Những năm qua, UBND huyện đã có sự đầu tư khôi phục và phát triển các làng nghề sau:
- Làng nghề dệt thổ cẩm La Dạ: đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất giai đoạn 1 vào tháng 7/2009, với tổng vốn đầu tư 2.173 triệu đồng, gồm: nhà xưởng dệt, nhà trưng bày sản phẩm, giếng nước, sân, cổng tường rào. Thành lập Ban quản lý và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh của làng nghề; rà soát lại số lao động đã đào tạo nghề để đưa vào làm việc.
- Làng nghề bánh tráng Phú Long: hiện nay có 43 hộ, với khoảng 150 lao động làm nghề sản xuất kinh doanh bánh tráng với mức thu nhập từ 2,4 triệu đồng/người/tháng trở lên; trong đó có 04 hộ đầu tư sản xuất bánh tráng bằng máy móc để nâng cao năng suất lao động; các hộ sản xuất kinh doanh đã thực hiện tốt các chính sách pháp luật Nhà nước, nộp thuế đầy đủ, hoạt động sản xuất đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Làng nghề mộc Hàm Thắng: hiện nay có 80 hộ sản xuất kinh doanh nghề mộc dân dụng (đóng tủ, bàn, ghế...), giải quyết việc làm cho khoảng 250 lao động; trong đó có 150 thợ lành nghề với mức thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng và khoảng 100 lao động phụ với mức thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng; các hộ sản xuất kinh doanh thực hiện việc nộp thuế đầy đủ, hoạt động sản xuất đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, việc hình thành và phát triển làng nghề còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; làng nghề dệt thổ cẩm La Dạ đã được đầu tư xây dựng tương đối đầy đủ về cơ sở vật chất, nhưng do chưa bảo đảm về chất lượng tay nghề và thị trường tiêu thụ sản phẩm nên đến nay chưa triển khai được phương án sản xuất kinh doanh; làng nghề mộc Hàm Thắng, làng nghề bánh tráng Phú Long bị vướng về đất lúa nên không thể triển khai được, mặt khác việc quy hoạch đưa các hộ làm nghề vào sản xuất tập trung không phù hợp; do đó UBND huyện chỉ đạo khảo sát tại các làng nghề hiện hữu, trên cơ sở đó xem xét đề xuất việc hỗ trợ làng nghề đầu tư sửa chữa giao thông, hệ thống thoát nước để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và vệ sinh môi trường trong khu vực làng nghề.
Riêng 03 làng nghề: Làng nghề mây tre đan Kukê (xã Thuận Minh), làng nghề mây tre đan Đông Giang (xã Đông Giang) và làng nghề bánh tráng Bình An (xã Hàm Chính), UBND huyện đã chỉ đạo rà soát, đề nghị và được UBND tỉnh đồng ý thôi công nhận làng nghề do không đạt các tiêu chí theo quy định.
Như vậy, gần nữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện (khoá X) mà việc khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống trong huyện hầu như chưa đạt kết quả như mong muốn, phải chăng do không xuất phát từ thực tiễn khách quan để xác định mục tiêu này hay do trong quá trình chỉ đạo điều hành thiếu quyết tâm? Thiết nghĩ chúng ta chuẩn bị đầy đủ về con người được đào tạo nghề, về thị trường đầu ra cho sản phẩm đối với dự án làng nghề dệt thổ cẩm La Dạ dẫn đến đầu tư tốn kém mà không phát huy hiệu quả, gây lãng phí; không lường được khả năng vướng đất lúa khi triển khai dự án làng nghề bánh tráng Phú Long, làng nghề mộc Hàm Thắng; không xác định rõ các điều kiện công nhận làng nghề mây tre đán KuKê (Thuận Minh), làng nghề mây tre đan Đông Giang và làng nghề bánh tráng Bình An.
Những năm còn lại của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện (khoá X), chúng ta cần tập trung chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đưa làng nghề dệt thổ cẩm La Dạ vào hoạt động; hỗ trợ đầu tư sửa chữa, nâng cấp giao thông, hệ thống thoát nước, bảo đảm sản xuất kinh doanh, vệ sinh môi trường đối với các làng nghề bánh tráng Phú Long và làng nghề mộc Hàm Thắng; khuyến khích đào tạo phát triển các nghề mộc dân dụng, đan lát, may mặc xuất khẩu, sữa chửa nông cụ phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Không nhất thiết khôi phục làng nghề truyền thống mà không có đủ điều kiện theo quy định./.
Minh Thư