Những năm gần đây, thực hiện Chỉ thị số 07, ngày 14/12/2006 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, công tác thương binh, liệt sỹ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc đã đạt được những kết quả quan trọng. Các cấp, các ngành đã tập trung thực hiện các chính sách ưu đãi về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con em thương-bệnh binh; các chính sách trợ cấp hằng tháng, bảo hiểm y tế, chăm sóc điều dưỡng sức khỏe, hỗ trợ nhà ở, ưu đãi trong giáo dục và đào tạo cho con em người có công và các phong trào tình nghĩa được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Từ năm 2007 đến nay, đã lập hồ sơ đề nghị và được Nhà nước phong và truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng cho 439 Mẹ và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 2 đồng chí; công nhận, giải quyết chế độ cho 2.602 trường hợp, trong đó, cán bộ tiền khởi nghĩa 26, Liệt sĩ 03, thương binh 17, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 101, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 12, người hoạt động kháng chiến 728, người có công giúp đỡ cách mạng 434, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày 840. Bên cạnh đó, chi trả trợ cấp hàng tháng cho 33.764 lượt đối tượng với gần 469 tỷ đồng; trợ cấp 01 lần cho hàng ngàn đối tượng với kinh phí 58 tỷ đồng; mua bảo hiểm y tế cho người có công và thân nhân liệt sĩ gần 10 tỷ đồng; trợ cấp ưu đãi cho học sinh, sinh viên là con em người có công hưởng chính sách ưu đãi trong giáo dục và đào tạo trên 16 tỷ đồng…
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở cũng có nhiều hoạt động giúp đỡ, chăm lo cho gia đình người có công với cách mạng. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhận đỡ đầu con thương binh, thân nhân liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn. Có 117 bà Mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đơn vị trong huyện nhận phụng dưỡng đến cuối đời với khoảng trợ cấp từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng/ tháng; có 131 gia đình liệt sĩ neo đơn được nhận đỡ đầu với mức hỗ trợ từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng/ tháng. Thiết thực hơn, các cơ quan, đơn vị trong huyện còn trao tặng 298 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách khó khăn với tổng giá trị 298 triệu đồng... Các phong trào tình nghĩa, xã hội hoá chăm sóc người có công cũng được quan tâm, đẩy mạnh, như: Phong trào “Áo lụa tặng bà”, “Đi tìm địa chỉ đỏ”, “Nghĩa tình đồng đội”… ngày đi vào chiều sâu và mang đậm tính nhân văn; đặc biệt với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong 10 năm gần đây huyện Hàm Thuận Bắc đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng chính sách nhân dịp lễ, tết với tổng trị giá trên 42 tỷ đồng; chi hơn 12,4 tỷ triệu đồng cho đối tượng chính sách hưởng chế độ điều dưỡng và trên 342 triệu đồng cấp phương tiện, dụng cụ chỉnh hình cho đối tượng có công; tạo điều kiện cho 283 đối tượng đi tham quan Hà Nội và viếng Lăng Bác… Thông qua các chế độ ưu đãi, đến nay, đời sống của phần lớn hộ gia đình người có công và thân nhân liệt sỹ ổn định và từng bước được cải thiện, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân trong huyện.
Khám và phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách.
Điểm sáng ở huyện Hàm Thuận Bắc trong những năm gần đây là chương trình xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân tích cực hưởng ứng. Hiện nay, nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được gần 7 tỷ đồng. Cùng nguồn vốn phân khai của tỉnh, đóng góp của các tổ chức, xã hội, đã tiến hành xây mới 30 nhà và sửa chữa 583 nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách với tổng kinh phí hỗ trợ gần 13,3 tỷ đồng.
Một hoạt động khác không kém phần ý nghĩa đó là đẩy mạnh, phát động các cấp, các ngành và nhân dân tham gia khảo sát, tìm kiếm, quy tập 71 hài cốt liệt sỹ và an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh; huy động vốn ngân sách và đóng góp của nhân dân xây sửa 62 bia chiến tích, địa chỉ đỏ; 11 bia ghi danh, đài tưởng niệm với tổng kinh phí trên 1,6 tỷ đồng,… qua đó, tạo cảnh quan khang trang, sạch đẹp và trang trọng để thân nhân liệt sĩ và nhân dân đến thăm, viếng, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ.
Cụ thể hóa Chỉ thị 07 của Ban Bí thư Trung ương Đảng bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, có thể nói rằng huyện Hàm Thuận Bắc đã thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ người có công, chăm lo các gia đình chính sách,…Hoạt động đó, không chỉ tô điểm thêm truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, của quê hương Hàm Thuận Bắc anh hùng, mà còn thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, góp phần thắt chặt niềm tin của đối tượng chính sách đối với Đảng và Nhà nước./.