  • 693
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO