Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp ở huyện Hàm Thuận Bắc

  • /
  • 11.5.2012 - 15:9

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu đã hình thành được những vùng chuyên canh lúa, rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn và dài ngày... cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao với thu nhập bình quân hơn 50 triệu đồng/ha/năm. Làm nên những thành công ấy, ngoài việc tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới năng suất cao vào sản xuất, phải kể đến việc đẩy mạnh thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp.

Tính đến nay, cơ giới hoá trong nông nghiệp đạt 42% diện tích, các khâu làm đất, vận chuyển ra hạt đạt trên 90%, khâu thu hoạch lúa đạt gần 40%, đáng lưu ý những năm gần đây nông dân mạnh dạn đầu tư vốn cùng với sự hỗ trợ vốn vay ưu đãi của chính phủ, đã mua sắm các loại máy gặt để phục vụ sản xuất và kinh doanh. Tính đến hết quí I/2012, toàn huyện có 50 máy gặt, trong đó có 28 máy gặt đập liên hợp, còn lại là máy gặt xếp dãy. Ông Trần Văn Ngọc ở thôn Phú Điền, xã Hàm Phú cho biết: “Trước kia nông dân chưa có máy gặt đập liên hợp, thu hoạch bằng thủ công dẫn đến lúa bị rơi vài, thất thoát khoảng 8%, giờ đây thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp nên sản lượng lúa bị thất thoát chỉ dưới 2% …”

Máy gặt đập liên hợp xã Hàm Phú.

Ông Nguyễn Xuân Hiếu, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: “Tốc độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện những năm gần đây tương đối cao, đã giúp cho nhân dân giảm bớt sức lao động, thực hiện các khâu làm đất, vận chuyển, thu hoạch nhanh gọn, phục vụ kịp thời mùa vụ. Song cũng phải thấy thực trạng cơ  giới hoá vẫn chưa đồng bộ và thiếu tập trung, nhất là khâu thu hoạch lúa ở nhiều vùng trọng điểm chưa có sự đầu tư đúng mức nên tốc độ phát triển rất chậm, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất…”.

Để tạo điều kiện cho bà con nông dân huyện Hàm Thuận Bắc đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất, ngành Nông nghiệp cần xây dựng đề án cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 và có cơ chế hỗ trợ cho nông dân đầu tư thực hiện tốt chương trình này. Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ cơ giới hoá nông nghiệp đạt trên 50% diện tích, trong đó thu hoạch lúa đạt trên 70% diện tích./.

Bài - ảnh; Đỗ Khắc Thể


  • |
  • 756
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO