Tin tức

Hàm Thuận Bắc đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU, ngày 01/8/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) và 02 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 120-KH/TU, ngày 24/12/1018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) về “tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống đến năm 2020”, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc đạt nhiều kết quả. Nhận thức của các cấp ủy từ huyện đến cơ sở đã có sự chuyển biến, nhất là nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng, lịch sử truyền thống của ngành, địa phương và xem đây là nhiệm vụ quan trọng để tập trung chỉ đạo.

Số lượng các công trình lịch sử xuất bản tiếp tục được nâng lên: ở cấp huyện, tháng 7/2010 đã hoàn thành công tác tái bản Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Hàm Thuận, giai đoạn (1930-1975); tháng 12/2014 xuất bản Lịch sử Đảng bộ huyện Hàm Thuận Bắc, giai đoạn (1975 - 2005); tháng 8/2012 xuất bản Lịch sử an ninh nhân dân huyện Hàm Thuận trong kháng chiến chống xâm lược, giai đoạn (1945 - 1975); tháng 6/2020 xuất bản Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Hàm Thuận Bắc, giai đoạn (1975 - 2015) và đang chuẩn bị các điều kiện tiến hành biên soạn tái bản Lịch sử Đảng bộ huyện Hàm Thuận Bắc, giai đoạn (1975 - 2005) và biên soạn bổ sung giai đoạn (2005 - 2020). Ở cơ sở, đã có 12/17 xã, thị trấn (Hồng Liêm, Hồng Sơn, Hàm Đức, Phú Long, Hàm Hiệp, Hàm Chính, Ma Lâm, Thuận Minh, Hàm Trí, Hàm Phú, Thuận Hòa và Đông Tiến) đã hoàn thành xuất bản lịch sử Đảng bộ cả 2 giai đọan (1930 - 1975 và 1975 - 2010); có 02/17 xã (Hàm Thắng, Hàm Liêm) đã hoàn thành xuất bản lịch sử Đảng bộ trong giai đoạn (1930-1975) và đang tiếp tục biên soạn giai đoạn (1975-2020); xã Đông Giang đang tiến hành hợp đồng biên soạn giai đoạn (1945 - 2020).

Với kết quả trên, góp phần nâng tổng số đầu sách lịch sử đã xuất bản và tái bản trên địa bàn huyện là 26 đầu sách. Đây chính là cơ sở quan trọng cho công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng của ngành, của địa phương cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân huyện nhà.

Để công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản và tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống theo sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy thì trong thời gian tới các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:

1- Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu kỹ và triển khai thực hiện có kết quả Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương (khóa XII); Kế hoạch 120-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII), nhất là Kế hoạch 158-KH/HU, ngày 29/03/2019 của Ban Thường vụ Huyện ủy (khóa XI) về “tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống đến năm 2025”.

2- Rà soát tái bản lịch sử Đảng bộ huyện (giai đoạn 1975-2005) và đẩy nhanh tiến độ biên soạn lịch sử bổ sung (giai đoạn 2005-2020). Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sớm hoàn chỉnh nội dung bản thảo tập lịch sử Đảng bộ xã Hàm Thắng, Hàm Liêm (giai đoạn 1975 -2020). Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hợp đồng và biên soạn lịch sử Đảng bộ xã Đông Giang, La Dạ giai đoạn (1945 -2020) xã Đa Mi giai đoạn (2001-2021) và lịch sử truyền thống của Công an huyện (giai đoạn 1975 - 2020), phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành theo yêu cầu kế hoạch đề ra.

3- Đảng ủy các xã, thị trấn đã hoàn thành biên soạn lịch sử cả 2 giai đoạn (giai đoạn 1930 - 1975 và giai đoạn 1975 - 2010), cần xây dựng kế hoạch tiếp tục biên soạn bổ sung giai đoạn đến năm 2020 và chuẩn bị các điều kiện để tái bản lịch sử khi có điều kiện theo quy định.

4- Cấp ủy, chính quyền và Mặt trận, đoàn thể các cấp tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương đảm bảo theo Kế hoạch 162-KH/HU, ngày 28/01/2015 của Ban Thường vụ Huyện ủy trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ bằng nhiều hình thức phong phú. Trong đó, các trường học cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lịch sử của địa phương cho học sinh thông qua lồng ghép, tích hợp với môn lịch sử và hoạt động ngoại khóa. Mặt trận và các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương thông qua tổ chức hội thi, viết bài tìm hiểu trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đoàn viên, hội viên trong toàn huyện.


Các tin khác