Hàm Thuận Bắc tiếp tục tăng cường lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, đoàn thể và nâng cao chất lượng giáo dục tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức đối với đội ngũ giáo viên trong trường học

Qua hơn 8 năm thực hiện Chỉ thị 25-CT/HU, ngày 29/6/2004 của Ban Thường vụ Huyện ủy, các cấp ủy cơ sở, chính quyền, đoàn thể và ngành giáo dục huyện có nhiều cố gắng lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện đạt kết quả. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong các trường học được tăng cường. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được tăng cường bồi dưỡng, học tập nâng nhận thức về chính trị; số đông đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ dạy và học.

Công tác phát triển đảng viên được đẩy mạnh, số lượng tăng gấp 2,4 lần so năm 2004, chiếm hơn 22% so với tổng số giáo viên. Các chi bộ đảng trong trường học tăng thêm 3,5 lần, được thường xuyên củng cố, kiện toàn bước đầu phát huy được vai trò lãnh đạo trong các trường học. Các tổ chức đoàn thể trong nhà trường tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, góp phần thực hiện đạt kết quả nhiệm vụ của nhà trường đề ra.

Tuy nhiên, một số cấp ủy cơ sở, ngành giáo dục huyện, các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức quán triệt Chỉ thị 25-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy chưa thật sâu sắc, nên việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế. Việc học tập nâng nhận thức tư tưởng chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, giáo viên trường học hạn chế so yêu cầu. Còn nhiều trường học chưa có chi bộ, thậm chí một số trường chưa có đảng viên; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều chi bộ trường học chậm nâng lên; thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng còn bất cập; công tác phân công, quản lý đảng viên ở nhiều chi bộ thiếu chặt chẽ, nhất là chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đảng viên. Công tác phát triển đảng một số nơi chưa bảo đảm về chất lượng; một số chi bộ đề ra nghị quyết lãnh đạo còn lúng túng, có biểu hiện nặng về chuyên môn xem nhẹ công tác xây dựng Đảng, đoàn thể. Một bộ phận đảng viên thiếu gương mẫu trong tu dưỡng rèn luyện, mức độ hoàn thành nhiệm vụ chưa cao, có những trường hợp yếu kém về trách nhiệm, sa sút phẩm chất đạo đức, lối sống, giảm sút lòng tin trong quần chúng.

Để khắc phục những khuyết điểm, hạn chế nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong trường học, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu cấp ủy các xã, thị trấn, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các ban, ngành, đoàn thể liên quan và các tổ chức đảng trong trường học nghiêm túc quán triệt và tập trung thực hiện những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Công tác xây dựng Đảng, đoàn thể và nâng cao chất lượng giáo dục tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức đối với đội ngũ giáo viên trong trường học phải được xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và đẩy mạnh “việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, tin tưởng đường lối đổi mới của Đảng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

2. Tăng cường sự lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong trường học gắn liền với công tác giáo dục nhận thức tư tưởng chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên bảo đảm thực hiện đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, cụ thể như sau:

2.1. Làm tốt công tác giáo dục tư tưởng chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường phải có ý thức tự giác và tích cực học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tham gia học tập quán triệt đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương với hình thức phù hợp.

2.2. Trên cơ sở đổi mới hoạt động, để phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể nhà trường trong công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tinh thần trách nhiệm, ý thức phấn đấu vươn lên trong hoạt động dạy và học của đội ngũ thầy, cô giáo và học sinh; hướng mạnh hoạt động các đoàn thể trong nhà trường tham gia tích cực vào các phong trào, các cuộc vận động do địa phương phát động; tăng cường tổ chức các hoạt động xã hội có ý nghĩa thiết thực để giáo dục tư tưởng, động viên tinh thần, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh.

2.3. Tập trung củng cố, xây dựng các chi bộ trường học trong sạch, vững mạnh, thật sự là hạt nhân lãnh đạo nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Phấn đấu đến cuối năm học 2012-2013, tất cả các trường đều có đảng viên; đến cuối năm học 2014-2015, bí thư chi bộ phải là hiệu trưởng hoặc hiệu phó trường học và tất cả các trường học đều có chi bộ. Trước mắt phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của chi bộ trường học, trên cơ sở đó đổi mới lề lối làm việc của cấp uỷ, chi bộ. Tập trung nâng chất lượng nội dung sinh hoạt, bảo đảm tính giáo dục, tính chiến đấu và vai trò lãnh đạo của chi bộ trường học. Thực hiện tốt nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, tăng cường công tác phân công quản lý đảng viên. Chú trọng nâng chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết của chi bộ để lãnh đạo nhà trường thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và định hướng hoạt động các tổ chức đoàn thể.

Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tổ chức Huyện uỷ và điều kiện thực tế, các chi bộ trường học thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy chế làm việc cho phù hợp và thực hiện đúng quy chế đề ra. Quy chế làm việc phải xác định rõ mối quan hệ công tác giữa chi bộ, chi uỷ, bí thư chi bộ với ban giám hiệu, hiệu trưởng theo hướng vừa bảo đảm sự lãnh đạo của chi bộ, vừa tránh can thiệp sâu vào công việc điều hành chuyên môn của ban giám hiệu.

2.4. Công tác xây dựng Đảng trong trường học phải bảo đảm gắn kết chặt với xây dựng, củng cố, nâng chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, trước hết là cán bộ quản lý nhà trường. Kết nạp người vào Đảng phải bảo đảm là những quần chúng có đủ tiêu chuẩn theo quy định Điều lệ Đảng, thật sự tiêu biểu trong công tác và sinh hoạt, có tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, có khả năng tập hợp, vận động quần chúng và được quần chúng tín nhiệm theo tinh thần Thông báo số 321-TB/HU, ngày 30/7/2012 của Ban Thường vụ Huyện ủy. Trường hợp cán bộ quản lý đủ tiêu chuẩn kết nạp vào Đảng nhưng qua tuyên truyền, giáo dục đối tượng không thiết tha vào Đảng, thì vận động cán bộ đó thôi làm nhiệm vụ quản lý, đồng thời bố trí những cán bộ có đủ điều kiện để thay thế.

Đảng ủy các xã, thị trấn, Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp khảo sát nắm chắc lực lượng giáo viên, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng viên một cách chủ động, đồng bộ, chặt chẽ, trong đó chú ý những trường chưa có đảng viên, giáo viên là người địa phương để ổn định lâu dài; đồng thời xây dựng quy chế phối hợp giữa cấp uỷ xã, thị trấn với Phòng Giáo dục và Đào tạo trong việc điều động thuyên chuyển cán bộ quản lý, giáo viên nhằm đảm bảo tất cả các trường học có đảng viên và chi bộ theo kế hoạch đề ra.

3. Các cấp ủy xã, thị trấn, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học trong huyện tiếp tục tổ chức quán triệt sâu kỹ và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40, ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”, gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

4. Giao đồng chí Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chỉ thị 34, ngày 30/5/1998 của Bộ chính trị (khóa VIII) về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong các trường học; Chỉ thị 40, ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư (khóa IX) về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và Chỉ thị này. Kịp thời báo cáo, đề xuất Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện có kết quả nhiệm vụ được giao.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy giúp Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng và giáo dục lịch sử truyền thống địa phương trong các trường học.

5. Ban Tổ chức Huyện uỷ chủ trì việc phối hợp với các Ban của Huyện ủy, Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung Quy định tạm thời số 372 ngày 23/11/2004 của Ban Thường vụ Huyện ủy, quy định “về mối quan hệ phối hợp giữa các Ban của Huyện ủy với lãnh đạo ngành giáo dục huyện và cấp ủy các xã, thị trấn trong công tác xây dựng Đảng trong các trường học” cho phù hợp tình hình hiện nay, trình Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành chậm nhất trong quý IV/2012; phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện uỷ, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện đề xuất kế hoạch đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục hàng năm để Thường vụ Huyện ủy quyết định.

6. Các đoàn thể có liên quan phối hợp chặt chẽ với phòng Giáo dục và Đào tạo, chỉ đạo hoặc chủ trì phối hợp tổ chức thực hiện đổi mới nội dung, hình thức, phương thức hoạt động của các đoàn thể trong trường học.

7. Căn cứ Chỉ thị này, yêu cầu cấp ủy, chi bộ trường học chủ động quán triệt sâu kỹ cho đảng viên, cán bộ, giáo viên trong trường học và triển khai thực hiện nghiêm túc; đảng ủy các xã, thị trấn phân công cấp ủy viên thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện đối với các chi bộ trường học (trực thuộc).

Giao Ban Tuyên giáo Huyện ủy giúp Ban Thường vụ Huyện ủy hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, thường xuyên báo cáo tình hình và kết quả thực hiện cho Ban Thường vụ Huyện ủy để theo dõi chỉ đạo./.


Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO