Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Hàm Thuận Bắc những thuận lợi và khó khăn

  • /
  • 11.10.2013 - 17:46

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra cơ hội cho nông dân huyện Hàm Thuận Bắc được tiếp cận các chương trình đào tạo nghề. Nhiều thành phần lao động lâu nay chỉ biết bám ruộng đồng, hoặc những người chưa có việc làm ổn định đã hăng hái tham gia các khóa học, và đây là cơ hội tốt để người lao động rèn luyện kỹ năng, trang bị cho mình một nghề thật thụ.

Qua 3 năm triển khai Đề án 1956 (từ năm 2010-2012), toàn huyện Hàm Thuận Bắc có trên 4.330 lao động nông thôn được học nghề. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu về nông nghiệp như: trồng và chăm sóc thanh long, kĩ thuật trồng nấm rơm, trồng rau an toàn, chăn nuôi, thú ý…và phi nông nghiệp như: dệt thổ cẩm, điện, mộc, xây dựng dân dụng và sửa chữa máy nông nghiệp… Sau khi học nghề, nhiều lao động ứng dụng kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; một bộ phận sau học nghề tận dụng thời gian nông nhàn nhận gia công, sản xuất cho các doanh nghiệp tăng thu nhập, một số lao động nông thôn sau học nghề thành lập tổ liên kết sản xuất thanh long Vietgap, hoặc có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ... Minh chứng cho điều này là trong số lao động được đào tạo nghề ở huyện Hàm Thuận Bắc, có hơn 2.000 học viên tự tạo việc làm, trên 340 học viên được các doanh nghiệp tuyển dụng  và 10 lao động được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn ở huyện Hàm Thuận Bắc thời gian qua  được thực hiện với nhiều hình thức, như dạy tập trung ở Trung tâm dạy nghề huyện, dạy nghề lưu động tại các xã, thị trấn và dạy nghề theo hợp đồng đào tạo với doanh nghiệp gắn với giải quyết việc làm. Điều đáng ghi nhận, là các cơ sở dạy nghề đã chuyển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở, sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động địa phương và yêu  cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Thông qua đó, các địa phương xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, có khả năng nhân rộng, như mô hình liên kết sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn Vietgap, mô hình trồng nấm rơm, trồng rau an toàn và cây lương thực…Đây cũng là những mô hình đã và đang được nhiều nông dân chú trọng phát triển trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, thì công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn 3 năm qua ở huyện Hàm Thuận Bắc vẫn còn vướng phải nhiều cái khó. Rõ nhất là một bộ phận nông dân vốn là người trực tiếp hưởng lợi lại không tích cực tham gia. Nguyên nhân là do nhận thức của bà con còn hạn chế, chưa ý thức được việc đào tạo nghề  là nhu cầu và cũng là  yếu tố cần thiết để đảm bảo cuộc sống cho bản thân. Hơn nữa, bà con  cũng chưa xác định được công tác dạy nghề là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc giúp  lao động nông thôn có tay nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội. Cùng với những khó khăn này, thì một hạn chế nổi rõ nữa là quy mô đào tạo nghề ở huyện Hàm Thuận Bắc còn nhỏ lẻ, chất lượng đào tạo còn hạn chế, các nghề đào tạo chủ yếu là dạy nghề thường xuyên với thời gian dưới 3 tháng. Bên cạnh đó, trang thiết bị giảng dạy, đội ngũ giảng viên của Trung tâm dạy nghề huyện còn thiếu và yếu, đi đôi với việc định hướng đào tạo nghề còn lúng túng, chưa gắn kết các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong vấn đề giải quyết việc làm, dẫn đến hiệu quả công tác đào tạo và đầu ra cho lao động sau đào tạo chưa cao…

Trước những khó khăn và hạn chế còn tồn tại, thiết nghĩ để việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, các cơ sở đào tạo nghề ở huyện Hàm Thuận Bắc nên chú ý liên kết với doanh nghiệp, đào tạo nghề gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp để người lao động sau khi học nghề có việc làm. Việc đào tạo nghề phải phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của lao động và điều kiện thực tế của địa phương. Đặc biệt, để việc học nghề thu hút được nhiều nông dân tham gia, nhất là tầng lớp thanh niên chưa có nghề nghiệp và  việc làm, huyện Hàm Thuận Bắc cần có chính sách hỗ trợ học viên khi học nghề xong được vay vốn với lãi suất ưu đãi để có điều kiện ứng dụng những gì mình đã học, nhằm đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của công tác dạy nghề.

Linh Nguyễn


  • |
  • 890
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO