Theo con đường đang thi công, chúng tôi đến thôn Trũng Liêm xã Hàm Chính, địa bàn được xem là xa và khó khăn nhất của xã, vì có tổ dân cư nằm sát bìa rừng. Đường rộng và dễ đi, thoáng cái đã đến được trung tâm của thôn, tiếng là trung tâm nhưng cũng chỉ lác đác vài nóc nhà, còn lại là đồng lúa và vườn cây ăn quả của dân. Thấy có người lạ hỏi thăm, bà Nguyễn Thị Tỉnh niềm nở bắt chuyện, cháu vào thôn có việc gì không và nhìn ra cánh đồng trước mặt. Cháu cứ theo con đường chính đi qua khỏi đồng ruộng là tới thôn liền. Tôi chưa kịp hỏi thêm gì, bà lại tiếp thêm vài câu, bây giờ cháu thấy sướng không, đường xá thuận lợi, điện nước đầy đủ, lúa một năm làm cả 3 vụ. Chứ hồi đó nơi này khổ lắm cháu, nước sản xuất hoàn toàn dựa vào trời, làm năm được năm mất. Trồng mía tây thì phải đánh xe bò ra cầu 14 chở 2, 3 phuy nước về tưới, còn lấy nước sinh hoạt đi từ mờ sáng. Bà Tỉnh thở phào, nhờ có nước Sông Quao cả. Mãi nói chuyện với khách, bà Tỉnh quên mất là mình đang thắng đường chuẩn bị ép cốm, nhờ đứa cháu ra nhắc, bà mới xin lỗi vào kiểm tra nồi đường.
Ông Nguyễn Ngọc Thương- Trưởng thôn Trũng Liêm xã Hàm Chính cho biết, đây là địa bàn có địa hình phức tạp, nơi thì vùng trũng, nơi thì gò đồi, nơi nhiều đá sỏi, người dân đến đây sinh sống, lập nghiệp toàn khó khăn cả. Từ năm 1996, khi nguồn nước Sông Quao mở về thôn, người dân mới có cơ hội phát triển sản xuất và mở mày, mở mặt như bây giờ. Nhờ có nguồn nước, nhân dân thôn Trũng Liêm đã mạnh dạn cải tạo nhiều diện tích đất gò đồi, đá sỏi thành ruộng, đầu tư phát triển cây thanh long, kết hợp chăn nuôi bò. Hiện nay thôn có gần 100 ha lúa sản xuất 3 vụ, trên 37 ha thanh long và hàng chục ha cây ăn quả khác. Nhờ chịu khó khai hoang, phục hóa và phát huy nguồn nước thủy lợi, đời sống của nhân dân thôn Trũng Liêm được cải thiện đáng kể. Thôn có 224 hộ, giờ chỉ còn 26 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo.
Về Hàm Chính hôm nay, điều dễ nhận thấy đó là cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng nhiều hơn, nhất là hệ thống giao thông. Hầu hết các tuyến đường chính của xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng, tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất và giao lưu hàng hóa. Trường THCS Hàm Chính được xây mới khang trang, nhiều Phòng học mẫu giáo, tiểu học được sửa chữa, nâng cấp và có đầy đủ các công trình phụ, phục vụ nhiệm vụ giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh ngày càng tốt hơn. Hệ thống thủy lợi gần như phủ khắp các địa bàn, kể cả những vùng gò đồi trước đây. Nhờ nguồn nước từ các công trình thủy lợi mà việc sản xuất của nông dân được thuận lợi, nhiều diện tích đất hoang hóa, gò đồi trước đây được nhân dân khai hoang phát triển thành ruộng, một số trồng cây ăn quả. Ngoài ổn định diện tích lúa nước trên 1.000 ha, xã Hàm Chính còn phát triển mạnh cây thanh long trên 800 ha, trong đó trên một nửa diện tích được cấp giấy chứng nhận VietGap. Ông Nguyễn Văn Dũng- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hàm Chính cho biết, năm 2012 tuy có nhiều yếu tố bất lợi cho sản xuất như giá nông sản không ổn định, giá vật tư phân bón tăng cao, bệnh đốm trắng trên thanh long, nhưng sản xuất nông nghiệp của xã vẫn phát triển, năng suất các loại cây trồng tăng, đời sống nhân dân ngày càng ổn định, trong năm xã Hàm Chính có thêm 44 hộ thoát nghèo và 23 hộ cận nghèo vươn lên có cuộc sống trung bình, hiện nay hộ nghèo còn 5,2%.
Hàm Chính, mãnh đất chịu đựng nặng nề hậu quả chiến tranh, mãnh đất của bao đời cằn khô, sỏi đá, giờ đang từng ngày thay da, đổi thịt. Màu xanh của lúa, màu đỏ rực của thanh long đang mùa thu hoạch đã mang đến cuộc sống no đủ cho nhân dân. Đi trên con đường trãi nhựa bê tông từ thôn 6 Hàm Chính ra Quốc lộ 28, lòng tôi thêm rạo rực bởi không khí xuân đang tràn ngập thân thương. Những ngôi nhà xây mới, những cây mai trước nhà được người dân vặt trụi lá, cùng mùi hương của mật đường phảng phất, tất cả như đang hòa nhập vào không khí của mùa xuân. Xuân đang về trên quê hương Hàm Chính anh hùng./.
Thành Khoa